ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Hiệu quả việc thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Đăng ngày: 15-08-2023 03:50
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, tác động tích cực đến quá trình triển khai thực hiện các chương trình, dự án ở địa phương, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.
 

Thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn có vai trò đặc biệt trong việc phát triển KT-XH và bảo đảm an ninh trật tự xã hội. Công tác này đã được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả, thực chất.

tan vạn.jpg

Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Cao Văn Quang - Trưởng đoàn kiểm tra QCDC tỉnh phát biểu kết luận

Với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", các nội dung công khai để nhân dân biết, bàn, tham gia ý kiến đã được chính quyền cơ sở của Quảng Ninh thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt là việc niêm yết công khai, minh bạch các quy hoạch, kế hoạch chi tiết sử dụng đất, phương án điều chỉnh quy hoạch, phương án đền bù, hỗ trợ GPMB, tái định cư liên quan đến các dự án, công trình; xây dựng cơ sở hạ tầng; công khai tài chính về thu, chi ngân sách; chương trình xây dựng NTM, các chính sách về an sinh xã hội; các đợt vận động quyên góp của nhân dân; các quy định về thủ tục hành chính; chương trình phát triển KT-XH...

Việc công khai được thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, linh hoạt, phù hợp, như thông qua hệ thống loa truyền thanh, niêm yết tại trụ sở UBND xã, nhà văn hóa thôn, bản, khu phố và phổ biến tại cuộc họp tổ dân, khu phố, qua nhóm zalo... Nhiều địa phương thực hiện tốt việc niêm yết công khai các nội dung, chủ trương, chính sách, cũng như xây dựng được quy chế, quy định về tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, như TP Long Khánh, huyện Thống Nhất, Cẩm Mỹ đã tổ chức lấy ý kiến của nhân dân về việc đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn, Uỷ ban MTTQ Việt Nam các huyện tổ chức hướng dẫn trong hệ thống Mặt trận triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở, tuyên truyền Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11; phối hợp bồi dưỡng về công tác giám sát, phản biện xã hội; tổ chức hoạt động, giám sát của Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng cho 1.200 cán bộ Mặt trận, đoàn thể.

Các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở đã thực hiện mở rộng dân chủ để nhân dân tham gia bàn bạc, quyết định trực tiếp về chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi xã, phường, khu phố. Đến nay, việc thực hiện công khai, minh bạch đã trở thành “chìa khóa” thực hiện dân chủ trên địa bàn tỉnh. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phối hợp MTTQ và các tổ chức thành viên chỉ đạo việc tổ chức các cuộc họp dân, họp cử tri đại diện hộ gia đình để Nhân dân tham gia bàn bạc, biểu quyết, quyết định như: Chủ trương, chính sách của đảng, Nhà nước; các nguồn vận động, hỗ trợ để thực hiện bê tông hóa, nhựa hóa các tuyến đường giao thông nông thôn; xét vay vốn, bình xét hộ nghèo; việc quản lý, sử dụng các khoản huy động nhân dân đóng góplấy ý kiến nhân dân góp ý theo quy định như: mức huy động các nguồn đóng góp tự nguyện để xây dựng đường giao thông nông thôn, cổng khu ấp văn hóa; nâng cấp, sửa chữa, mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn; nạo vét kênh, mương thoát nước… Bàn bạc, biểu quyết thống nhất về việc bầu Ban Thanh tra Nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, bầu Trưởng ấp, khu phố, bổ sung, sửa đổi các quy chế, quy ước.

Công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, dịch vụ công trực tuyến được tập trung triển khai tích cực, trách nhiệm, với tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở có nhiều chuyển biến rõ nét. Việc thực hiện chuyển đổi số trong cải cách hành chính tiếp tục được tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện; hiệu quả hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã tiếp tục được nâng cao, 6 tháng đầu năm 2023, bộ phận Mt cửa của Ủy ban nhân dân cấp xã giải quyết đúng hạn 90,08%; trong đó 154/170 Ủy ban nhân dân cấp xã đạt tỷ lệ giải quyết đúng hạn trên 96%. Các cấp chính quyền cũng tăng cường phối hợp, tạo điều kiện để MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. 6 tháng đầu năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức 36 hội nghị phản biện xã hội, tổ chức 22 cuộc góp ý văn bản; tổ chức 445 hội nghị lấy ý kiến nhân dân với 1.194 lượt ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp đã tổ chức 93 cuộc giám sát, góp ý 673 dự thảo văn bản của cấp ủy và chính quyền, các cơ quan địa phương. Công tác giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên theo Quy định số 124-QĐi/TW ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quy định số 12-QĐ/TU ngày 24/4/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục được MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức thực hiện. 6 tháng đầu năm 2023 chưa có ý kiến phản ánh của đoàn viên, hội viên và nhân dân về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên đến MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp.

Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung và thực hiện hương ước, quy ước thôn, bản, tổ dân bảo đảm theo quy định, phù hợp với tình hình, đặc thù của địa bàn dân cư, phát huy truyền thống tốt đẹp, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa. Hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, tổ hòa giải, các hoạt động tự quản cộng đồng của người dân ở xã, phường, thị trấn trong việc thực hiện quy chế dân chủ tiếp tục được phát huy.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, phường, thị trấn tập trung củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban thanh tra nhân dân nhằm phát huy quyền giám sát của Nhân dân. 6 tháng đầu năm 2022, Ban Thanh tra nhân dân đã giám sát 236 cuộc, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã tổ chức giám sát 585 dự án triển khai trên địa bàn. Qua giám sát, đã phát hiện một số sai phạm, đã kiến nghị các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý và có biện pháp khắc phục, xử lý. Nhằm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ của hòa giải viên ở cơ sở, các địa phương đã tổ chức những lớp tập huấn bồi dưỡng để bổ sung kiến thức giúp các hòa giải viên ở cơ sở ngày càng hoạt động hiệu quả. Toàn tỉnh hiện có 936 tổ hòa giải với 5.482 hòa giải viên. 6 tháng đầu năm, các tổ hòa giải tiếp nhận 612 vụ việc, hòa giải thành 532 vụ việc đạt tỷ lệ 86,92%.

Công tác tiếp công dân, đối thoại với Nhân dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của dân được cấp ủy đảng, chính quyền các xã, phường, thị trấn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh tiếp 4.513 lượt với 4.939 người đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị (Tăng 1.241 lượt so với cùng kỳ năm 2022); trong đó có 16 lượt đoàn đông người với 376 người đến trụ sở tiếp công dân của tỉnh, cấp huyện và sở, ngành để khiếu nại, kiến nghị, phản ánh (tăng 7 lượt đoàn, 250 người so với cùng kỳ năm 2022). Các cơ quan Nhà nước tiếp nhận mới 5.429 đơn (tăng 2.193 đơn so với cùng kỳ năm 2022); đã giải quyết 2.804/3.732 đơn thuộc thẩm quyền, tỷ lệ giải quyết đạt 75%.

Có thể thấy, việc thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh bám sát hướng dẫn của Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cấp tỉnh. Việc thực hiện các nội dung công khai cho dân biết, tổ chức cho nhân dân bàn, quyết định, lấy ý kiến, giám sát, kiểm tra theo Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 được các xã, phường, thị trấn thực hiện cơ bản đầy đủ theo quy định; có sự phối hợp giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội trong quá trình thực hiện. Theo đó, thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền cơ sở, thực hiện đầy đủ quyền giám sát của nhân dân, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng; cấp ủy, chính quyền tiếp thu, kịp thời xử lý các kiến nghị, phản ánh của nhân dân. Chính sách an sinh, xã hội đảm bảo đúng đối tượng được thụ hưởng, không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách để làm sai mục đích gây bức xúc trong nhân dân. Nhân dân tích cực tham gia các phong trào dân vận khéo, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Ngày chủ nhật xanh”... Nhờ đó đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, tác động tích cực đến quá trình triển khai thực hiện các chương trình, dự án ở địa phương, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.

 

(Xuân Tuấn)

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu