ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Nghi lễ cấp sắc của người Dao
Đăng ngày: 24-11-2022 11:36
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Lễ cấp sắc của người Dao đỏ (xã Tòng Sành, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) diễn ra vào tháng 2, 3 hằng năm. Đây là nghi lễ truyền thống quan trọng của đồng bào vùng cao, Lễ cấp sắc của người Dao Đỏ có ý nghĩa to lớn, là cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của một người đàn ông Dao Đỏ, đồng thời là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người đồng bào dân tộc. Trong lễ cấp sắc, người thụ lễ được đặt pháp danh (tên âm). Sau khi trải qua nghi lễ này, người đàn ông Dao được công nhận là con cháu Bàn Vương, được trao quyền làm thầy, được cấp âm binh và được thờ cúng tổ tiên.


1.jpg


Theo tiếng địa phương, cấp sắc được gọi là quá tang hay quá tăng. Quá nghĩa là từng trải hoặc qua thử thách; tang là đèn hoặc vật dụng dùng để soi sáng. Bởi vậy, quá tang nghĩa là trải qua lễ soi đèn, xuất phát từ việc thắp đèn soi sáng người thụ lễ khi làm lễ cấp sắc. Ngoài ra còn có các tên gọi khác như: say cháy, chay thầy xấy hay phùn voòng có nghĩa là soi đèn hay thụ đèn; tạt phat búa (lễ đặt pháp danh) hay chấu đàng (lễ cúng ông tổ n​gười Dao); tẩu sai  (lễ cấp chứng chỉ để làm thầy cúng); chẩu lung hìn (lễ cầu phúc cho dòng họ); mài sai tía (có thầy cúng đỡ đầu); chẩu tôm lung hìn (lễ cầu phúc lớn); lễ cấp tinhlập tịchcấp phép hay cấp pháp.

2.jpg

Lễ cấp sắc thường tổ chức cho con trai từ 10 tuổi trở lên và thực hiện vào thời gian nông nhàn. Để chuẩn bị lễ cấp sắc, gia đình phải nuôi lợn, tích lương thực, thực phẩm, vàng mã và các thứ khác để làm lễ và cỗ mời bà con, họ hàng...

Lễ cấp sắc của các ngành Dao thực hiện một số nghi lễ, như: lễ nhận thầy; lập ban thờ mới; mời thần linh nhà thầy cúng đi làm lễ; mời thần linh, tổ tiên nhà người được cấp sắc về làm lễ; lễ cấp đèn; lễ đặt tên; lễ dạy làm thầy/truyền phép…Tuy nhiên, mỗi ngành lại có những khác biệt riêng.

Với người Dao Tiền, trước ngày thụ lễ, con thầy (người được cấp sắc) phải ở với bố, không tiếp xúc với mẹ trong 3 ngày. Mỗi ngày, người được cấp sắc chỉ ăn một bát cơm và rau, không được ăn thịt. Sau khi làm lễ xong mới được ăn thịt và tiếp xúc với mọi người.

Tham gia lễ cấp sắc gồm: người được cấp sắc, 02 thầy cúng chính, 01 thầy cúng phụ, 03 người đọc thơ, 03 nam và 03 nữ thanh niên hát, họ hàng nội, ngoại người được cấp sắc, người giúp việc cho buổi lễ và người dân trong bản. Gia đình tự chọn thầy cúng, mặc định thầy cả là người bên họ nhà ngoại, thầy hai là người bên họ nhà nội và thầy giúp việc.

Nghi lễ được tiến hành theo các bước:

- Lễ nhận thầy cả và thầy hai: trước làm lễ 7 ngày, người được Cấp sắc cùng bố tới nhà thầy cả và thầy hai làm lễ bái thầy. Khi đi mang theo một gói muối (gói vào lá dong) đến nhà thầy đặt gói muối lên bàn thờ, xin phép được nhận thầy.

Trước khi đi làm lễ, thầy cúng thắp hương xin phép tổ tiên nhà mình, cầu phù hộ và xin đưa thần linh đến nhà người thụ lễ để làm lễ cấp sắc. Khi đi, hai thầy cúng mang theo tranh Tam Thanh, tranh múa, trang phục thầy cúng, bộ âm dương, gậy ma và có 3 người hát nữ đi cùng. Đến nơi, thầy lập bàn thờ mới trong nhà của người được cấp sắc, đặt cạnh bàn thờ tổ tiên. Trên ban đặt 02 mâm lễ của thầy cả và thầy hai. Phía trên ban thờ thần linh treo tranh Tam Thanh và tranh múa của 2 thầy. Hai thầy làm lễ tại bàn thờ tổ tiên của gia chủ, thông báo việc đến làm lễ, xin âm dương cho phép tiến hành lễ cấp sắc. Người giúp việc dùng chổi quét từ trong nhà ra ngoài sân để đuổi cái xấu ra ngoài.

Thầy cả và thầy hai mặc trang phục thầy cúng để làm lễ. Người được cấp sắc đứng đối diện với thầy hai, bố của người cấp sắc thì đứng đối diện với thầy cả. Hai thầy làm lễ đuổi đi những cái xấu, mời rượu thần linh, chia tiền vàng để cảm tạ thần linh. Tiếp theo, mọi người cùng múa xoè để mừng lễ cấp sắc.

- Thầy cả làm lễ cấp đèn cho người được cấp sắc. Thầy cả đứng trước ban thờ khấn xin thầy của mình và thần linh cấp đèn cho người được cấp sắc, mời rượu thần linh, gieo quẻ xin âm dương, chia tiền cho thần linh. Thầy làm lễ xua những điều xấu ra khỏi người được cấp sắc bằng cách cầm thanh kiếm đi vòng quanh người được cấp sắc, dùng kiếm hất mẩu giấy trên mũ ra rồi gieo quẻ âm dương, rồi cầm mẩu giấy, tay đặt lên đầu gối, chân co lên nhảy lò cò ra cửa, vứt mẩu giấy đó đi (vứt đi cái xấu xa). Trong lúc thầy cả xua đuổi điều xấu, thầy hai làm lễ đón điều tốt, điều thiện về cho người được cấp sắc.

Thầy cả làm lễ cấp hương cho người được cấp sắc, cúng xin thần linh cho người đó sau này khi đi làm thầy có thể được thắp hương.

Hai thầy làm lễ cấp đèn cho người được cấp sắc. Đối với người Dao tiền ở Sơn La, lễ cấp sắc thường làm 03 đèn, chỉ trưởng họ mới được tổ chức lễ cấp sắc 12 đèn.

 - Thầy cả đứng trước ban thờ xin với tổ tiên và thần linh xin được lấy tên cho người được cấp sắc (tên do gia đình dự kiến trước). Thầy cúng xin âm dương tìm sự đồng ý của tổ tiên và thần linh cho tên mà gia đình chọn.

- Đặt tên xong thầy cả làm lễ cấp phép cho người cấp sắc được phép sử dụng các đồ nghề của thầy cúng như: khăn buộc, tranh múa, tranh Tam Thanh, trống, chiêng, tù và, chuông, que múa… Mỗi lần cấp phép, thầy cúng sẽ cầm 1 đồ nghề, đọc xong bài cúng, rồi trao đồ nghề đó cho người được cấp sắc.

- Thầy cả làm lễ cấp phép cho người được cấp sắc từ nay có thể đi làm thầy. Thầy cả chia 2/3 gạo và tiền về phía mình, 1/3 về người được cấp sắc. Sau đó, hai thầy trò mỗi người cầm một đầu tấm vải xé làm đôi, mỗi người một nửa. Thầy cả kiểm tra số mặt sấp ngửa của tiền rơi xuống, nếu ngửa nhiều là tốt. Lấy tấm vải đó gói số gạo được chia lại và treo lên tường, để 7 ngày sau, người được cấp sắc và thầy cả phải mang phần gạo của mình nấu cơm và một mình phải ăn hết số cơm đó cùng với rau và gừng (để cho tình thầy trò khăng khít như bố con và từ giờ về sau người được cấp sắc sẽ gọi thầy của mình là bố).

 - Lễ cho người được cấp sắc sau này có thể xem bói: Thầy cả thực hiện nghi lễ truyền nghề, để học trò sau này có thể xem bói.

- Học múa: Thầy hai và người được cấp sắc mặc trang phục thầy cúng, đội mũ thầy cúng, 1 tay cầm que múa, 1 tay cầm chuông, đứng trước ban thờ, thầy hai đọc bài cúng xin thần linh về chứng giám. Hai thầy trò cùng nhảy múa theo nhịp nhạc trống, chiêng, bài múa được lặp đi, lặp lại nhiều lần.

- Múa tống thần đất và thần rừng: Người giúp việc cho thầy cả (thầy ba) làm lễ tiễn các thần ra về trước, rồi tiếp tục cúng, múa tiễn các vị thần linh khác.

- Cúng thần linh cầu lộc, cầu tài cho người được cấp sắc: Thầy cả và thầy ba làm lễ, sau mỗi bài cúng thầy lấy bánh đưa cho người giúp việc và đặt xuống, múc rượu đổ vào 2 bát (lặp lại 3 lần). Cúng xong người giúp việc lấy tiền vàng trên ban thờ xuống để làm lễ chia tiền vàng cho thần linh và mang hóa. Thầy cả cầm 1 bát rượu trên bàn đưa cho bố và ông nội của người được cấp sắc mang đặt lên ban thờ, mời tổ tiên uống rượu. Cúng xong các thầy cúng và người giúp việc lấy bánh nếp chia cho mọi người cùng hưởng lộc.

- Lễ nhảy đồng: Thầy cả ngồi ở ghế dùng 2 mảnh âm dương gõ vào nhau theo điệu nhạc, thầy ba đứng lên múa theo nhạc trống, chiêng đến lúc nhập đồng. Khi đó, gia đình phải cử một người đứng chặn ở cửa ra vào để thầy ba không nhảy ra ngoài, sau hay bị ốm đau.

- Cúng cầu may mắn, sức khoẻ cho người được cấp sắc: Gia đình dọn dẹp ban thờ thần linh, chuẩn bị lễ gồm 2 con lợn khoảng hơn 100kg đã mổ, để sống, đặt nằm úp bụng xuống. Ban thờ thần linh đặt một con lợn, 1 bát gạo, 7 cái chén (7 ông đại thần), 1 cây sáo, giấy lệ phí cho đại thần, 1 bát hương, 1 cái bánh nếp. Một con đặt ở dưới ban thờ tổ tiên. 3 người hát nam, 3 người hát nữ đứng đằng sau thầy cả cùng làm lễ. Thầy cả đứng đọc bài cúng, hết một đoạn thầy hất tay về phía trước và vãi gạo vào con lợn để cầu xin vận may, tài lộc cho người được cấp sắc. Thầy hai đứng trước ban thờ cúng tổ tiên cầu xin vận may, tài lộc cho người được cấp sắc, rồi làm lễ chia tiền vàng, múc rượu mời tổ tiên.

- Đọc thơ ca truyện cổ, hát Páo dung: Ba người hát nữ đứng hát ở chỗ cây tre đan vào nhau được chuẩn bị sẵn, 3 người hát nam đứng ở góc nhà hát đối đáp. Nhóm hát các trường đoạn từ khi con người được sinh ra, dạy dỗ đến khi trưởng thành như thế nào, hát mừng cho tên mới của người được cấp sắc. Trong khi đó, gia chủ chuẩn bị một mâm cơm đặt ở giữa nhà. Thầy cả làm lễ mượn thần linh những bài thơ ca, truyện cổ, xin phép tổ tiên, thần linh được đọc. Những người đọc thơ (thường là những người già biết chữ Nôm Dao, biết lời cúng) và thầy cả, thầy hai và thầy ba ngồi vào mâm, rót rượu chúc nhau. Lấy lá dong phủ lên mâm cơm đó. Những người đọc thơ ca mang những quyển sách ghi chép thơ ca, truyện cổ đặt lên bàn, miệng đọc, tay cầm chuông lắc đều theo nhịp trong khoảng 2 - 3 giờ. Sau đó, họ mời nhau uống rượu, ăn cơm.

- Lễ xoá những kiêng kị: Gia chủ chuẩn bị một mâm lễ, bố của người được cấp sắc đặt 3 cái bánh nếp lên ban thờ của tổ tiên. Thầy cả đọc bài cúng xin tổ tiên và thần linh xoá đi những cái kiêng kị cho người được cấp sắc. Thầy cả đứng trước mâm lễ ở ban thờ thần linh để làm lễ hồi thơ ca. Cúng xong thầy cả làm lễ chia tiền vàng cho tổ tiên và thần linh, rồi mang tiền vàng đi hóa. Ông nội của người được cấp sắc cúng mời tổ tiên về dùng bữa cùng gia đình. Sau khi làm lễ này xong, người được cấp sắc quay trở lại cuộc sống bình thường, không phải kiêng kỵ nữa.

- Lễ tống đại thần ra về: Thầy cả đứng trước ban thờ tổ tiên, tay cầm mảnh âm dương đọc bài cúng xin tiễn thần linh (đại thần). Cúng xong thầy cả cầm bát hương và bát rượu mang ra ngoài cửa đổ đi. Lễ cấp sắc kết thúc, 2 con lợn được xẻ thịt chia phần cho những người giúp việc, riêng thầy cả và thầy hai mỗi người sẽ được 1 cái đầu và 1 đùi lợn để mang về nhà làm cơm mời mọi người trong bản dùng bữa mừng bản thân đi làm lễ thành công.

Với người Dao Quần chẹt, trước đây, lễ cấp sắc thường chỉ làm cho một người nhưng nay để tiết kiệm chi phí, người dân có thể tổ chức cho 3 người một lần (phải là số lẻ), có thể ở cùng bản hoặc khác bản trong một xã. Gia đình của người làm lễ cấp sắc dựng và trang trí nhà ma ở ngoài sân của nhà người làm lễ. Tại bản Khe Lành, xã Mường Thải, huyện Phù Yên, do làm lễ cấp sắc cho 3 người nên nhà ma được dựng tại 1 khu đất trống ở gần nhà 3 người được cấp sắc. Nhà ma làm bằng gỗ hoặc tre, quây bạt xung quanh (trước đây nhà ma phải quây toàn bộ bằng cây cỏ gianh), lợp mái bằng gianh, trên cửa buộc 1 nắm cây gianh, lòng nhà chia thành 3 gian để làm 3 bàn thờ của thầy cả. Sau khi người con trai được làm lễ cấp sắc, nhà ma hóa thành con rồng bay lên trời (cây cỏ gianh tượng trưng cho vẩy rồng) để bảo vệ, không cho hồn xấu ảnh hưởng đến người được cấp sắc. Thầy cúng lập 3 bàn thờ cho 3 người được cấp sắc. Sau khi lập bàn thờ, trong những ngày tiếp theo, mỗi ngày 3 người được cấp sắc phải làm lễ cúng trước bàn thờ với sự trợ giúp của thầy cúng và 3 người giúp việc vào sáng, trưa, tối đến khi kết thúc lễ cấp sắc.

Khi các thầy nhận lời làm lễ cho người được cấp sắc, tại nhà thầy cả, thầy làm lễ cúng và ra ngoài lấy từng cây cỏ gianh phi về hướng nhà ma để dẹp ma quỷ, dọn đường cho thầy đến nhà ma. Tiếp theo, thầy cả làm lễ giấu thân để ma không nhìn thấy thầy. Lễ xong, thầy dùng tờ giấy gói ít gạo và nhét vào vách nhà để bảo vệ nhà thầy không bị tà ma, khi đi làm lễ cấp sắc xong mới mở ra.

Người được cấp sắc được đưa đến nhà ma, các thầy thắp nến soi chọn những sợi tóc ở cao nhất trên đỉnh đầu của người làm lễ rồi buộc lại thành 3 túm, mỗi túm có 7 sợi. Đồ đệ của thầy cả đến bàn thờ thắp 3 ngọn nến đặt trước 3 bức tranh Tam Thanh để thắp sáng và làm bay đi các tạp uế cùng với những tội lỗi của người làm lễ. Sau đó, thầy thứ 4, thứ 5 che kín người được làm lễ cấp sắc bằng áo cà sa vàng, cầm nến soi cho các thầy cắt tóc. Thầy thứ 3 cắt 1 trong 3 lọn tóc đã chọn của người cấp sắc. Trong khi thầy cắt tóc thì các đồ đệ của thầy cả và thầy 2 đánh chiêng, trống, múa theo kiểu từng nhịp bước chân đi. Tương tự thầy 3, thầy cả và thầy 2 cũng làm như thế để cắt tóc cho đồ đệ mới (thầy cả cắt sau cùng). Ba lọn tóc đã cắt được để vào 1 bát nước lã trên bàn thờ (đặt trước tranh Tam Thanh), thầy 3 cởi áo cà sa trùm vào cho người được cấp sắc và đỡ người đó đứng dần lên. Lúc này, bố của người được cấp sắc sẽ đứng ngang hàng với con và thầy thứ 3 và 3 người nhảy. Khi nhảy xong, thầy thứ 2, 3 sẽ lấy dấu đóng vào trán, hai vai, bàn chân, bàn tay, đầu gối, ngực và lưng của người được làm lễ. Lễ cấp sắc đã xong. Giấy trang trí trong nhà ma được đem đi đốt. Gia đình người làm lễ mời cả bản ăn cơm. Sau 9 ngày làm lễ cấp sắc, gia đình làm lễ cấp sắc mới được dỡ nhà ma.


3.jpg 
4.jpg 
 
Lễ cấp sắc có nhiều cấp bậc khác nhau, từ thấp đến cao. Hiện các ngành Dao chỉ phổ biến cấp sắc 3 đèn. Cấp sắc 12 đèn (thập nhị tinh) chỉ duy trì cho các ông trưởng họ của các ngành Dao với nghi lễ phức tạp và mất nhiều thời gian, công sức chuẩn bị. Theo khảo sát điền dã, người Dao Đỏ gọi lễ quá tăng để chỉ nghi lễ cấp sắc 3 đèn (bậc thấp nhất) và 36 binh mã; lễ ngũ tinh được cấp 5 đèn và 36 binh mã; lễ thất tinh được cấp 7 đèn và 72 binh mã; lễ cửu tinh được cấp 9 đèn và 72 binh mã; lễ thập nhị tinh (bậc cao nhất) được cấp 12 đèn và 120 binh mã. Tuy nhiên, cấp sắc 12 đèn của dân tộc Dao đến nay rất ít thực hiện, do đó, số lượng thầy cúng cao tay (người đã trải qua lễ cấp sắc 7 đèn, 12 đèn) không nhiều.

Lễ cấp sắc là một trong những nghi lễ độc đáo và được lưu truyền từ nhiều đời nay trong cộng đồng dân tộc Dao. Trong lễ cấp sắc, người được cấp sắc và những người tham dự có thể hiểu hơn về lịch sử, cội nguồn của mình từ những bài cúng, tích truyện mà thầy cúng đọc, từ đó, nâng cao ý thức bảo tồn những phong tục, tập quán tốt đẹp của người Dao. Lễ cấp sắc phản ánh đời sống tinh thần phong phú của người Dao, thể hiện qua các điệu múa, hát đối đáp - páo dung, tranh vẽ, hình cắt giấy… Lễ cấp sắc có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần, tín ngưỡng của đồng bào Dao, giúp họ có thêm sức mạnh tinh thần vượt qua khó khăn trong cuộc sống, hướng tới điều tốt đẹp trong tương lai. Lễ cấp sắc hướng người đàn ông Dao cũng như các thành viên trong cộng đồng biết tôn sư trọng đạo, kính trọng cha mẹ, luôn làm điều thiện.

Ghi nhận giá trị tiêu biểu của di sản, Lễ cấp sắc của người Dao ở Sơn La được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 4036/QĐ-BVHTTDL ngày 21/11/2016. 



Nguyễn Nga tổng hợp


In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu