Luật Hòa giải ở cơ
sở ra đời ghi nhận vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên
của Mặt trận trong công tác hoà giải ở cơ sở. Do đó, ngay sau khi Luật hoà giải
có hiệu lực thi hành, căn cứ văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, của
tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ,
toàn diện Luật hoà giải ở cơ sở đến MTTQ các cấp và Ban công tác Mặt trận khu
dân cư; phối hợp với các cấp, các ngành chức năng tích cực tuyên truyền pháp
luật về hoà giải trong hệ thống Mặt trận và các tầng lớp nhân dân…
Uỷ ban MTTQ cấp xã phối hợp với UBND cùng cấp hướng dẫn, chỉ
đạo khu dân cư đưa nội dung thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở vào xây
dựng, thực hiện hương ước, quy ước, trong đó đề ra các biện pháp duy trì, bảo
vệ trật tự an toàn xã hội; phát hiện kịp thời và đấu tranh với mọi hành vi vi
phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, giải quyết những mâu thuẫn, giữ gìn đoàn
kết trong cộng đồng dân cư, góp phần hỗ trợ tích cực cho hoạt động quản lý nhà
nước bằng pháp luật, giảm thiểu những tác động tiêu cực phát sinh, thực hiện
quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Tổ hoà giải ấp 1, xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú trao đổi trước khi tiến hành hoà giải
Việc làm tốt
công tác thành lập, củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của Tổ hòa giải,
hòa giải viên là một trong những tiền đề để Mặt trận làm tốt công tác hòa giải
ở cơ sở. Ủy ban MTTQ các xã, phường, thị trấn đã phối hợp với UBND cùng cấp chỉ
đạo, hướng dẫn Ban công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp với Trưởng thôn, Tổ
trưởng tổ dân phố, các tổ chức thành viên của Mặt trận thường xuyên củng cố,
kiện toàn, lựa chọn, giới thiệu những người có
phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, hiểu biết pháp luật để tham gia làm
hòa giải viên. Hiện nay, mạng lưới Tổ hòa giải được thành lập ở các khu dân cư,
toàn tỉnh có 936 tổ hòa giải, với 5.482 hòa giải viên. Đa phần các tổ hòa giải đều bảo đảm
đúng, đủ thành phần, cơ cấu theo quy định. Tiêu chuẩn, số lượng hòa giải viên
và thành phần của tổ hòa giải bảo đảm đúng theo quy định của Luật hòa giải ở cơ
sở, tập hợp được lực lượng nòng cốt, có uy tín, kinh nghiệm trong cộng đồng dân
cư, bảo đảm hoạt động hòa giải đạt hiệu quả; đồng thời, bảo đảm được sự phối
hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, đoàn thể của Nhân
dân trong công tác hòa giải ở cơ sở. Các hòa giải viên sau khi được bầu, công
nhận đã có ý thức tích cực nghiên cứu, tìm hiểu quy định pháp luật, kỹ năng hòa
giải để thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng tốt hơn, tỷ lệ hòa giải
thành cao hơn.
Việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân,
trọng tâm là việc tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân tự giác chấp hành đường
lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng là một trong những mục
tiêu đặt ra của công tác hòa giải ở cơ sở. MTTQ các cấp quan tâm, thực hiện
lồng ghép công tác hòa giải trong hầu hết các phong trào, cuộc vận động tại
cộng đồng dân cư, điển hình là cuộc
vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nhằm gắn công tác hòa giải ở cơ sở với nhiệm vụ phát
triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đưa kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ
sở là một tiêu chí trong đánh giá thực hiện cuộc vận động, góp phần động viên,
tôn vinh, nhân rộng các mô hình, điển hình về hòa giải ở cơ sở, gắn hoạt động
hòa giải vào việc thực hiện các chương trình, đề án, các phong trào văn hóa xã
hội, các mục tiêu chung ở cơ sở.
Sau 10 năm thi
hành Luật Hoà giải ở cơ sở, công tác hòa giải ở
cơ sở trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đặt được những kết quả tích cực, hoạt
động hòa giải ở cơ sở đi vào nề nếp, thống nhất và hiệu quả, qua đó khẳng định
vị trí và vai trò quan trọng
của công tác hòa giải ở cơ sở trong đời sống xã hội. Các cơ quan, đơn vị, địa phương từ cấp
tỉnh đến cấp xã đã có sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn từ công tác xây dựng,
củng cố đội ngũ hoà giải viên (100% khu phố, ấp trên địa bàn tỉnh đều có tổ hoà
giải) đến bố trí kinh phí, tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ,
cung cấp tài liệu cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.
Qua 10 năm các tổ hòa
giải trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 21.971 vụ việc, hòa giải thành 17.978 vụ
việc, đạt 81,82%, hòa giải không thành 3.983 vụ việc.
Nội dung hòa giải liên quan về đất đai;
mâu thuẫn, xích mích giữa các thành viên trong gia đình, quan hệ xóm giềng;
tranh chấp về quyền, lợi ích phát sinh trong dân sự, quan hệ hôn nhân gia
đình... Thông qua hoạt động hòa giải, nhiều mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân
dân được giải quyết kịp thời, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo, góp phần tăng
cường đoàn kết trong cộng đồng dân cư, phòng ngừa và hạn chế vi phạm pháp luật,
giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, cơ sở.
Thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, Đề án “Nâng cao
năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”, chất lượng, năng
lực của đội ngũ hòa giải viên trên địa bàn tỉnh đã có những cải thiện đáng kể.
Qua đó giúp giải quyết kịp thời, hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp
luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở; góp phần tạo chuyển biến tích cực trong
công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới; nhận
thức pháp luật của Nhân dân trên địa bàn có sự chuyển biến; số vụ tranh chấp
mâu thuẫn, vi phạm phạm luật trên địa bàn tỉnh giảm rõ rệt, cụ thể năm 2014,
các tổ hòa giải tiếp nhận 3016 vụ việc, đến năm 2022 chỉ còn 1.497 vụ việc. Các vụ việc sau khi đã hòa giải thành, các bên đã thực
hiện đầy đủ các thỏa thuận hòa giải thành theo đúng quy định, không phát sinh
trường hợp không thực hiện thỏa thuận hòa giải thành.
Bên cạnh kết quả đạt được, công
tác hoà giải ở cơ sở còn những khó khăn, hạn chế đó là: Công tác phối hợp
giữa Ủy ban MTTQ và UBND các huyện, thành phố trong việc triển khai các văn bản
mới về hòa giải ở cơ sở đến các Tổ hòa giải chưa kịp thời; việc trao đổi thông
tin hướng dẫn về nghiệp vụ của công chức tư pháp xã với các Tổ hòa giải còn hạn
chế, dẫn đến có vụ việc chưa xác định bản chất, phạm vi hòa giải, nên có vụ
việc hòa giải chỉ mang tính thủ tục hoặc có vụ việc còn chưa đạt chất
lượng. Kinh phí dành cho công tác hòa giải ở cơ sở còn hạn hẹp, chủ yếu nằm
trong kinh phí tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của địa phương, phần
lớn các tổ hòa giải không có kinh phí dành cho các hoạt động thường xuyên của
tổ.
Nguyên nhân của những hạn chế đó là: Cấp ủy, chính quyền,
MTTQ và đoàn thể ở một số địa phương và một bộ phận hòa giải viên nhận thức
chưa đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở; chưa
thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ hòa giải.
Năng lực của cán bộ làm công tác hòa giải ở một số nơi còn hạn chế, thiếu kỹ
năng, kiến thức pháp luật, nhất là với các vụ, việc phức tạp, liên quan đến
nhiều văn bản pháp luật, nhiều đối tượng.
Một số bài học kinh nghiệm sau 10 năm thực hiện Luật hoà
giải ở cơ sở:
- Để hòa giải ở cơ
sở khẳng định được vị trí, vai trò trong đời sống xã hội, trước hết phải có sự
quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp trong việc củng cố, kiện
toàn, nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên cơ sở. Thực tế đã cho thấy, ở địa phương
nào có nhận thức đúng đắn, quan tâm chỉ đạo, đầu tư đúng mức cho công tác hòa
giải ở cơ sở thì ở đó, hiệu quả công tác
này đạt cao.
- Cần thực hiện tốt
công tác bầu hòa giải viên, đảm bảo lựa chọn những người có uy tín, có kiến
thức pháp luật, am hiểu văn hóa, phong tục tập quán của địa phương, có tinh
thần trách nhiệm, khả năng vận động, thuyết phục. Bên cạnh đó, cần huy động sự
tham gia của Nhân dân, nhanh chóng phát hiện các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp
để kịp thời tiến hành hòa giải, hạn chế việc để mâu thuẫn kéo dài, trầm trọng
sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.
- Phát huy tính tích cực, chủ động
tham mưu, đề xuất của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch
trong quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở;
tiếp tục gắn hoạt động hòa giải ở cơ sở với công tác phổ biến, giáo dục pháp
luật, vận động nhân nhân chấp hành pháp luật, xây dựng đời sống văn hóa, xây
dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở khu dân cư.
- Thường xuyên đổi
mới nội dung, hình thức, phương pháp tập huấn, bồi dưỡng một cách linh hoạt,
phù hợp với đối tượng, địa bàn; xác định đúng nhu cầu của đối tượng để lựa chọn
hình thức, nội dung tập huấn, bồi dưỡng phù hợp.
- Nâng cao năng
lực, kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên theo hướng từng bước chuyên
nghiệp hóa. Cần có cơ chế thỏa đáng cho đội ngũ này.
- Tăng cường truyền
thông về công tác hòa giải ở cơ sở, về gương hòa giải viên tiêu biểu, điển hình
để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác này, từ đó sử dụng nhiều hơn
biện pháp hòa giải để giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong cuộc
sống.
- Cần có cơ chế,
chính sách ưu đãi, hỗ trợ thỏa đáng cho đội ngũ hòa giải viên. Phải khẳng định
rằng, hoạt động hòa giải của hòa giải viên ở cơ sở là hàn gắn những mối quan hệ
xã hội đã bị phá vỡ, mang lại hạnh phúc, sự bình yên cho từng gia đình, khu dân
cư, cộng đồng. Việc hòa giải kịp thời đã không để những tranh chấp bùng phát
thành “điểm nóng”, sự việc nghiêm trọng, giữ gìn an ninh trật tự. Để làm được
điều đó, hòa giải viên mất nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu vụ
việc, hướng dẫn, giải thích quyền và nghĩa vụ cho mỗi bên, động viên, khuyến
khích các bên hợp tác hòa giải... Do đó, cũng rất cần được “hỗ trợ” về vật
chất để động viên và khích lệ đội ngũ hòa giải viên.
- Thường xuyên
kiểm tra, hướng dẫn, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, biểu
dương khen thưởng kịp thời các điển hình
tiên tiến trong công tác hòa giải ở cơ sở; quan tâm tổ chức các
hoạt động trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên thông qua
các buổi họp, sinh hoạt tổ hòa giải, hội thi; kịp thời phát hiện, nhân rộng
các mô hình, cách làm hiệu quả.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở
trong thời gian tới, MTTQ các cấp trong tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nội
dung sau:
Một là Tiếp tục phối hợp ngành Tư pháp
triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, các văn bản hướng dẫn thi hành;
nghị quyết, chương trình phối hợp giữa Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với
Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về công tác hòa giải ở cơ sở. Lồng ghép
hoạt động hòa giải ở cơ sở với công tác tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp
luật và trợ giúp pháp lý, các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại cộng
đồng, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, phòng chống tội phạm, tệ nạn
xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đồng thời vận động các tầng
lớp nhân dân tham gia thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.
Hai là Phối hợp hướng dẫn, chỉ đạo các
xã, phường, thị trấn thành lập, củng cố, kiện toàn các Tổ hoà giải ở cơ sở theo
đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tiễn; tăng cường tập huấn nghiệp
vụ, kỹ năng Hòa giải cho các hòa giải viên, trang bị tài liệu pháp luật liên
quan, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu, khó khăn trong tiếp cận
thông tin pháp luật. Đẩy mạnh công tác phối hợp xây dựng, quản lý và khai thác
Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn để có nguồn văn bản cho các hòa giải
viên tra cứu, sử dụng trong quá trình tham gia hòa giải.
Ba là Định kỳ phối hợp tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật,
hội thi hòa giải viên giỏi, tuyên truyền viên pháp luật giỏi nhằm truyền tải
đến hòa giải viên những kiến thức đơn giản, ngắn gọn, dễ nhỡ, sinh động, dễ áp
dụng vào thực tiễn, đây cũng là dịp để các
hòa giải viên gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, góp phần nâng
cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ công tác và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm
công tác hòa giải ở cơ sở.
Bốn là Tăng
cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở,
đồng thời gắn với kiểm tra, giám sát với lĩnh vực của ngành Đôn đốc UBND cấp
huyện, cấp xã bố trí kinh phí để chi cho hoạt động hòa giải ở cơ sở theo
đúng quy định về nội
dung, mức chi cho công tác Hòa giải
Năm là Tổ chức hội nghị sơ, tổng kết,
biểu dương khen thưởng những mô hình tiêu biểu, những tập thể, cá nhân có thành
tích trong hoạt động hòa giải,
góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở.
(Xuân Tuấn)