Vừa qua, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm
Minh Chính/ Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ,
đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã phát động phong trào và ra mắt nền tảng "Bình dân học vụ số".
Theo Thủ tướng, phong trào "Bình dân học vụ số" được truyền cảm
hứng và kế thừa, phát huy từ phong trào "Bình dân học vụ" do Chủ tịch
Hồ Chí Minh phát động. Bằng việc phát huy bài học lịch sử, phấn đấu xây dựng một
xã hội không chỉ giàu tri thức mà còn giàu sức mạnh công nghệ, sẵn sàng hội nhập,
phát triển" và nhấn mạnh: "Tri thức là chìa khóa, công nghệ là cánh cửa
để mở ra một tương lai tươi sáng hơn.
Mục tiêu của phong trào là phổ
cập tri thức, kỹ năng số cơ bản cho mọi người dân với tinh thần cách mạng, toàn
dân, toàn diện, bao trùm, sâu rộng và không ai bị bỏ lại phía sau.
Để
thực hiện được mục tiêu này, phong trào có bốn nhiệm vụ trọng tâm gồm:
Thứ
nhất, xây dựng hệ sinh thái học tập số (phát triển nền tảng học tập số toàn
dân, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn).
Thứ
hai, xây dựng cơ chế khuyến khích và tạo động lực học tập (đưa kỹ năng số vào
hệ thống đánh giá lao động, tuyển dụng; ưu đãi cho đối tượng yếu thế; khuyến
khích doanh nghiệp tham gia).
Thứ
ba, xây dựng và nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên số (phát triển đội ngũ
giảng viên, tình nguyện viên số; huy động lực lượng đoàn viên, hội viên tham
gia).
Thứ
tư, xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả (xây dựng cơ chế
đánh giá; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền; thực hiện giám sát độc lập từ tổ
chức xã hội, báo chí và cộng đồng để bảo đảm tính minh bạch).

Theo
Thủ tướng, phong trào "Bình dân học vụ số" có ý nghĩa quan trọng,
nhân văn sâu sắc đối với sự phát triển đất nước, thể hiện quyết tâm của Đảng,
Nhà nước trong công cuộc phát triển quốc gia số, Chính phủ số, kinh tế số, xã
hội số, công dân số, phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Do đó, phong trào
"Bình dân học vụ số" phải trở thành một phong trào cách mạng, toàn
dân, toàn diện, bao trùm, sâu rộng, không ai bị bỏ lại phía sau. Đảng đã chỉ
đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong
đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi. Phong trào muốn "sống lâu", thì
phải mang lại hiệu quả thiết thực, phải hài hòa lợi ích riêng và lợi ích chung,
giữa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể, lợi ích của Tổ quốc, của đất nước.
Phong
trào này phải là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, là mệnh lệnh của trái tim,
là tư duy thông minh của khối óc, hành động quyết liệt của mỗi người dân; phải
khơi dậy và lan tỏa khí thế cách mạng, truyền thống đại đoàn kết, tinh thần tự
chủ, tự tin, tự lực, tự cường và tự hào dân tộc; dứt khoát phải hoàn thành theo
tiến độ đề ra; thi đua lập thành tích hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn trong
năm 2025 và chào mừng Đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
Mỗi
đảng viên, cán bộ, công chức phải tiên phong, gương mẫu trong thực hiện phong
trào, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động; chuyển đổi quá
trình học tập, rèn luyện và ứng dụng tri thức, kỹ năng số trở thành nhu cầu tự
thân của mỗi người; đẩy mạnh cắt giảm chi phí đào tạo, tập huấn; hướng tới miễn
phí toàn bộ cho người yếu thế, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tinh thần
là "đi từng ngõ, đến từng nhà, hướng dẫn từng người" và với phương
châm "Triển khai nhanh chóng - Kết nối rộng khắp - Ứng dụng thông
minh".
Phát
biểu tại sự kiện, Thủ tướng phạm Minh Chính nêu rõ, đây là một nhiệm vụ quan
trọng nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 57-NQ/TW
ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi
mới sáng tạo và chuyển đổi số;
Tại buổi lễ, nền tảng "Bình dân học vụ
số" tại địa chỉ https://binhdanhocvuso.gov.vn đã ra mắt và đã
sẵn sàng vận hành trên toàn quốc từ ngày 1/4/2025.
Thủ
tướng kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính
quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức
xã hội, xã hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp, doanh nhân, các cơ sở giáo dục,
các nhà khoa học, các tổ chức, cộng đồng, tất cả mọi người cùng chung tay tích
cực hưởng ứng phong trào có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này. Với quyết tâm
chính trị cao, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo và khát vọng phát triển mạnh mẽ
của dân tộc, phong trào "Bình dân học vụ số" sẽ lan tỏa sâu rộng, tạo
động lực, truyền cảm hứng cho tất cả mọi người, mang lại lợi ích cho mọi người
dân và cho quốc gia, dân tộc, tất cả vì mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh,
văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Hướng
ứng phong trào “Bình dân học vụ số” do Thủ tướng phát động, nhiều địa phương
trong cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động lan tỏa chuyển đổi số đến đông đảo đội
ngũ cán bộ, công chức cũng như các tầng lớp Nhân dân.
Tại
Đồng Nai, sáng 29-3, Sở Khoa học và công nghệ đã tổ chức Hội nghị phổ cập kiến thức và kỹ năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Al) cho đội ngũ cán
bộ, công chức các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh với hơn
1,5 ngàn người tham gia bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Giảng viên là PGS-TS Nguyễn Thanh
Bình, Trưởng bộ môn Ứng dụng tin học, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí
Minh.
Tại đây, các đại biểu đã được nghe giới
thiệu những kiến thức cơ bản về AI và các công cụ phổ biến; hướng dẫn cách cài
đặt và sử dụng các công cụ; cách viết yêu cầu (prompt) hiệu quả
trong ứng dụng ChatGPT. Hội nghị cũng dành nhiều thời gian để hướng dẫn
CBCC thực hành với text, hình ảnh và âm thanh, video theo các tình huống
cụ thể, đặc biệt là ứng dụng AI cho hoạt động quản lý nhà nước như: soạn thảo
văn bản hành chính; hỗ trợ nghiên cứu văn bản pháp luật; xử lý khiếu nại, phản
hồi công dân; hỗ trợ xây dựng báo cáo, lập kế hoạch; hỗ trợ đào tạo, tập
huấn...
Trong
thời gian tới, tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chương trình
đào tạo chuyên sâu hơn, triển khai các mô hình ứng dụng AI cụ thể vào công tác
quản lý hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công, góp phần thực hiện mục
tiêu chuyển đổi số toàn diện.
MM