Xuất hiện các hình thức lừa đảo
chiếm đoạt tài sản trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như tài chính, ngân
hàng, bất động sản, dự án đầu tư, môi giới việc làm, đưa người đi lao động, học
tập tại nước ngoài, kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử..., đặc biệt là lừa
đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp và có chiều
hướng gia tăng. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như giả danh cơ
quan thực thi pháp luật, cán bộ cơ quan nhà nước, quen biết qua mạng xã hội,
lợi dụng quan hệ tình cảm, trao đổi, mua bán hàng hóa qua mạng, tin nhắn “rác”,
tin nhắn trúng thưởng, xin việc làm, xuất khẩu lao động, “chạy” dự án, vay vốn;
kêu gọi đầu tư, tài trợ, đầu tư kinh doanh đa cấp, tiền ảo, thiết lập các trang
mạng ngân hàng giả mạo để lấy dữ liệu thông tin khách hàng, đánh tráo hồ sơ, sử
dụng giấy tờ giả mở tài khoản, giả mạo chứng từ để chuyển tiền, rút tiền, vay
tiền, làm giả cổ vật, đá quý, kim loại quý; lợi dụng hoạt động họ, hụi, biêu,
phường, phòng, chống dịch bệnh... Quá trình hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài
sản, các đối tượng thường xuyên thay đổi thông tin cá nhân, số điện thoại, tài
khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội, sử dụng tài khoản ảo, thay đổi địa bàn
hoạt động, cư trú nhằm đối phó với công tác phòng ngừa, xử lý của cơ quan chức
năng.
Để phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động
lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bảo đảm an ninh, trật tự, ngày 25/5/2020, Thủ tướng
Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về việc tăng cường phòng
ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ phân
công trách nhiệm và yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch cụ thể
và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong đó, giao trách
nhiệm Ủy ban nhân dân
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Chỉ đạo, ban hành cơ chế, chính sách an
sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người
lao động, phòng ngừa tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội
nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng.
- Thực hiện có hiệu quả các nghị
quyết, chỉ thị, chương trình, mục tiêu của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công
tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, xây dựng phong trào toàn dân
bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng xã, phường, thị trấn an toàn về an ninh, trật
tự. Vận động các cơ quan, đơn vị, khu dân cư, người dân trên địa bàn chủ động
phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm nói chung và các hành vi lừa đảo chiếm
đoạt tài sản nói riêng; chỉ đạo lực lượng Công an ở cơ sở tổ chức diễn đàn
“Công an lắng nghe ý kiến nhân dân” tại các địa phương.
- Chỉ đạo tăng cường công tác thanh
tra, kiểm tra hoạt động huy động vốn, kinh doanh theo phương thức đa cấp, các
thông tin có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản để xử lý theo quy định của
pháp luật.
- Chỉ đạo lực lượng Công an địa
phương tấn công, trấn áp mạnh mẽ, xử lý nghiêm tội phạm và vi phạm pháp luật
liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hỗ trợ tài chính, phương
tiện cho Công an địa phương trong thực thi công tác này theo đúng quy định của
pháp luật./.
(Xuân
Tuấn)