
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường đối thoại với người dân TX.Long Khánh.
Thực hiện các quyết định trên, gần 2 năm qua người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp ở Đồng Nai đã tổ chức hàng trăm cuộc đối thoại với nhân dân, tạo sinh khí mới giữa Đảng với dân.
* Bí thư Tỉnh ủy làm gương
Ngày 28-6-2016 đánh dấu một sự kiện đáng nhớ: lần đầu tiên người dân TP.Biên Hòa được đối thoại trực tiếp với Bí thư Tỉnh ủy - lãnh đạo cao nhất của tỉnh về tình trạng ngập nước trên địa bàn Biên Hòa.
Mở đầu cuộc đối thoại, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường cởi mở: “Trên tinh thần cầu thị, hôm nay tôi và các ngành chức năng đến đây mong muốn được lắng nghe ý kiến của bà con để giải quyết tình trạng ngập nước ở Biên Hòa”.
Thấy Bí thư Tỉnh ủy gần gũi, 300 người tham gia buổi đối thoại được dịp bộc bạch hết những bức xúc, suy nghĩ của mình.
Ông Vũ Đức Hạnh, nguyên cán bộ thủy lợi, hiện ở KP.1, phường Trảng Dài, nói: “Dân chúng tôi rất ngưỡng mộ việc Bí thư Tỉnh ủy đối thoại trực tiếp với dân. Lâu nay vấn đề ngập nước đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân. Hy vọng qua cuộc đối thoại này, Bí thư Tỉnh ủy được trực tiếp nghe dân nói sẽ có chỉ đạo sát hơn trong giải quyết tình trạng ngập nước ở Biên Hòa, bớt đi nỗi khổ cho dân”.
Điều đáng quý ở cuộc đối thoại này là Bí thư Tỉnh ủy cởi mở, chân tình, cầu thị, lắng nghe; còn người dân tôn trọng lãnh đạo, không lên án đả kích ai, chỉ tập trung nghĩ cách cùng tỉnh, thành phố làm sao sớm giải quyết được tình trạng ngập nước.
Cuộc đối thoại giữa Bí thư Tỉnh ủy với người dân còn cho thấy người dân rất công bằng. Ông Nguyễn Văn Thành (phường Tân Mai) cho biết ở khu vực ông sinh sống đã có chủ trương quy hoạch hệ thống thoát nước, có hộ đã nhận tiền đền bù nhưng đến nay dự án vẫn “treo”, tạo điều kiện cho người dân “vừa đánh trống vừa la làng”, đã nhận tiền đền bù rồi vẫn ký tên tập thể để khiếu kiện đòi đền bù cao hơn.
Hơn 1 tháng sau, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường tiếp tục đối thoại với người dân TX.Long Khánh. Quyết định 728 của Ban TVTU Tỉnh ủy quy định mỗi năm, ít nhất 1 lần người đứng đầu cấp ủy và chính quyền đối thoại với dân nhưng chỉ từ tháng 6 đến tháng 8, Bí thư Tỉnh ủy đã đối thoại với dân 2 lần.
Ở cuộc đối thoại với người dân TX.Long Khánh, mặc dù quy mô đối thoại nhỏ, chỉ là giải quyết tranh chấp giữa 2 gia đình nhưng không có Bí thư Tỉnh ủy “ra tay”, không biết vụ việc này đến bao giờ mới có hồi kết.
Chỉ vì 51m2 đất mà ông Chướng Kỷ Sấm và ông Trịnh Trần Lộc (đều ngụ phường Xuân Trung, TX.Long Khánh) đã kiện nhau 16 năm. Hai ông đã thề, ai thua kiện người ấy phải chịu nhục, không ai chịu nhượng bộ vì đều cho rằng mình đúng. Việc của 2 ông xảy ra mất trật tự và mất đoàn kết nhiều năm ở khu dân cư. Sự việc càng trở nên phức tạp khi năm 2004-2005 cơ quan chức năng của tỉnh và UBND TX.Long Khánh ban hành một số văn bản sai.
Tại cuộc đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy vừa nói về lý, vừa phân tích góc độ tình cảm để 2 ông thấy được truyền thống dân tộc Việt Nam “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, sự gắn bó, tình yêu thương con người là lớn nhất. Bí thư Tỉnh ủy hứa, nếu ông Lộc giao lại mảnh đất đã mua năm 1992 cho Nhà nước, đổi lại Nhà nước sẽ bồi thường cho ông theo giá thị trường... Nhờ thế, ấm ức của 2 bên bị dồn nén 16 năm qua đã được Bí thư Tỉnh ủy hóa giải trong 3 giờ. Một cái kết có hậu: ông Lộc và ông Sấm đã ôm nhau, xóa bỏ mọi gút mắc, thắp sáng tình làng nghĩa xóm.
Ngoài việc xin lỗi gia đình 2 ông về sự tắc trách của cơ quan chức năng trong thực thi công vụ, Bí thư Tỉnh ủy cho biết sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng của tỉnh và TX.Long Khánh rà soát lại toàn bộ các văn bản đã ban hành, cái nào không chính xác phải sớm thu hồi. Những cá nhân, tập thể chưa làm tròn nhiệm vụ để xảy ra vụ việc phức tạp, kể cả cán bộ đó đã về hưu đều phải xử lý nghiêm.
* Noi theo
Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Thị Kim Chung cho biết trước khi Bí thư Tỉnh ủy đối thoại với người dân Biên Hòa và Long Khánh, toàn tỉnh đã có 9/11 bí thư, chủ tịch UBND cấp huyện và 91/171 xã, phường, thị trấn tổ chức đối thoại với người dân.
Sáng mai 10-8 tại Đồng Nai, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm triển khai thực hiện Quyết định 217 và Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu các cấp ủy Đảng, người đứng đầu chính quyền các cấp với nhân dân. Tham dự hội nghị có đại diện 32 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam trực thuộc Trung ương, từ Đà Nẵng trở vào. |
Sau khi Bí thư Tỉnh ủy thực hiện đối thoại với dân, cấp dưới làm theo, đến nay 100% bí thư và chủ tịch UBND cấp huyện tổ chức đối thoại với dân, trong đó từ đầu năm 2016 đến nay Bí thư Thành ủy Biên Hòa Lê Văn Dành và Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng đã 2 lần đối thoại với chủ doanh nghiệp và cán bộ Công đoàn, công nhân viên chức, người lao động trên địa bàn thành phố.
Nội dung đối thoại ở cấp xã và huyện liên quan chủ yếu đến quản lý đất đai, đền bù giải tỏa tái định cư; vệ sinh môi trường; hạ tầng cơ sở; an ninh trật tự; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; nhà ở cho người thu nhập thấp; việc học hành, gửi trẻ của con em công nhân; vấn đề sản xuất nông nghiệp; chế độ chính sách cho cán bộ cơ sở…
Qua đối thoại rút ra bài học, việc gì cũng có thể giải quyết nếu các bên đều có ý thức trách nhiệm trong công việc và cuộc sống. Làm việc gì cũng phải đến nơi đến chốn, không né tránh, ngại khó, ngại khổ.
Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Thị Kim Chungcho biết trước khi Bí thư Tỉnh ủy có cuộc đối thoại với người dân, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh nắm tình hình, tâm trạng, dư luận xã hội; đồng thời rà soát những vấn đề bức xúc, nổi cộm của các tầng lớp nhân dân, nhất là những vấn đề đã được kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được cơ quan chức năng giải quyết để đề xuất Bí thư Tỉnh ủy đối thoại với người dân. Sau các cuộc đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy đều có kết luận, yêu cầu từng cơ quan chức năng giải quyết các vấn đề người dân phản ánh; đồng thời giao Văn phòng Tỉnh ủy và Ban Dân vận Tỉnh ủy đôn đốc, theo dõi các cơ quan chức năng giải quyết vấn đề như thế nào để báo cáo kịp thời cho Bí thư Tỉnh ủy.
Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Huỳnh Văn Tới cho biết vấn đề đặt ra là khi tổ chức đối thoại phải có sự chuẩn bị chu đáo, lựa chọn vấn đề để tập trung đối thoại và chọn hình thức đối thoại sao cho có chiều rộng. Phải đối thoại thường xuyên, phân rõ trách nhiệm khi đối thoại (cấp tỉnh thì đối thoại nội dung gì; lãnh đạo sở, ngành đối thoại gì; cấp huyện, xã đối thoại gì). Trong đối thoại phải có sự giám sát của tổ chức nhân dân. Sau đối thoại, phải tìm giải pháp giải quyết những vấn đề đặt ra trong đối thoại. Khi đối thoại, không đá “quả bóng” trách nhiệm. Để các cuộc đối thoại đạt yêu cầu, cũng cần tuyên truyền trước cho nhân dân biết nội dung đối thoại, đối thoại với ai, cấp nào, ngành nào để các ý kiến của nhân dân trúng với yêu cầu buổi đối thoại. Ở các buổi đối thoại, nhân dân cũng nên hiến kế xây dựng Đảng, đất nước, chính quyền, tư vấn, giám sát, phản biện các vấn đề, chứ không chỉ là dịp giải quyết quyền lợi cho dân. Cũng nên suy nghĩ có tổ chức đối thoại trực tuyến.
|