Liên minh chính trị là sự liên kết các
lực lượng với nhau thành một khối thống nhất để thực hiện mục tiêu chính trị
chung là giành, giữ chính quyền và sử dụng chính quyền để bảo vệ Tổ quốc, bảo
vệ thành quả cách mạng; xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Mục
tiêu chung đó ở mỗi giai đoạn cũng khác nhau phù hợp với nhiệm vụ cách mạng và
lợi ích cơ bản của các lực lượng tham gia liên minh. Mục tiêu chung trong giai
đoạn cách mạng hiện nay là giữ vững độc lập thống nhất, chủ quyền quốc gia và
toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu sớm thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên dân
giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Đảng của giai cấp công nhân nước ta thực
hiện sự liên minh với giai cấp nông dân với các tầng lớp xã hội khác bằng việc
thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất. Đây là nét đặc sắc, sáng tạo của cách
mạng Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam là hạt nhân của khối liên minh. Nền tảng
của khối liên minh là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân
và đội ngũ trí thức.
Tổ chức liên minh chính trị bao gồm:
- Tổ chức chính trị là Đảng Cộng sản
Việt Nam.
- Các tổ chức chính trị- xã hội: Tổng Liên
đoàn lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ
nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
- Các tổ chức xã hội: Hội Chữ thập đỏ,
Hội Người cao tuổi, Hội Người mù, Hội Kế hoạch hóa gia đình, Hội Khuyến học
Việt Nam, Hội Y học cổ truyền Việt Nam…
Quân đội nhân dân Việt Nam- tiền thân là
Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là thành viên của Mặt trận Việt Minh,
nay kế tục truyền thống đó là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Các cá nhân tiêu biểu là người có uy tín
cao, có quan hệ và ảnh hưởng tốt, có sức thuyết phục đối với một giai cấp, một
tầng lớp xã hội, một dân tộc, một tôn giáo, một cộng đồng người Việt Nam định
cư ở nước ngoài…Thông qua những cá nhân tiêu biểu này, Mặt trận Tổ quốc có thể
tập hợp, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, cùng nhau thực hiện chương trình
phối hợp thống nhất hành động chung vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Như vậy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không có hội viên, chỉ có các thành viên bao
gồm thành viên có tổ chức và thành viên cá nhân. Mặt trận Tổ quốc tổ chức theo
nguyên tắc liên hiệp tự nguyện của các thành viên. Các thành viên tham gia Mặt
trận đều có địa vị bình đẳng và độc lập về tổ chức.
Điều 4 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức và hoạt động theo Điều lệ của Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam phù hợp với Hiến pháp và pháp luật.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở mỗi
cấp là cơ quan chấp hành của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, do Đại hội đại
biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp đó hiệp thương cử ra, có trách nhiệm tổ chức
thực hiện nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.
Các thành viên gia nhập Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, tán thành Điều lệ Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam, được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp xem xét, công
nhận. Quan hệ giữa các thành viên trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là hợp tác,
bình đẳng, đoàn kết, chân thành, tôn trọng lẫn nhau để cùng thực hiện các nhiệm
vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng đối ngoại của Nhà
nước và các chương trình của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trong sinh hoạt và hoạt động của Ủy ban
Mặt trận Tổ quốc, các thành viên đều có quyền trình bày ý kiến của mình, trao
đổi, bàn bạc, hiệp thương dân chủ để đạt sự nhất trí, không dùng mệnh lệnh, áp
đặt. Nếu có những ý kiến khác nhau trên những vấn đề cụ thể thì cùng nhau trao
đổi, thuyết phục, giúp nhau giải quyết. Khi phối hợp và thống nhất hành động,
các thành viên phải thỏa thuận với nhau về chương trình hành động chung và có nghĩa
vụ phối hợp, giúp đỡ nhau để thực hiện chương trình hành động đã được thỏa
thuận, đồng thời các tổ chức thành viên của Mặt trận vẫn giữ tính độc lập của
tổ chức mình.
Trên tinh thần tự nguyện tham gia Mặt
trận, các thành viên là tổ chức, hay cá nhân tiêu biểu đều có quyền phát huy
dân chủ, tôn trọng nhau, chia sẻ ý kiến của nhau, thương lượng cùng đi tới ý
kiến thống nhất, hành động thống nhất. Đây là quy trình, là phong cách công
tác, là văn hóa ứng xử, đòi hỏi sự tôn trọng tất cả các chính kiến khác nhau.
Đây là phương thức công tác bên trong, vân hành trong nội bộ tổ chức Mặt trận
và là nguyên tắc hoạt động bất di bất dịch.
Phối hợp và thống nhất hành động giữa
các thành viên không chỉ là phương thức hoạt động mà là nguyên tắc làm việc cơ
bản, là nhiệm vụ cu của Mặt trận. Phối hợp và thống nhất hành động được tiến
hành từ Trung ương đến cơ sở trên những lĩnh vực hoạt động của Mặt trận, như:
tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội tham gia xây dựng
chủ trương, chính sách, phát luật, thực hiện quyền giám sát hoạt động của cơ
quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ công chức nhà nước theo quy định của
phát luật, phát động các cuộc vận động toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cải
thiện đời sống nhân dân.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mỗi cấp
cần thực hiện tốt vai trò chủ trì và thống nhất hành động giữa các thành viên
theo chương trình chung mang tính đặc thù của Mặt trận, liên quan đến các tầng
lớp nhân dân, hoạt động trên phạm vi cả nước. Mặt trận không làm những việc
thuộc chức năng, nhiệm vụ của tổ chức thành viên để tránh sự chồng lấn nhiệm
vụ, lại bỏ chức năng, nhiệm vụ chính của mình. Vai trò chủ trì của Ủy ban Mặt
trận phải xây dựng thành kế hoạch (5 năm, hằng năm) để tránh sự bị động của các
tổ chức thành viên, bởi tổ chức thành viên nào cũng có kế hoạch thực hiện nghị
quyết đại hội, nghị quyết Ban Chấp hành của tổ chức mình. Một trong những
nguyên tắc của phối hợp và thống nhất hành động là Mặt trận phải tôn trọng tính
độc lập của các tổ chức thành viên trong Mặt trận.
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
mỗi cấp chịu trách nhiệm chủ trì việc phối hợp và thống nhất hành động giữa các
thành viên. Căn cứ vào chương trình công tác trong từng thời gian để xem xét,
lựa chọn những việc cần có sự phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành
viên hay một số thành viên để đưa ra bàn bạc. Thống nhất mục tiêu, yêu cầu, nội
dung, phương châm, phương pháp, thời gian mở cuộc vận động các tầng lớp nhân
dân thực hiện và phân công cụ thể cho từng thành viên của Mặt trận thực hiện.
Để tránh chồng chéo, dẫn đến hạn chế
hiệu quả của các phong trào, các cuộc vận động thì những hoạt động thuộc chức
năng của các tổ chức thành viên phát huy vai trò của tổ chức thành viên đó, như
vậy kết quả xã hội sẽ rõ nét hơn, Mặt trận càng có điều kiện làm tốt hơn những
công việc thuộc chức năng của chính mình. Cần phân biệt giữa tham gia trực tiếp
của các tổ chức trong hệ thống Mặt trận với việc tham gia gián tiếp thông qua
các tổ chức thành viên đối với các hoạt động xã hội của Ủy ban Mặt trận các
cấp.
Phối hợp và thống nhất hành động giữa
các thành viên trong Mặt trận là nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Mặt trận,
vừa là chức năng của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng thời, là phương
thức hoạt động của Mặt trận. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần đề cao phương thức
và nguyên tắc này xuyên suốt trong quá trình hoạt động của Mặt trận. Để thực hiện
tốt các nhiệm vụ đó, phương thức hoạt động chính yếu của Mặt trận là hiệp
thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động, trong đó vai trò chủ trì là
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động
của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phải gắn liền với đổi mới nội dung,
phương thức hoạt động của các thành viên, tạo nên sự đổi mới đồng bộ. Sự đổi
mới của từng thành viên sẽ tạo nên sự đổi mới của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Cần nâng cao nhận thức, xây dựng và thực
hiện các quy chế về nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành
động giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc với các thành viên để thực hiện có hiệu quả
công tác tham gia xây dựng pháp luật. Trong các nội dung hoạt động của Mặt
trận, cần đầu tư nhiều hơn nữa cho các nhiệm vụ tham gia xây dựng những chính
sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến chính sách đại đoàn kết dân tộc,
chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân.
Nguyễn Văn Dũng