ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Thông qua Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội.
Đăng ngày: 24-04-2017 02:22
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Sáng 21/4, tại phiên họp thứ 9 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam về quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân

phát biểu tại phiên họp

Dự phiên họp có Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn; Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan.

Theo Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn, thực hiện kế hoạch xây dựng Nghị quyết liên tịch (NQLT) quy định chi tiết Điều 27 và Điều 34 của Luật MTTQ Việt Nam về các hình thức giám sát, phản biện xã hội, trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật, ý kiến của Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam có ý kiến về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý nội dung dự thảo.

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn cho biết, trước khi biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết, một số vấn đề có ý kiến đã được thảo luận, thống nhất. Về cơ chế phối hợp giám sát, phản biện xã hội giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cơ quan nhà nước (Điều 3), qua thảo luận, về cơ bản, các ý kiến nhất trí với cơ chế phối hợp giám sát, phản biện xã hội được quy định tại khoản 3 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết.

 

Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp

Về cơ chế phối hợp giám sát, phản biện xã hội giữa Uỷ ban MTTQ Việt Nam với các cơ quan Nhà nước, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị bổ sung nguyên tắc “việc giám sát, phản biện được thực hiện, dân chủ, công khai, minh bạch; không chồng chéo, không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát; không làm ảnh hưởng đến tiến độ ban hành văn bản; không để một vụ việc, lĩnh vực, nội dung có đồng thời nhiều cơ quan, tổ chức cùng giám sát ở một thời gian, địa bàn nhất định”. Về nội dung này, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng tại khoản 3, Điều 25 của Luật MTTQ Việt Nam đã quy định về nguyên tắc giám sát, đồng thời Nghị quyết liên tịch này chỉ quy định về 4 hình thức giám sát và 3 hình thức phản biện xã hội đã được quy định trong Luật MTTQ Việt Nam nên việc một lần nữa nhắc lại nguyên tắc giám sát theo khoản 3, Điều 25 Luật MTTQ Việt Nam là không cần thiết.

Đồng thời, Kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hàng năm của Ủy ban MTTQ Việt Nam có sự trao đổi, thống nhất giữa Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ; giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam ở địa phương với HĐND, UBND cùng cấp. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị phải xác điểm mốc thời điểm xây dựng, thông qua kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hàng năm để căn cứ vào đó hoạt động; có ý kiến đề nghị kế hoạch nên xây dựng vào quý III hàng năm, ý kiến khác đề nghị vào quý IV, có ý kiến lại cho rằng để linh hoạt, không xác thời điểm.

 

Đại biểu tham dự phiên họp

Qua thảo luận, đa số ý kiến tán thành với đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Chính phủ, vì đặc thù của hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam,  Luật MTTQ Việt Nam đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát và phản biện xã hội. Do đó, việc ba cơ quan thống nhất ban hành một Nghị quyết liên tịch là phù hợp với thẩm quyền được luật giao. Thực tiễn cho thấy, trong các năm 2011 và  2016, các cơ quan này ban hành một số Nghị quyết liên tịch về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.

Góp ý vào Dự thảo, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng Quốc hội cho rằng, tại Khoản 3, Điều 3 hiện nay khối lượng giám sát của các địa phương lớn, để tránh sự trùng chéo và áp lực với các địa phương, nên đề nghị cần phải có sự nghiên cứu và có sự điều hoà để chọn đề tài, nội dung giám sát để tránh trùng chéo. Trên cơ sở mỗi kỳ có hơn 200 nội dung đề xuất giám sát từ đó chọn ra 4 nội dung để báo cáo trước Quốc hội, chính vì vậy trong quý III hàng năm, Mặt trận cần lựa chọn ra các nội dung để tránh trùng với nội dung đoàn giám sát của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng hoan nghênh báo cáo tiếp thu giải trình của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tiếp thu, giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Thống nhất với đối tượng, phạm vi điều chỉnh về giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam để từ đó đề cao vai trò của người dân trong công tác giám sát, phản biệt xã hội. Thống nhất thông qua chủ trương, bên cạnh đó, bà Tòng Thị Phóng cho rằng đối với hình thức văn bản nên có sự tham gia của 3 chủ thể trong bản ký kết từ đó tôn trọng vai trò của nhân dân trước sự giám sát của cơ quan Nhà nước và về cơ chế phối hợp, các Chương trình giám sát cũng nên được điều chỉnh theo thời gian và dựa vào nhiệm vụ phát sinh tại các địa phương.

 

Chủ trì phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu quan điểm cần thiết xác định mốc thời điểm cụ thể để lập kế hoạch và căn cứ vào thực tế, nên vào quý III hàng năm. Tuy nhiên, nếu phát sinh những vấn đề cần thiết phải giảm sát, phản biện xã hội, các bên liên quan sẽ đề xuất bổ sung vào kế hoạch giám sát, phản biện xã hội đã lập.

Về chủ thể ban hành Nghị quyết, theo dự thảo Nghị quyết, chủ thể ban hành Nghị quyết quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Về vấn đề này, có ý kiến cho rằng, theo Điều 4 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chủ thể ban hành nghị quyết liên tịch chỉ có hình thức nghị quyết liên tịch giữa hai chủ thể, không có hình thức nghị quyết liên tịch giữa ba chủ thể. Mặt khác, trường hợp một chủ thể ban hành là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết này cũng bảo đảm hiệu lực đối với tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ vui mừng trước các ý kiến đồng thuận đối với Dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam về quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Mặt trận tham gia giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ở cơ sở như một thành viên đoàn giám sát, bên cạnh đó, sau một năm, Mặt trận sẽ tập hợp ý kiến giám sát đưa vào báo cáo hàng năm. Đặc biệt với các vấn đề Mặt trận, Chính phủ và Quốc hội triển khai giám sát thời gian qua đã nhận được sự hưởng ứng và đồng thuận trong nhân dân và thu được kết quả đáng khích lệ.

Đối với thời điểm chốt các nhiệm vụ giám sát, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, chương trình giám sát của Quốc hội sẽ được thông qua vào quý III hoặc quý IV, cùng thời gian đó, Mặt trận cũng sẽ tiến hành xây dựng chương trình giám sát trong quý III và thông qua nội dung trong quý IV hàng năm nhưng bên cạnh đó các chương trình giám sát vẫn phải dựa vào yêu cầu thực tế phát sinh tại các địa phương để điều chỉnh nội dung giám sát.

Trước khi thông qua dự thảo, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết Mặt trận sẽ tiếp tục chỉnh sửa nội dung và hoàn thiện Nghị quyết liên tịch và trước khi ban hành sẽ gửi các bên nội dung Dự thảo Nghị quyết liên tịch này một lần nữa.

“Dự thảo này được thể chế hóa Nghị quyết 217, 218 của Bộ Chính trị đồng thời Dự thảo cũng phản ánh tính chất chính trị của đất nước, không chỉ có Đảng, Nhà nước mà còn có nhân dân tham gia giám sát thông qua Mặt trận và các tổ chức thành viên. Chính vì vậy thực hiện ký Nghị quyết 3 bên chính là khẳng định thể chế chính trị của nước ta.”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Hương Diệp​

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu