ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Chính phủ thông qua đề án xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp
Đăng ngày: 15-04-2025 10:19
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ vừa ký Quyết định số 759/QĐ-TTg, ngày 14/4/2025 phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (Đề án).

Đề án nêu rõ nguyên tắc sắp xếp ĐVHC. Cụ thể, việc sắp xếp ĐVHC các cấp ngoài các tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định của pháp luật, cần cân nhắc thấu đáo các tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc; vị trí, điều kiện địa lý; quy mô, trình độ phát triển kinh tế - xã hội; hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin; yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và hội nhập quốc tế.

Đặt mục tiêu cao nhất là phát triển đất nước, mở rộng không gian phát triển cho ĐVHC mới, phát huy vai trò dẫn dắt của các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng; ưu tiên sắp xếp các ĐVHC miền núi, đồng bằng với các ĐVHC có biển; kết hợp hài hòa, hợp lý các ĐVHC có vị trí liền kề gắn với yêu cầu định hướng phát triển để hỗ trợ lẫn nhau, cùng thúc đẩy phát triển kinh tế của ĐVHC sau sắp xếp và yêu cầu, định hướng phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong giai đoạn mới. Ưu tiên bố trí các khu thương mại tự do, khu, cụm công nghiệp, đô thị, cảng biển, logistics, hồ chứa nước, đập thủy điện,... trong phạm vi 01 ĐVHC cấp xã để thuận lợi trong quản lý nhà nước.

Theo đó, phương án tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp như sau: Cấp tỉnh gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cấp xã gồm xã, phường (trong đất liền) và đặc khu (ở hải đảo). Theo đó, bỏ ĐVHC cấp huyện và thị trấn.  

* về cơ cấu tổ chức chính quyền địa phương cấp tỉnh cơ bản giữ nguyên như chính quyền địa phương cấp tỉnh như hiện nay, cụ thể chính quyền địa phương cấp tỉnh gồm có Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND); HĐND tỉnh thành lập 03 Ban là Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội (đối với tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số có thể thành lập thêm Ban Dân tộc). HĐND thành phố trực thuộc trung ương thành lập 04 Ban (Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội và Ban Đô thị) theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025.

Số lượng cán bộ, công chức, viên chức của cấp tỉnh sau sắp xếp tối đa không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức (số có mặt) của cấp tỉnh trước sắp xếp và thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm trong thời hạn 05 năm cơ bản bố trí theo đúng quy định. Sau khi chính quyền địa phương cấp tỉnh sau sắp xếp đi vào hoạt động, đề nghị Bộ Chính trị giao Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Đảng uỷ Chính phủ và các cơ quan liên quan căn cứ quy mô dân số, diện tích tự nhiên, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh để xây dựng, hoàn thiện vị trí việc làm trình cấp có thẩm quyền giao biên chế cho các địa phương.

Về phương án bố trí đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh: Đề nghị Bộ Chính trị giao Ban Tổ chức Trung ương tham mưu, hướng dẫn bố trí, sắp xếp đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh (Đảng, đoàn thể, HĐND, UBND cấp tỉnh và các Ban chuyên môn của cơ quan Đảng, đoàn thể) của các địa phương sau sáp nhập, đặc biệt là nhân sự bố trí đối với cấp trưởng và định hướng giải quyết đối với số lượng cấp phó dôi dư sau sáp nhập các tỉnh, thành phố. Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ hướng dẫn việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh và các đơn vị sự nghiệp công lập. Trước mắt, giữ nguyên số lượng cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị; sau khi các cơ quan này đi vào hoạt động ổn định, giao Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương rà soát, hoàn thiện vị trí việc làm, xác định biên chế các địa phương trình cấp có thẩm quyền giao biên chế của cả hệ thống chính trị ở các địa phương.  

* Về tổ chức chính quyền địa phương cấp xã (xã, phường, đặc khu)

Chính quyền địa phương cấp xã gồm có HĐND và UBND. HĐND cấp xã thành lập 02 Ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội.

Về tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp xã: Do bỏ toàn bộ ĐVHC cấp huyện, tổ chức sắp xếp lại các ĐVHC cấp xã để hình thành các ĐVHC cấp xã có quy mô lớn hơn so với cấp xã hiện nay; đồng thời chuyển toàn bộ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện hiện nay về cho xã, phường, đặc khu thực hiện. Theo đó, Chính phủ dự kiến UBND cấp xã tổ chức tối đa 04 Phòng chuyên môn và tương đương phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo (đặc khu). 

Đối với ĐVHC cấp xã giữ nguyên trạng (không sắp xếp) thì có thể không tổ chức Phòng chuyên môn. Chính phủ dự kiến bố trí tăng thêm 01 Phó Chủ tịch UBND và một số công chức cho UBND cấp xã nơi không tổ chức Phòng chuyên môn và giao chính quyền địa phương cấp tỉnh quyết định cụ thể đối với từng ĐVHC cấp xã trên địa bàn. 

Đối với trường hợp sắp xếp từ 02 ĐVHC cấp xã trở lên thành 01 ĐVHC cấp xã mới, định hướng tổ chức tối đa 04 Phòng chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp xã. 

Định hướng tổ chức 04 Phòng và tương đương gồm:

- Văn phòng HĐND và UBND (tham mưu thực hiện nhiệm vụ chung của HĐND và UBND cấp xã);

- Phòng Kinh tế (đối với xã, đặc khu) hoặc Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị (đối với phường và đặc khu Phú Quốc);

- Phòng Văn hóa - Xã hội;

- Trung tâm phục vụ hành chính công.

Về biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp xã, Đề án nêu rõ: Do quy mô ĐVHC cấp xã lớn hơn so với hiện nay và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã tăng lên (thực hiện toàn bộ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện và cấp xã hiện nay). Theo đó, Chính phủ dự kiến biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp xã theo định hướng như sau: Trước mắt giữ nguyên số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức của cấp huyện và cán bộ, công chức của cấp xã hiện có trước sắp xếp để bố trí cho các ĐVHC cấp xã mới (sau sắp xếp). Thực hiện việc rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm trong thời hạn 05 năm cơ bản theo đúng quy định. Giao Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan căn cứ quy mô dân số, diện tích tự nhiên, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện vị trí việc làm trình cấp có thẩm quyền giao biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp xã cho các địa phương.

Kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; giao chính quyền địa phương xem xét, có thể sắp xếp người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố; thực hiện chính sách nghỉ việc đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã mà không bố trí công tác theo quy định.

Căn cứ quy mô dân số, diện tích tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế-xã hội của các ĐVHC cấp xã, Chính phủ định hướng giao tổng biên chế chính quyền địa phương cấp xã cho các địa phương (dự kiến bình quân khoảng 32 biên chế/01 cấp xã). Trên cơ sở đó, giao chính quyền địa phương cấp tỉnh quyết định số lượng biên chế đối với chính quyền địa phương từng ĐVHC cấp xã trên địa bàn cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Hà ​Phương

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu