ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8): Trách nhiệm và lương tâm với nạn nhân da cam/dioxin
Đăng ngày: 08-08-2016 05:05
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Cách đây 55 năm, ngày 10-8-1961, chiếc máy bay trực thăng H.34 của không lực Hoa Kỳ thực hiện chuyến bay rải chất diệt cỏ đầu tiên dọc theo quốc lộ 14 từ Kon Tum lên Đắk Tô bắt đầu chiến dịch rải chất khai quang, được đặt dưới mật danh “Ranch Hand”. Sự kiện này đã mở đầu cuộc chiến tranh hóa học do đế quốc Mỹ tiến hành ở Việt Nam có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.

Lễ kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam/dioxin Việt Nam được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (VAVA) tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TBXH tổ chức sáng mai 9-8 sẽ tiếp tục đánh giá tính chất nguy hiểm, mức độ thiệt hại bởi cuộc chiến tranh hóa học đối với môi trường sống và sức khỏe con người Việt Nam; tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về thảm họa da cam và quá trình khắc phục thảm họa da cam trong cả nước và ở tỉnh Đồng Nai. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức xã hội, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng quốc tế cùng vào cuộc giải quyết hậu quả chiến tranh và chăm sóc nạn nhân chất độc da cam/dioxin, giúp họ ổn định cuộc sống.

 
Hậu quả nặng nề kéo dài
 
Theo Hội VAVA Việt Nam, trong thời gian từ 1961 - 1971, quân đội Mỹ đã rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học; 61% trong đó là chất da cam (chứa 366kg dioxin) xuống 26.000 thôn, bản, với diện tích hơn 3,06 triệu ha (có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần). Gần 1/4 tổng diện tích miền Nam Việt Nam bị phun rải chất độc da cam/dioxin; khoảng 86% lượng chất độc phun rải xuống các vùng rừng rậm, 14% còn lại xuống ruộng vườn, hoa màu. Các hệ sinh thái từ vùng đồi núi cao đến vùng thấp ven biển đều bị phun rải chất độc da cam chứa dioxin, trong đó Đông Nam bộ là vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất (56% diện tích tự nhiên bị phun rải). Dioxin là loại chất cực độc mà con người biết đến. Nhiều nhà khoa học đã khẳng định: với liều lượng cỡ 1 Picogram (PPt - phần ngàn tỷ gram) dioxin có thể gây bệnh ung thư, tai biến sinh sản ở người và di truyền tới đời con, cháu; vài chục Nanogran (phần ngàn tỷ gram) dioxin có thể lập tức làm chết người và chỉ cần 85 gram dioxin hòa vào hệ thống cấp nước có thể giết chết toàn bộ số người một thành phố 8 triệu dân.

 Trực thăng Mỹ rải chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh tư liệu.
Với một lượng khổng lồ chất độc hóa học phun rải lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn, chức năng giữ nước chống lụt của rừng bị suy giảm, đa dạng sinh học bị suy thoái và trở nên nghèo nàn, một số loài động vật, thực vật quý hiếm tự tuyệt chủng, các loài gặm nhấm và cỏ dại phát triển. Hệ thống rừng ngập mặn ở miền Nam bị phân hủy nặng nề, vai trò của rừng ngập mặn trong giữ đất lấn biển bị giảm sút. Tại các sân bay quân sự của đất nước ta, Mỹ dùng để lưu giữ, pha trộn, tiêu hủy chất độc hóa học, nồng độ dioxin vẫn còn rất cao, đặc biệt sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát.
 
6.JPG
Chung tay chăm lo nạn nhân da cam/dioxin

 
Tác hại của chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân với biết bao thảm cảnh không sao kể xiết. Đến nay, hàng trăm ngàn nạn nhân đã chết và hàng trăm ngàn người khác đang từng ngày, từng giờ vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo... đang chịu cuộc sống vô cùng khó khăn do hậu quả khủng khiếp của chất độc da cam/dioxin gây nên.
 
Đồng Nai là tỉnh bị phun rải hóa chất nặng nề nhất, gần 10/80 triệu lít chất độc, trong đó 50% là chất da cam đã được quân đội Mỹ phun rải trên 56% tổng diện tích đất rừng, đất nông nghiệp, đất trồng cây cao su, nhiều khu vực bị phun rải nhiều lần, nhất là khu vực Trị An, Hiếu Liêm, Mã Đà, Gia Huynh, Trảng Táo, Núi Mây Tàu, Nam Bắc Lộ 1, Lộ 51, Đặc khu rừng Sác, xã Sông Ray và sông Đồng Nai. Trong đó, Sân bay Biên Hòa là kho lưu trữ để thực hiện việc phun rải, hiện vẫn còn tồn lưu nồng độ dioxin cao. Đến nay, đã xây dựng công trình ngăn chặn lan tỏa tạm thời của dioxin ra ngoài môi trường xung quanh và chôn cô lập chờ xử lý trên 90.000m3 đất có nồng độ dioxin cao.
 

Chủ tịch VAVA Đồng Nai Đào Nguyên cho biết, tại lễ kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam/dioxin Việt Nam vào sáng mai 9-8, Ban tổ chức sẽ biểu dương những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân da cam/dioxin, đồng thời kêu gọi cộng đồng tiếp tục chung tay ủng hộ nạn nhân da cam/dioxin. Dịp này, 11 nạn nhân da cam/dioxin tiêu biểu vượt lên nỗi đau da cam/dioxin được biểu dương khen thưởng...
 
Quan tâm chăm sóc nạn nhân da cam/dioxin
 
Là một địa bàn “nóng” bị ảnh hưởng từ chất độc da cam/dioxin, hiện Đồng Nai có trên 13.000 người bị nhiễm dioxin, trong đó có 9.160 người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin; 3.309 nạn nhân là người hoạt động kháng chiến và con người hoạt động kháng chiến, trong đó có 2.207 người đã được hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi. Nạn nhân dân thường là 5.851 người, đã được hưởng trợ cấp xã hội 2.970 người. Hàng ngàn nạn nhân đã chết, hàng chục ngàn nạn nhân đang mắc bệnh nan y và dị dạng, dị tật. Những hậu quả hết sức nặng nề đặt ra việc phải tiếp tục kêu gọi cả cộng đồng quốc tế và toàn xã hội tăng cường chăm sóc nạn nhân da cam/dioxin bằng trách nhiệm và lương tâm.
 
Bà Đào Nguyên, Chủ tịch VAVA Đồng Nai cho biết, hằng năm, Hội đã phối hợp với Sở LĐ-TBXH tổ chức chi trả kịp thời chế độ trợ cấp ưu đãi, trợ cấp xã hội cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh. Ngoài chế độ chính sách của Nhà nước, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các cấp Hội vận động đóng góp vào Quỹ hỗ trợ nạn nhân da cam/dioxin với tổng số tiền là 37,5 tỷ đồng để chăm sóc, giúp đỡ, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin với nhiều hình thức. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của xã hội là niềm động viên to lớn để các nạn nhân da cam/dioxin vượt qua những khó khăn, đau khổ để hòa nhập cộng đồng. 
 
Trong nửa nhiệm kỳ (2012 - 2017), VAVA tỉnh đã củng cố tổ chức Hội đến 155/171 xã, phường, thị trấn có đủ điều kiện thành lập chi hội, đạt 100% kế hoạch toàn nhiệm kỳ đề ra và thành lập được 4 chi hội cơ quan; phát triển mới được 2.176 hội viên, đạt 87,04% kế hoạch cả nhiệm kỳ; vận động nguồn quỹ trung bình 6,5 tỷ đồng/năm (nửa nhiệm kỳ đã vận động 22,1 tỷ đồng, đạt 113,1% kế hoạch hằng năm); chăm sóc giúp đỡ 40% nạn nhân trong tổng số 3.000 nạn nhân khó khăn cần được giúp đỡ; sửa chữa hàng trăm căn nhà nhân ái trên 5 tỷ đồng; hỗ trợ 150 gia đình về heo giống và cám chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình với số tiền 1,6 tỷ đồng; hỗ trợ vốn không lãi gần 300 lượt hộ gia đình với số tiền 1,5 tỷ đồng, cấp 1.270 suất học bổng tiếp sức đến trường trị giá 2,1 tỷ đồng; khám bệnh cấp thuốc miễn phí trên 6.700 lượt người; hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng; trợ cấp khó khăn, trao tặng xe lăn, xe lắc, tặng trên 28.000 suất quà... Đồng thời, đầu tư gần 2 tỷ đồng xây dựng trung tâm chức năng cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin và trẻ em bất hạnh tại huyện Định Quán...
Nạn nhân da cam/dioxin trong tỉnh còn được thụ hưởng Quỹ vì người nghèo, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội dành cho hộ nghèo, chương trình phục hồi chức năng của Sở Y tế, chương trình hỗ trợ nạn nhân da cam/dioxin của Hội Chữ thập đỏ, Hội Cựu chiến binh... Những sự hộ trợ đó góp phần từng bước giúp nạn nhân da cam/dioxin được an ủi, có thêm điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống. 
 
Tại hội thảo liên quan đến dự án “Xử lý dioxin tại các điểm nóng ô nhiễm” do Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Ban chỉ đạo 33) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) phối hợp tổ chức cho thấy, kết quả khảo sát tại 28 ao, hồ, hố đất mới đào ở Sân bay Biên Hòa đều phát hiện ô nhiễm dioxin - ngoài 13 điểm trước đây. Trong 28 điểm này, có 16 vị trí chứa chất độc ở mức nghiêm trọng (vượt ngưỡng cho phép hơn 8.000 ppt). Kết quả phân tích 110 mẫu đất, trầm tích được lấy theo các hướng thoát nước từ Sân bay Biên Hòa, với chiều sâu trung bình 30cm, cũng phát hiện nhiều mẫu chứa nồng độ dioxin vượt ngưỡng cho phép. Ngoài ra, theo Văn phòng BCĐ 33, các góc vành đai phía Tây, Đông và Bắc sân bay này đều có các thông số phân tích cho thấy hàm lượng dioxin ở mức độ cao cần cảnh báo...
 
N. Trinh
Nguồn: (Báo Lao động Đồng Nai)
In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu