Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm “trung thực” là sống phải thật thà, thẳng
thắn, nghĩa tình; trung thực là nói phải đi đôi với làm. Cán bộ, đảng viên
trung thực trước hết là phải trung với nước, trung với Đảng, với cách mạng,
phải trung thực trong thực hiện đường lối cách mạng của Đảng; trung thực với
nếp sống của mình, thống nhất trong lời nói và việc làm; phải nghiêm túc với
chính mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi “trách nhiệm” là bổn phận phải làm của mỗi
người, mà trách nhiệm này là không thể thoái thác. Mỗi người phải tự xác định
trách nhiệm mình phải làm. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định trách nhiệm đầu tiên
là trách nhiệm với Tổ quốc; thứ đến là mỗi người đều có trách nhiệm với gia
đình, với quê hương; trách nhiệm với nhân dân; đối với cán bộ, đảng viên, công
chức có trách nhiệm đối với Đảng, với Chính phủ. Mỗi người được giao công việc
phải có trách nhiệm với công việc của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm
gương sáng về trung thực, trách nhiệm. Trung thực và trách nhiệm với mình, với
người, với việc được thể hiện trong tư tưởng và lẽ sống của Người.

Bác Hồ nói chuyện với cán bộ lãnh đạo xã và Ban Chủ nhiệm
HTX nông
nghiệp thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc năm
1961.
Trung thực phải được thể hiện từ suy nghĩ, đến lời nói
và hành động; mọi lúc, mọi nơi; từ việc lớn đến việc nhỏ, hằng ngày và suốt
đời. Trung thực phải được thể hiện bằng năm mối quan hệ. Trước hết là trung thực với chính mình. Mình không trung thực với
mình thì không thể trung thực với người khác. Trung
thực với nhân dân. Người dạy hạt nhân của việc học là “chính tâm và phục
vụ nhân dân”. Chính tâm là làm cho lòng mình thẳng thắn, ngay thẳng, đã hứa là
phải làm, nói thì phải làm. Trung thực với đồng chí,
đồng đội, bạn bè; với tổ chức và với công việc.
Trong tác phẩm Đường cách mệnh năm 1927, Người đã viết
“cả quyết sửa lỗi mình”, tức là thái độ tự phê bình và phê bình; “hay nghiên
cứu, xem xét” để biết thật giả, đúng sai; ‘không hiếu danh, không kiêu ngạo”;
“nói thì phải làm”; “giữ chủ nghĩa cho vững” tức là bảo vệ cái đúng, cái thật,
cái chân lý. Trong Di chúc, Người nhấn mạnh nhiều lần thái độ “thật”, “thật sự”
khi viết về việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của cán bộ, đảng viên. Người sớm
phát hiện hai mặt của quyền lực và mối quan hệ giữa quyền lực với đạo đức. Theo
Người, có quyền thì rất dễ tha hóa, biến chất. Vì vậy, đến tận cuối đời, Người
vẫn dặn dò cẩn thận: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ
phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí
công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh
đạo, là người đây tớ trung thành của nhân dân”. Người nói đến trung thực trong
tất cả các lĩnh vực hoạt động như thật thà tự phê bình và phê bình; bảo đảm
quyền làm chủ thật sự của nhân dân; xây dựng nhà nước thật sự của nhân dân, do
nhân dân, vì nhân dân; thật thà đoàn kết... Phong cách của Người tự nhiên xuất
phát thật sự từ đáy lòng, không giả tạo, không bắt chước, mang chở những giá
trị đích thực về chân, thiện, mỹ, có sức hút, cảm hóa mạnh mẽ đối với mọi
người.
Thật sự đối lập với giả dối. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ
rõ và phê phán bệnh giả dối với nhiều biểu hiện như: nói một đường, làm một
nẻo, nói nhiều làm ít, làm cẩu thả, cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ
dùi, gặp sao làm vậy, xu nịnh a dua, trước mặt thì ai cũng tốt, sau lưng thì ai
cũng xấu, giấu giếm khuyết điểm, không dám tự chỉ trích, tự phê bình. Đó còn
bệnh “hữu danh vô thực”, làm việc không thiết thực, không từ chỗ gốc, chỗ
chính, viết một báo cáo cho oai nhung rỗng tuếch. Chuyện kể rằng, Cách mạng
Tháng tám thành công, một cán bộ cao cấp hỏi Bác: “Thưa Bác, cách mạng thành
công rồi, có điều gì Bác phải lo lắng không”. Bác trả lời: “Cách mạng thành
công, nước độc lập, Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền thì có điều gì mà phải
lo”. Bác dừng lại và nói tiếp: “Nhưng... Bác sợ nhất là các chú không trung
thực, làm bậy. Làm bậy thì dân oán, mất lòng tin của dân. Mà dân oán, mất lòng
tin của dân là mất tất cả”.
Hậu quả của bệnh nói dối là rất lớn. Bác Hồ cho rằng
nói dối, không trung thực là có tội với Đảng, với dân, một bệnh rất nguy hiểm.
Nói dối khi trở thành thói quen, bình thường, trở thành một thứ “đạo đức”, một
thứ “giá trị” mà thực sự là mất đạo đức nhất, sẽ làm lệch chuẩn, đảo lộn giá
trị. Có ý kiến cho rằng nói dối là nỗi nhục lớn của dân tộc. Nhưng đáng sợ là
sự dối trá nếu không được ngăn chặn, đẩy lùi, sẽ truyền đến đời con
cháu. Nó là một thứ giặc ngoại xâm, nếu không đánh được, sẽ làm mất niềm tin
của nhân dân đối với Đảng.
Vấn đề đặt ra hiện nay là phải xây dựng, củng cố lòng
tin của nhân dân đối với Đảng. Chúng ta không sợ bất cứ kẻ thù nào, mặc dù hung
bạo đến đâu, chỉ sợ nhất là mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, vấn đề này
liên quan đến trách nhiệm cá nhân và tổ chức. Trước hết mỗi cá nhân phải xác
định rõ và đúng trách nhiệm của mình. Bất kỳ làm việc gì, mỗi cán bộ, đảng viên
đều phải xác định rõ sứ mệnh của mình là công bộc, đầy tớ của dân, tức là phục
vụ nhân dân hết sức mình với chất lượng, hiệu quả cao nhất. Là cán bộ, đảng
viên thì phải dám hy sinh lợi ích cá nhân, dám tự chịu trách nhiệm trước nhân
dân. Tuyệt đối không giấu giếm khuyết điểm, phải thật thà tự phê bình và hoan
nghênh nhân dân phê bình.
Minh Triết