ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Kỷ niệm 140 năm Ngày sinh Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (1/10/1876 - 1/10/2016)
Đăng ngày: 14-09-2016 04:20
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
.

HUỲNH THÚC KHÁNG - NGƯỜI ĐÓNG GÓP TÍCH CỰC

VÀO SỰ NGHIỆP CỦNG CỐ KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN

Trong lịch sử cách mạng Việt Nam nói chung và lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam nói riêng, tên tuổi và sự nghiệp của Nhà chí sỹ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng có vị trí đặc biệt quan trọng. Sau ngày nước nhà giành độc lập không lâu cụ Huỳnh Thúc Kháng được bầu làm Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (29/5/1946). Cũng thời gian này từ 31/5/1946 đến 20/10/1946 Cụ Huỳnh được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trọng trách Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời gian Người đi Pháp. Cụ Huỳnh Thúc Kháng được ghi nhận là người hết lòng yêu nước, thương nòi, người đóng góp tích cực vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

 

Chính phủ nước VNDCCH 11.1946

(Cụ Huỳnh Thúc Kháng người đeo kính đứng hàng đầu cạnh Bác Hồ)

Chúng ta đều biết, ngày 18/11/1930 Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị về thành lập Hội Phản đế đồng minh – hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Từ đó đến nay, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn lịch sử của cách mạng Việt Nam, các hình thức tổ chức Mặt trận đã lần lượt ra đời. Hội Phản đế đồng minh đã tuyên truyền vận động nhân dân dấy lên cao trào phản đế mạnh mẽ trong cả nước, với đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Trong những năm 1936 -1939 Mặt trận dân chủ Đông Dương và Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương đã tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân chống đế quốc và bè lũ tay sai, đẩy mạnh phong trào đấu tranh cho dân sinh, dân chủ, dân quyền. Ngày 19/5/1941 Mặt trận Việt Minh ra đời đã giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, thu hút mọi giới đồng bào yêu nước, tạo thành cao trào đánh Pháp - đuổi Nhật và là một nhân tố quyết định đưa Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngày 29/5/1946 Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam ra đời đã mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam đã cùng với Mặt trận Việt Minh huy động sức mạnh của nhân dân làm chỗ dựa vững chắc cho chính quyền cách mạng còn non trẻ và đối phó có hiệu quả với thù trong, giặc ngoài, để vượt qua thử thách trước tình thế cách mạng và vận mệnh dân tộc như ngàn cân treo sợi tóc.  Cụ Huỳnh Thúc Kháng được bầu làm Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Hội trưởng danh dự. Việc trọng dụng nhân tài như cụ Huỳnh và nhiều nhân sỹ, trí thức từng làm việc cho chế độ cũ, không phải là đảng viên cộng sản càng khẳng định tư tưởng đại đoàn kết dân tộc đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta. Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ ra đời, trong bài viết có nhan đề "Nhân tài và kiến quốc” đăng trên Báo Cứu quốc ngày 14-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển thêm nhiều”. Các bộ trưởng của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ những ngày đầu trứng nước như: Nguyễn Văn Huyên (Bộ Giáo dục), Trần Đăng Khoa (Bộ Giao thông công chính), Hoàng Tích Trí (Bộ Y tế), Vũ Đình Hòe (Bộ Tư pháp), Ngô Tấn Nhơn (Bộ Canh nông), Chu Bá Phượng (Bộ Cứu tế), Nguyễn Văn Tố, Bồ Xuân Luật (Bộ Không bộ), Huỳnh Thúc Kháng - Bộ Trưởng Bộ Nội vụ đồng thời cũng là Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, đều là các nhân sĩ, trí thức lớn và là người ngoài Đảng và họ đã hoàn thành trọng trách được giao, hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình trước quốc gia, dân tộc. Ngày 3/3/1951 Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt hợp nhất thành Mặt trận Liên Việt đã động viên sức mạnh toàn dân, toàn quân tập trung sức người, sức của đẩy mạnh cuộc kháng chiến với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến” làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đến thắng lợi.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tại Đại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 10/9/1955 như sau: "Lịch sử trong những năm qua đã tỏ rõ lực lượng đoàn kết của nhân dân ta là vô địch, và Mặt trận dân tộc thống nhất đã nhiều lần thắng lợi. Mặt trận Việt Minh đã giúp Cách mạng tháng Tám thành công. Mặt trận Thống nhất Việt Minh - Liên Việt đã giúp kháng chiến thắng lợi. Chúng ta có thể tin chắc rằng: với sự cố gắng của mỗi người và sự ủng hộ của toàn dân, Mặt trận Tổ quốc sẽ làm tròn nhiệm vụ vẻ vang là giúp xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh."

 

Lãnh tụ Hồ Chí Minh Chủ tịch danh dự Hội Liên Việt  và Chủ tịch Hội Liên Việt Huỳnh Thúc Kháng

Từ tư tưởng đại đoàn kết toàn dân và trọng dụng nhân tài mà Đảng và Bác Hồ đã trọng dụng cụ Huỳnh Thúc Kháng và chính cụ Huỳnh là người đóng góp tích cực vào việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần quan trọng vào sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Cách đây vừa đúng 20 năm, trong dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của cụ Huỳnh Thúc Kháng (10/1876 - 10/1996), tôi (Nguyễn Tuấn Anh - tác giả bài viết này) có may mắn được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cử đến gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà thơ Cù Huy Cận là những người trực tiếp có thời gian cùng hoạt động và có nhiều kỷ niệm với cụ Huỳnh để nghe kể và ghi chép về những hoạt động của cụ Huỳnh và những đóng góp của Cụ với đất nước, với việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Những tư liệu ghi chép được trong những lần nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà thơ Cù Huy Cận kể lại càng khẳng định công lao đóng góp to lớn của cụ Huỳnh với Tổ quốc, với nhân dân, với Cách mạng Việt Nam.

Chúng ta đều biết vì các hoạt động cứu nước, chống đế quốc đô hộ, cụ Huỳnh Thúc Kháng bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo 13 năm (1908 -1921). Sau khi ra tù, cụ lập ra Báo Tiếng Dân trực tiếp làm chủ bút và tổng biên tập báo. Tiếng dân là tờ báo công khai, tiến bộ, bênh vực người nghèo, thức tỉnh đồng bào sống trong ách áp bức của chế độ thực dân phong kiến. Sau đó Cụ tham gia rồi được bầu làm Chủ tịch Viện Dân biểu Trung kỳ. Khi Cách mạng Tháng Tám giành chính quyền thành công, Cụ đã 70 tuổi nhưng uy tín và tinh thần yêu nước của Cụ vẫn có ảnh hưởng rất lớn trong các tầng lớp nhân dân cả nước. Chính vì thế, cuối năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi hai bức thư mời cụ Huỳnh ra làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Lần đầu Cụ chưa nhận lời vì lý do tuổi cao sức yếu, nhưng lần thứ hai thì Cụ đồng ý ra Hà Nội gặp Hồ Chí Minh nhưng cũng chưa có ý định làm việc với chính quyền Việt Minh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: Khi tôi làm biên tập cho báo Tiếng Dân (với bút danh là Vân Đình, hoặc Hải Thanh) do cụ Huỳnh Thúc Kháng sáng lập, được tiếp xúc nhiều với cụ, vì thế tôi rất biết chính kiến của cụ Huỳnh - một nhà chí sỹ đầy khí phách, không dừng bước trước mọi gian nguy, sẵn sàng đem cả tính mệnh ra cứu nước.

 

Cụ Huỳnh Thúc Kháng – Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam

(gọi tắt là Hội Liên Việt 5 -1946)

Những người trong phong trào Duy Tân thời ấy, ý kiến tuy có chỗ khác nhau nhưng đều cho rằng dân ta sở dĩ phải khổ sở như vậy là do bọn tham quan ô lại. Vì vậy, nếu diệt trừ được bọn tham quan ô lại, nói rõ sự thật cho chính phủ Pháp, đem nền văn minh mà cải hoá đất nước thì cũng có thể đi đến tiến bộ. Đó cũng là tâm niệm của Cụ Huỳnh cũng như nhiều chí sỹ yêu nước cùng thế hệ ông. Khi tôi (Võ Nguyên Giáp) tham gia hoạt động trong chi bộ báo Tiếng Dân, dù tư tưởng khác nhau nhưng biết chúng tôi là những người cộng sản có lần cụ nói với tôi: Cậu là một thanh niên thông minh, yêu nước, nhưng các cậu chưa từng trải cho nên chưa hiểu rằng chủ nghĩa Bôn-sê-vích thì không hợp với nước ta. Mặc dầu nói như vậy, nhưng vì lòng yêu nước cụ vẫn giúp những người cộng sản chúng tôi hoạt động.

Lúc bấy giờ để tờ báo có thể tố cáo được chế độ thực dân, tôi đã viết nhiều bài cho báo Tiếng Dân mà có bài từ đầu chí cuối bị kiểm duyệt hết. Thí dụ như bài về 29 công ty tư bản ở Việt Nam gọi vốn hơn một triệu đồng, trong đó người Việt Nam chỉ có một thôi. Sau khi in ra, trên báo kể tên những người góp vốn thì bài báo bị kiểm duyệt. Rất khảng khái cụ Huỳnh nói rằng bài này bị kiểm duyệt, ta không lấy bài khác thay vào mà cứ để trang báo trắng như vậy. Nhiều tin tức về Xô - Viết Nghệ Tĩnh, hay về các chiến sỹ cộng sản bị bắn, khi báo đăng bị kiểm duyệt cắt bỏ, tin tức bị xoá thì Cụ chỉ thị là cứ để giấy trắng. Vì vậy báo Tiếng Dân nhiều lúc phát hành để một nửa trang hay một phần ba trang trắng. Điều ấy khẳng định chính kiến của Cụ là một cái riêng, nhưng Cụ là người yêu nước, cho nên chúng tôi vẫn làm việc vui vẻ và có kết quả trong báo Tiếng Dân. Nhiều bài theo chỉ thị của Trung ương các đồng chí viết để phổ biến chủ nghĩa Mác bằng lời lẽ cổ phong ở trong báo thì Cụ vẫn để đăng.

Biết cụ Huỳnh là con người như vậy, cho nên hoàn cảnh nước ta sau Cách mạng Tháng Tám gặp khó khăn, các đảng phái đối lập đề ra việc thành lập Chính phủ liên hiệp có thành phần Việt Minh và thành phần Việt Quốc, Việt Cách với hai bộ chính là Bộ Nội Vụ và Bộ Quốc Phòng phải cử người trung lập đứng đầu thì tôi có đề nghị với Bác Hồ và anh Trường Chinh là nên mời cụ Huỳnh vào làm Bộ trưởng Bộ Nội Vụ. Khi nhận bức thư mời thứ nhất, cụ Huỳnh chưa trả lời, đến bức thư thứ hai thì cụ đồng ý ra Bắc nhưng không mang theo hành lý mà dự định ra gặp Bác Hồ rồi cụ sẽ trở vô. Khi gặp nhau, Bác Hồ đã nói chuyện với cụ Huỳnh suốt một giờ đồng hồ và đã thuyết phục được cụ Huỳnh ra gánh vác việc nước. Sau khi gặp Bác Hồ, cụ Huỳnh có nói một câu rằng: "Đã gặp tri kỷ, tiếc rằng khi gặp tri kỷ thì tuổi đã già..." dù vậy, Cụ vẫn ra làm việc. Đó cũng chính là tấm lòng cụ Huỳnh Thúc Kháng với dân với nước, với Hồ Chí Minh vậy.

 Trong thời gian Bác Hồ đi Pháp, giao quyền cho cụ Huỳnh làm Chủ tịch Nước thì những đảng phái Việt Quốc, Việt Cách đang hoành hành mạnh ở Thủ đô Hà Nội. Lúc đó, vì còn quân Tưởng, cho nên bộ đội ta đóng ở Vĩnh Phúc, Yên Bái, Lào Cai. Trong Chính phủ liên hiệp có "Quân sự uỷ viên hội", tôi được cử làm Chủ tịch Quân sự uỷ viên hội, còn Vũ Hồng Khanh thủ lĩnh Quốc dân đảng được cử làm Phó Chủ tịch. Trước khi đi, Bác Hồ có bàn với cụ Huỳnh việc giao quyền Chủ tịch Nước cho Cụ và để lại cho Cụ mấy chữ: "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" vì biết tình hình sẽ rất khó khăn. Trong báo chí công khai chỉ nói chừng ấy, nhưng tôi xin nói thêm rằng lúc Bác Hồ nói với cụ Huỳnh câu "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" thì cả tôi và anh Trường Chinh đều có mặt. Bác Hồ dặn chúng tôi: Các chú ở nhà làm sao mà Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Trung ương làm việc với Cụ phải bàn bạc, thuyết phục, không có cái gì được ép buộc. Phải làm sao cho Cụ đồng tình để cùng làm việc thì mới đạt kết quả tốt được.

Như vậy, đi đôi với việc giao quyền cho cụ Huỳnh, Bác Hồ hết sức coi trọng sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, những công việc báo cáo với cụ Huỳnh đều được bàn bạc trước ở trong Thường vụ dưới sự chỉ đạo của anh Trường Chinh. Lúc bấy giờ rất may mắn cụ Huỳnh là người yêu nước mà chuộng công lý cho nên khi xảy ra vụ việc ở phố Ôn Như Hầu, Hà Nội (ngày nay là phố Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội. Ôn Như Hầu là tên chữ của nhà văn Nguyễn Gia Thiều) là cụ quyết liền. Nếu không có chứng cớ rõ ràng mà bắt Việt Quốc, Việt Cách thì không làm được mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt. Ngay một số người nào đó trong Mặt trận cũng chưa chắc đã tán thành. Nhưng công an ta lúc đó có anh Lê Giản và anh Nguyễn Tạo lo tìm được chứng cớ. Khi chúng tôi có chứng cớ báo cho cụ Huỳnh rằng ở phố Ôn Như Hầu đang in truyền đơn phản động và có chuyện bắt cóc, hối lộ, tống tiền, thủ tiêu... thì với tinh thần khảng khái của người yêu nước, chuộng công lý, cụ cầm ba-toong đập xuống đất một cái và nói: Phải diệt chúng nó, bọn này là bọn phản quốc. Thế là Cụ tán thành xử lý vụ Ôn Như Hầu... Hồi đó nhiều đồng chí, đồng bào ta bị bắt, bị giết, bị chôn ở trong đó. Chúng tôi bàn ở trong Thường vụ và ở trong Quân uỷ Trung ương quyết định phải tiêu diệt bọn Quốc dân đảng ở Vĩnh Phúc, Yên Bái, Lào Cai và cụ Huỳnh đồng ý.

Như thế, trong khi Bác Hồ đi vắng, ở nhà giải quyết được mối đoàn kết chung, kiên quyết tiêu diệt bọn phản động, không phải chỉ vụ Ôn Như Hầu mà tiêu diệt toàn bộ quân đội của Việt Quốc, Việt Cách từ Vĩnh Yên cho đến Yên Bái, Lào Cai trong đó có sự đóng góp trực tiếp của cụ Huỳnh. Đến khi Bác Hồ về thì những việc đó đã được giải quyết ổn thoả. Lúc cụ Huỳnh tham gia gánh vác công việc của đất nước thì tuổi Cụ đã cao và thời gian cũng ngắn, nhưng cụ Huỳnh đã để lại cho chúng ta một thực tiễn sinh động về thành công trong sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận, về chính sách đại đoàn kết dân tộc. Mặc dù lúc bấy giờ Đảng đã rút vào hoạt động bí mật. Về chiến lược, chúng ta rất vững vàng, nhưng về sách lược lại rất mềm mỏng, kể cả trong cách làm. Và, cần khẳng định: công lao của cụ Huỳnh đối với đất nước, với dân tộc là rất lớn.

Điều cuối cùng tôi muốn nói về tấm gương cụ Huỳnh, bài học lớn của cụ Huỳnh, cùng với bài học của cụ Phan Bội Châu, cụ Phan Chu Trinh. Cụ Phan Bội Châu như Bác Hồ đã nói là thiên sứ đi thức tỉnh đồng bào và đã tán thành Nguyễn Ái Quốc để đi đến CNXH. Cụ Phan Châu Trinh đến lúc vận nước lâm nguy thì thấy rằng vận mệnh nước nhà lúc này là do Nguyễn Ái Quốc đảm nhiệm. Huỳnh Thúc Kháng thì không những có chuyển biến về tư tưởng như vậy là do yêu nước thương dân, thực sự muốn mang hạnh phúc tự do đến cho mọi người, mà cuối cùng cũng đi đến cộng tác với Hồ Chí Minh. Như vậy con đường chủ nghĩa yêu nước chân chính, yêu nước thương dân mang lại tự do độc lập thống nhất cho dân tộc, cho thời đại, hạnh phúc cho nhân dân thì ở nước Việt Nam ta quy luật là đi đến với CNXH. Đó là tấm gương cụ Huỳnh Thúc Kháng và các nhà yêu nước khác càng chứng tỏ sự đúng đắn của con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Cho nên Đảng ta càng tin tưởng, dân ta càng tin tưởng vào đường lối của Đảng, mà đường lối đó đã đưa chúng ta đến thắng lợi ngày nay.

Nhà thơ Cù Huy Cận  kể lại: Tôi (Cù Huy Cận) có một vinh dự lớn được làm Thứ trưởng Bộ Nội Vụ giúp cụ Huỳnh Thúc Kháng từ cuối tháng 5/1946 đến tháng 11/1946 tức là trong thời gian Cụ Hồ đi Pari. Tôi còn nhớ rất rõ trư¬ớc hôm lên đường đi Pháp, Cụ Hồ có nói với tôi: Tối hôm nay chú ở lại với tôi để nói chuyện với cụ Huỳnh nhé. Khi hai Cụ ngồi bàn công việc thì tôi được ngồi dự. Tối hôm đó bên ấm trà nóng hai Cụ đã nói chuyện, bàn bạc với nhau rất nhiều về kế sách giữ nước, về quốc kế dân sinh, trong đó tôi nhớ nhất chi tiết Cụ Huỳnh nói với Cụ Hồ rằng:

- Cụ đi vắng, ở nhà có nhiều việc khó khăn, bất trắc xảy ra thì làm thế nào?. Cụ Hồ nói ngay một câu: - "Dĩ bất biến, ứng vạn biến".

Là một nhà nho, cụ Huỳnh đã hiểu toàn bộ ý tứ cụ Hồ gửi gắm. Cụ Hồ còn nói nhiều về những khó khăn do các đảng phái, các thế lực phản động sẽ gây ra và thực dân Pháp sẽ tiếp tục gây hấn, nhưng xin Cụ (Huỳnh Thúc Kháng) cứ yên tâm.

Sau đó tôi có làm một bài thơ tứ tuyệt với nhan đề Lời dặn:

"Tôi đi Cụ chớ lo chi cả

Quyền nước, lòng dân Cụ ở nhà

Hai chén trà khuya hương nhẹ toả

Một câu bất biến dặn phòng xa”.

Bài thơ này có đăng trên báo và sau đó được phổ biến nhiều.

Thời kỳ cụ Huỳnh làm Bộ trưởng Bộ Nội Vụ có một việc thể hiện khá rõ tính cách khảng khái của cụ Huỳnh và cũng là vì chăm lo cho khối đại đoàn kết toàn dân. Lúc đó có một số cụ lương y xin thành lập Hội Đông y và có xin ý kiến Bộ Y Tế. Mấy hôm sau, có một số bác sĩ (Tây y) xin đến gặp cụ Huỳnh để phản đối việc thành lập Hội Đông y. Cụ Huỳnh nghe nói được nửa chừng liền ngắt lời:

- Thôi các ngài đừng nói nữa, không có Đông y thì mấy ngàn năm nay dân tộc ta chữa bệnh bằng cái gì. Và tôi đây, bao nhiêu lần ốm cũng Đông y cứu tôi, thuốc Bắc, thuốc Nam cứu tôi. Tôi chưa dùng thuốc Tây bao giờ. Các ngài Tây y thì cứ dùng Tây y, tôi không phản đối Tây y, nhưng mà các bác sỹ Tây y cũng không được phản đối Đông y cũng như việc thành lập Hội Đông y. 

Trước thái độ kiên quyết của cụ Huỳnh những người phản đối Đông y phải rút lui. Sau này chúng ta cũng có chính sách Đông - Tây y kết hợp rất thành công đó cũng chính là phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhà thơ Cù Huy Cận kể lại: có một buổi chiều không lâu trước khi đảm nhiệm trọng trách "Đặc phái viên Chính phủ" đi kinh lý miền Trung, vào làm việc với Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung bộ cụ Huỳnh có hỏi:

- Anh Cận, anh làm thơ, có biết thơ Đường không? Tôi nói:

- Thưa Cụ, tôi có đọc thơ Đường qua các bản dịch nhưng mà không giỏi chữ Hán, nhưng tinh thần thơ Đường thì hiểu được. Cụ nói:

- Thơ Đường hay lắm, sâu sắc lắm! Rồi Cụ đọc cho nghe câu thơ Đường, tôi còn nhớ đại ý: Buồn như buổi tà dương sắp lặn đi. Cụ nói câu đó với tinh thần không buồn lắm đâu, nhưng mà bâng khuâng như linh cảm thấy sức khỏe bản thân đang yếu đi nhiều... Trong chuyến đi công tác ở miền Trung, lúc bệnh nặng cụ Huỳnh đã đánh mấy bức điện cho Bác Hồ và Chính phủ. Tôi là một trong những người được đọc bức điện ấy. Trong điện, Cụ hết sức thiết tha kêu gọi quốc dân phải nghe theo lệnh của Hồ Chủ Tịch mà tiếp tục kháng chiến cho đến thắng lợi... 

Tháng 3/1947, cụ Huỳnh Thúc Kháng lâm bệnh nặng và qua đời ngày 21/4/1947 tại thôn Phú Bình, xã Hành Phong, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho toàn thể đồng bào sau ngày cụ Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng tạ thế: Hỡi đồng bào yêu quý, Vị chiến sĩ lão tiền bối Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân vừa tạ thế. Trước sự đau xót đó, Chính phủ ta đã ra lệnh làm Quốc tang. Nhân dịp này, tôi có vài lời báo cáo cùng đồng bào. Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà trước đây Cụ bị bọn thực dân làm tội, đầy ra Côn Đảo. Mười mấy năm trường, gian nan cực khổ. Nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ Huỳnh chẳng những không sờn lại thêm kiên quyết.

 Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập.

 Đến nay, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập, Chính phủ ta mời Cụ ra. Tuy đã hơn 71 tuổi, nhưng Cụ vẫn hăng hái nhận lời. Cụ nói: "Trong lúc phục hưng dân tộc, xây dựng nước nhà thì bất kỳ già, trẻ, trai, gái, ai cũng phải ra sức phụng sự Tổ quốc”. Nay chẳng may Cụ Huỳnh sớm tạ thế, trước khi được thấy kháng chiến thành công. Cụ Huỳnh tuy tạ thế nhưng cái chí vì nước, vì nòi của cụ vẫn luôn sống mạnh mẽ trong lòng 20 triệu đồng bào chúng ta…”

Đánh giá về vai trò Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam do cụ Huỳnh làm Hội Trưởng, Bác Hồ từng nói: "Hội Liên hiệp Quốc dân là do những người lão thành có danh vọng đạo đức như cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Bùi Bằng Đoàn… và những người yêu nước không có đảng phái đứng ra tổ chức. Hội đó đã thực hiện sự đại đoàn kết của toàn dân gồm tất cả các tầng lớp, đảng phái, tôn giáo và dân tộc trong nước Việt Nam. Tinh thần của Hội đó là yêu nước, chương trình là quyết tranh đấu cho Tổ quốc được thống nhất, độc lập, thống nhất và dân chủ, phú cường”. Tâm sự của Nhà chí sỹ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng: "Trong lúc phục hưng dân tộc, xây dựng nước nhà thì bất kỳ già, trẻ, trai, gái, ai cũng phải ra sức phụng sự Tổ quốc” đã thể hiện rõ tấm lòng của con người suốt đời yêu nước, thương dân với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, vì hạnh phúc của Nhân dân./.


In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu