ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
20 NĂM LÀM “NGHỀ MẶT TRẬN”
Đăng ngày: 04-11-2016 10:14
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Đó là con số hết sức ấn tượng với tôi về chị Nguyễn Thị Bông - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa.

​            Thời gian đầu chị tham gia công tác tại ngành Công an rồi làm công tác Đảng của xã. Năm 1997, được sự tin tưởng của Đảng chị chuyển sang làm công tác Mặt trận, với cương vị là Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hiệp Hòa. Đến năm 2014, do không đủ tuổi nên chị được bố trí giữ chức danh Phó Chủ tịch Mặt trận xã. Vậy là đến nay đã tròn 20 năm với 17 năm làm Chủ tịch Mặt trận.

 Tôi hỏi chị có lý do gì để chị lựa chọn và gắn bó với công tác Mặt trận lâu như vậy? Chị hiền từ cười: chắc tại chữ Duyên! Phật dạy phàm trên cõi đời này, tất cả mọi việc đều bắt nguồn từ chữ Duyên. Với chị quả không sai tý nào!

Chị kể với tôi ngày mới bắt đầu làm công tác Mặt trận với vô vàn bỡ ngỡ, khó khăn. Trong điều kiện làm việc còn nhiều hạn chế, điều kiện thông tin liên lạc, tra cứu tài lệu còn hết sức khó khăn, Chị phải tự tìm tòi, nghiên cứu từ Điều lệ, Luật Mặt trận, các văn bản có liên quan, rồi đi tìm, gặp gỡ các thế hệ đàn anh, đàn chị để học hỏi kinh nghiệm và không quên tranh thủ hết sức sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp, các ngành….Khó khăn là vậy nhưng chị bảo làm nhiều rồi quen! Năm đầu tiên từ khi nhận nhiệm vụ, Mặt trận xã Hiệp Hòa được công nhận đạt loại Khá. Từ năm tiếp theo cho đến tận bây giờ, Hiệp Hòa liên tục được công nhận là đơn vị vững mạnh, là tập thể luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là lá cờ đầu trong phong trào thi đua của địa phương.

Đảm đương nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, chị luôn trăn trỡ làm sao để bà con thoát khỏi nghèo đói, có công ăn việc làm ổn định, ốm đau bệnh tật được chăm sóc chu đáo…Đã có nhiều đêm không ngủ, chị trăn trở, suy nghĩ để xây dựng kế hoạch, phương án phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên, các cơ quan ban, ngành, các nhà hảo tâm để tìm ra giải pháp hỗ trợ giúp đỡ bà con thoát khỏi bần hàn. Chị bảo: Đảng tin tưởng giao nhiệm vụ mà mình không hoàn thành, nhiều người đói nghèo thì thấy có lỗi với dân lắm! Vì chị đã từng nghèo khổ, từng được cô giáo đóng tiền học phí để được tới trường, được người khác chia cho từng nắm gạo cứu đói, được mọi người giúp đỡ để dựng lại căn nhà bị sập nên chị hiểu hơn ai hết giá trị của một “miếng khi đói”, của sự chia sẻ, yêu thương để phấn đấu làm sao không có ai phải rơi vào cảnh như mình đã từng. Qua 20 năm, chị đã tham gia trực tiếp vận động xây dựng,  sửa chữa 148 căn nhà tình thương với số tiền hơn 1 tỷ đồng và 429 hộ được giúp đỡ bằng nhiều hình thức vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Chị cho biết kinh nghiệm vận động thành công là phải xuất phát từ cái tâm và trách nhiệm. Ở xã Hiệp Hòa, chị cùng Ban Thường trực trực tiếp đi khảo sát từng hộ nghèo, xem họ đang gặp khó khăn về nhà ở hay về nhu cầu sản xuất kinh doanh hay về đất đai, việc làm để tìm cách hỗ trợ hiệu quả nhất. Việc xét duyệt được làm từng bước chặt chẽ, ưu tiên các đối tượng gia đình chính sách và người có điều kiện khó khăn hơn. Vì vậy chị luôn tạo được sự đồng thuận từ cơ sở, các ngành, các cấp và lòng tin từ nhà tài trợ.

Chị chia sẻ: kỷ niệm chị nhớ nhất là có lần đi trao nhà tình thương cho người nghèo, có người ôm chầm lấy chị khóc. Lúc đó chị cảm thấy rất xúc động, thấy thấm thía chính sách chăm lo của Đảng, của Mặt trận có ý nghĩa với người nghèo như thế nào.

HINH 5.JPG
Chị Nguyễn Thị Bông (Ngoài cùng bên trái) trao quà cho các hộ nghèo.

Trong công tác vận động nhân dân chấp hành việc cưới, việc tang, xây dựng nếp sống mới, chị cùng với Ban Thường trực phối hợp với các đơn vị, các tổ chức thành viên và tranh thủ vận  động các vị chức sắc, tôn giáo nhất là các vị trụ trì các chùa trên địa bàn tham gia cùng Mặt trận vận động nhân dân không đốt vàng mã khi đưa tang, không để người chết quá 48 tiếng. Trăm nghe không bằng một thấy” vừa rồi gia đình chị có 03 người mất. Là người hiểu hơn ai hết chủ trương cấm đốt vàng mã bảo vệ môi trường, chị đã vận động gia đình chôn cất người thân trước 48 tiếng, không đốt vàng mã lúc đưa tang để làm gương cho bà con, lối xóm. Mặc dù đó là thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân địa phương nhưng chị tin rằng với sự gương mẫu của người làm công tác Mặt trận và các ngành, với sự nỗ lực của các cấp Mặt trận, với phương châm “Mưa dầm thấm lâu”, việc tuyên truyền nhân dân thực hiện chủ trương đúng đắn này sẽ đạt kết quả.

Và còn nhiều, rất nhiều nhiệm vụ quan trọng khác được Đảng, nhà nước, cấp trên giao, chị đều hoàn thành tốt. Vì vậy, 20 năm gắn bó với Mặt trận, chị luôn được bình bầu là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng rất nhiều bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương của các cấp, các ngành. Mặc dù sắp đến tuổi nghỉ hưu nhưng chị luôn tâm niệm còn làm việc ngày nào, chị còn nỗ lực, học hỏi, còn cố gắng ngày đó và chị sẽ nguyện đóng góp công sức nhỏ bé của mình để xây dựng Hiệp Hòa nói riêng, thành phố Biên Hòa và Đồng Nai nói chung ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với danh hiệu quê hương anh hùng.

Được tiếp xúc với chị, được chứng kiến những việc chị làm, được nhìn thấy những gì chị đã cống hiến, tôi nhận ra một điều: 20 năm chị gắn kết với Mặt trận không chỉ vì chữ Duyên mà còn vì chữ Tâm tròn trĩnh!

TỐ NGA

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu