Người
xưa vẫn thường nói: “Một trí tuệ minh mẫn chỉ có trong một cơ thể cường tráng”và
để có một cơ thể cường tráng, khỏe mạnh thì nhất thiết phải rèn luyện thân thể”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Mỗi một người dân yếu, tức là cả
nước yếu, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe… Giữ gìn dân
chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khoẻ mới làm
thành công”.
Trong
suốt thời gian hoạt động cách mạng cho đến những năm tháng cuối đời, dù trong
điều kiện thời gian, hoàn cảnh nào, Người cũng luôn chú ý đến việc rèn luyện
sức khỏe để hoạt động cách mạng lâu dài.
Ngay
từ khi đang hoạt động cách mạng ở các nước phương Tây, vào mùa Đông lạnh giá,
Người vẫn đều đặn dậy sớm tập thể dục tay không, kết hợp với tập các loại tạ và
dây thun.
Năm
1941, khi Người từ Trung Quốc về nước và lưu lại trong vùng rừng núi Cao Bằng.
Lúc ở hang PắcPó, lúc ở lán Khuổi Nậm, khi vào vùng rừng núi căn cứ du kích Lam
Sơn, bất cứ ở đâu Bác đều duy trì nếp ăn, ở, sinh hoạt, học tập điều độ. Bác có
thói quen tránh ăn quá no, rèn luyện thân thể vào buổi sáng, không ngủ trưa, và
buổi chiều Người đi làm vườn, vác củi cho đồng bào trong xóm... Các vị lão
thành cách mạng còn kể lại, sáng nào, Cụ Hồ cũng đi đến các lán gọi mọi người
cùng dậy tập thể dục bên dòng Khuổi Nậm, rồi dành một lúc tăng gia và đi tắm
suối rồi sau đó mới bắt tay vào công việc nghiên cứu, viết tài liệu.
Lúc
ở Liễu Châu (Trung Quốc) Bác Hồ vẫn tập luyện thể dục đều đặn, nhiều hôm Bác
tập Thái Cực quyền và chạy bộ 4-5 km, rồi xuống sông tắm cho dù có nhiều hôm
trời rất giá rét. Nhờ rèn luyện sức khoẻ thường xuyên như vậy, nên Bác đã qua
được cơn hiểm nghèo trong lần ốm nặng trước khi Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm
1945 nổ ra. Ngay sau khi đất nước giành độc lập, mặc dù bận trăm công ngàn việc
quốc kế dân sinh, Bác Hồ vẫn giữ nền nếp dậy sớm tập thể dục. Bác thường xuyên
cùng cán bộ, chiến sĩ rèn luyện thể lực bằng cách chạy, đi bộ, bơi lội, leo
núi, đánh bóng chuyền…Theo lời các đồng chí cận vệ của Bác kể lại, suốt bốn mùa
dù trời mưa hay trời rét, sáng nào cũng vậy, Bác thức dậy từ lúc 5 giờ, tập thể
dục xong, đi đánh răng rửa mặt, ăn sáng rồi đi làm việc. Có những hôm Bác đi
công tác về rất khuya, sáng ra, các đồng chí giúp việc giữ yên tĩnh để Bác ngủ,
nhưng đến 5 giờ Bác đã dậy cùng tập với mọi người như thường lệ.

Bác Hồ chơi bóng chuyền với các đồng chí bảo vệ. Ảnh: Internet
Nhận
rõ tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực của TDTT nên trên cương vị Chủ tịch
Chính phủ lâm thời nước Việt Nam độc lập, Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 14 ngày
30/1/1946 thành lập Nha Thể dục Trung ương trong Bộ Thanh Niên, Người hiểu rõ
vấn đề thể dục rất cần thiết để “tăng bổ sức khoẻ quốc dân và cải tạo nòi giống
Việt Nam”.
Cuối
tháng 3/1946 tự tay Bác Hồ viết lời kêu gọi toàn dân tập thể dục. Lời kêu gọi
này lần đầu tiên được đăng trên báo Cứu Quốc số ra ngày 27/3/1946. Đó là cội
nguồn khởi phát của phong trào "khoẻ vì nước" được Nha thể dục Trung
ương phát động sôi nổi khắp đất nước ta trong năm 1946. Trong lời kêu gọi, Bác Hồ
căn dặn chúng ta: “Mỗi ngày lúc ngủ dậy, tập một ít thể dục. Ngày nào cũng tập,
khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe… Tự tôi, ngày nào
cũng tập”.
Thời
kì ở Việt Bắc, mỗi lần thay đổi địa điểm, trong hoàn cảnh nào Bác đều yêu cầu
mọi người chọn cho được nơi làm sân bóng chuyền và gần suối. Bác Hồ rất thích
tập bơi và đánh bóng chuyền. Chiều chiều sau giờ làm việc, Bác lại cùng các
đồng chí đi tăng gia sản xuất hoặc đánh bóng chuyền, “Bác chơi bóng rất hoạt
bát, nên hôm nào có Bác thì cả sân bóng sôi nổi, vui hẳn lên. Bác rất thích
bơi, Bác thường bơi kiểu nghiêng người, sải tay, đập chân”. “Đi công tác qua
những suối lớn không lội được, mọi người chuẩn bị mảng cho Bác qua, nhưng Bác
không chịu đi mảng, Bác cởi quần áo ngoài để lên mảng và bơi qua sông, qua
suối. Thế là tự nhiên giữa rừng vắng có một cuộc vượt sông rất thú vị”. Trên
bàn làm việc của Bác bao giờ cũng có hai hòn đá cuội nằm vừa gọn trong tay. Khi
đọc sách, Bác thường bóp hòn đá đó để luyện gân tay. Chính vì thế mà dù tuổi đã
cao, râu tóc bạc phơ nhưng da dẻ Bác rất hồng hào và phong thái vẫn hoạt bát.
Bác đi bộ, leo núi rất nhanh, nhiều khi các đồng chí cận vệ cứ phải vừa đi vừa
chạy mới theo kịp. Năm 1958, Người dẫn đầu đoàn đại biểu chính phủ sang thăm Ấn
Độ. Khi Bác đi thăm tháp Cutatnina, một di tích lịch sử nổi tiếng cao hàng trăm
bậc, nhiều người cùng đi với Bác đều đứng dưới, có lẽ vì ngại tháp cao, còn Bác
thì ung dung bước thẳng một mạch lên tới đỉnh tháp rồi quay lại tươi cười vẫy
tay chào mọi người. Mọi người đều thầm kính phục trước sự kiên trì rèn luyện
của Bác, còn các đồng chí cận vệ thì biết Bác còn dư sức để leo một cái tháp
cao hơn nữa.
Sự
quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên một nền thể thao Việt Nam mang
tính hiện đại, khoa học, tiên tiến và giàu bản sắc dân tộc, đồng thời thành quả
ấy đã tạo nên vị thế của thể thao Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Những
năm sau, Bác Hồ tuổi càng cao, sức yếu dần đi. Nhưng sáng sáng Bác vẫn tập đều.
Bác rất chú ý tập đi bộ. Có khi chân bị tê thấp, rất yếu, Bác vẫn tập đi từng
bước, từng bước, hoặc ngồi tĩnh tại luyện khí công. Vì Tổ quốc vì nhân dân, vì
đồng bào miền Nam mà Bác Hồ luôn luôn cố gắng tập luyện để quyết thắng bệnh
tật.
Bác
Hồ là một tấm gương sáng về tinh thần tự giác rèn luyện sức khỏe một cách tích
cực và sáng tạo để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Việc tập luyện thể dục,
thể thao của Bác luôn là tấm gương mẫu mực cho chúng ta hôm nay và các thế hệ
con cháu học tập.
Đặc
biệt, trong giai đoạn hiện nay, việc tăng cường rèn luyện thể dục, thể thao, bảo
đảm sức khỏe, nâng cao sức đề kháng của cơ thể là điều then chốt đầu tiên của
mỗi người dân để đối phó và chiến thắng bệnh viêm đường hô hấp do Virus SARS-CoV-2 gây ra. Học tập và làm theo Bác
về tinh thần tự rèn luyện nâng cao sức khỏe của cơ thể càng quan trọng hơn bao giờ hết.
Tố Nga (tổng hợp)