ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Nguyên tắc và quy trình giám sát và phản biện của MTTQ Việt Nam
Đăng ngày: 13-03-2020 03:36
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Trên cơ sở Luật Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam 2015 và Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN quy định chi tiết về các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, ngày 21-7-2017, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành Thông tri số 23/TTr-MTTW-BTT về hướng dẫn quy trình giám sát, quy trình phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.
 

     Thông tri được triển khai thực hiện từ quý III/2017, thay thế Thông tri số 04/TTr-MTTW-BTT ngày 29/6/2015 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về hướng dẫn quy trình giám sát bằng đoàn giám sát. Theo đó, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ phải thực hiện bảo đảm đúng nguyên tắc và đúng quy trình.

     Về nguyên tắc thực hiện việc giám sát, phản biện xã hội:  phải bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan đúng các quy định của pháp luật, Điều lệ của MTTQ Việt Nam, không làm ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân được giám sát. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp và thống nhất hành động của các tổ chức thành viên trong MTTQ Việt Nam, sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức của Đảng và Nhà nước có liên quan. Việc tổ chức thực hiện cần được triển khai đồng bộ, thống nhất phù hợp với năng lực tổ chức thực hiện của Ủy ban MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH), các tổ chức thành viên khác của Mặt trận và điều kiện thực tế ở địa phương; tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền; định kỳ có sơ kết, tổng kết.

     Về Quy trình thực hiện các hình thức giám sát

     Quy trình giám sát bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân

     Các loại văn bản được giám sát gồm: Văn bản quy phạm pháp luật; Quyết định hành chính; Bản án, quyết định, kết luận, cáo trạng trong hoạt động tố tụng; các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình kinh tế - xã hội, dự án, đề án của cơ quan Nhà nước... liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

     Để bảo đảm hiệu quả giám sát văn bản, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ hoặc lãnh đạo các tổ chức CT-XH phân công bộ phận hoặc cá nhân thường xuyên theo dõi, nghiên cứu, xem xét các văn bản do các cơ quan có thẩm quyền cùng cấp ban hành có nội dung liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Qua nghiên cứu, xem xét, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, thì bộ phận, cá nhân được phân công báo cáo, đề xuất Ban Thường trực Ủy ban MTTQ hoặc lãnh đạo các tổ chức CT-XH quyết định việc giám sát văn bản đó.

     Quy trình giám sát được thực hiện theo 3 bước: (1) Bước 1, nghiên cứu, xem xét văn bản được giám sát (phân công bộ phận chủ trì hoặc cán bộ tham mưu nghiên cứu văn bản, trường hợp cần thiết thì có thể tổ chức hội nghị; gửi lấy ý kiến tham vấn các chuyên gia hoặc tổ chức khảo sát thu thập thông tin, nghiên cứu tác động văn bản đối với xã hội). (2) Bước 2, xây dựng và gửi văn bản kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết, sửa đổi, bổ sung hoặc đình chỉ thi hành. Văn bản cần xác định thời hạn yêu cầu cơ quan tổ chức có văn bản được giám sát trả lời là 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản; (3) Bước 3: Theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau giám sát. Trong trường hợp hết thời hạn 15 ngày mà cơ quan, tổ chức có văn bản được giám sát chưa trả lời, thì MTTQ, các tổ chức CT-XH có văn bản đôn đốc. Trường hợp không trả lời thì gửi văn bản lên cấp trên trực tiếp của cơ quan ban hành văn bản đề nghị chỉ đạo việc xem xét giải quyết. Nếu ý kiến không thống nhất thì hai bên có thể tổ chức đối thoại để làm rõ.

     Quy trình giám sát bằng hình thức tổ chức đoàn giám sát được thực hiện theo 5 bước: (1) Bước 1: Thu thập thông tin, tài liệu, xây dựng kế hoạch giám sát; (2) Bước 2: Ban hành và thông báo quyết định thành lập đoàn giám sát; yêu cầu cơ quan tổ chức, cá nhân được giám sát gửi báo cáo, thông tin, tài liệu liên quan đến đoàn giám sát chậm nhất là 7 ngày trước ngày đoàn giám sát làm việc. (3) Bước 3: Đoàn giám sát làm việc với các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát. Trình tự thủ tục được thực hiện theo quy định tại Điều 8, Nghị quyết liên tịch 403. (4) Bước 4: Báo cáo kết quả giám sát và kiến nghị sau giám sát, thực hiện theo quy định tại Điều 9, Nghị quyết liên tịch 403. (5) Bước 5: Theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau giám sát. Trường hợp các cơ quan, tổ chức, cá nhân vẫn không thực hiện thì cơ quan chủ trì giám sát gửi văn bản lên cấp trên trực tiếp của cơ quan được giám sát, đề nghị xem xét trách nhiệm; phản ánh tại phiên họp HĐND, UBND và trong thông báo Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền tại phiên họp HĐND; trao đổi cung cấp thông tin và đề nghị cơ quan báo chí, truyền thông phản ánh, yêu cầu tổ chức, cá nhân được giám sát phải xem xét, giải quyết hoặc thực hiện quyền trách nhiệm của MTTQ được quy định tại điều 31 Luật MTTQ Việt Nam nếu người đứng đầu cơ quan tổ chức hoặc cá nhân là đại biểu Quốc hội, HĐND…)

     Giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Ủy ban MTTQ cấp xã chỉ đạo Ban Thanh tra nhân dân xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, công khai trên hệ thống truyền thông hoặc niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã. Hướng dẫn Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát đối với chương trình, dự án trên địa bàn trên cơ sở trao đổi, thống nhất với HĐND và UBND cùng cấp. Tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện theo Thông tri số 25/TTr-MTTWW-BTT, ngày 10/8/2017 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

     Tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Trong quá trình tham gia giám sát, đại diện Ủy ban MTTQ, tổ chức CT-XH có trách nhiệm tham gia xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch, nội dung giám sát; nghiên cứu báo cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát, nêu ý kiến về nội dung giám sát và tham gia xây dựng, hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát. Nếu phát hiện vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì đại diện Ủy ban MTTQ, tổ chức CT-XH có trách nhiệm đề nghị đoàn giám sát kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có biện pháp xử lý kịp thời. Trường hợp phát hiện có vấn đề vi phạm hoặc chưa phù hợp với chính sách, pháp luật mà cơ quan chủ trì giám sát không kiến nghị thì đại diện được cử tham gia đoàn giám sát có trách nhiệm báo cáo với lãnh đạo MTTQ, tổ chức CT-XH để xem xét, kiến nghị theo quy định của pháp luật.

     Về Quy trình phản biện xã hội

     Quy trình tổ chức hội nghị phản biện xã hội được thực hiện trong 4 bước:

     Bước 1: Chuẩn bị tổ chức hội nghị. Bước này đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ hoặc lãnh đạo các tổ chức CT-XH trao đổi với cơ quan đơn vị soạn thảo văn bản được phản biện về thời gian, địa điểm, nội dung, cách thức tiến hành, yêu cầu cung cấp tài liệu và cử đại diện tham dự hội nghị trước 7 ngày tổ chức hội nghị.

     Ban Thường trực Ủy ban MTTQ  hoặc lãnh đạo tổ chức CT-XH chủ trì hội nghị phản biện xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị. Phân công bộ phận hoặc cán bộ tham mưu bước đầu nghiên cứu định hướng, đề xuất nội dung phản biện xã hội; tổng hợp ý kiến, kiến nghị, phản ảnh của tổ chức, cá nhân liên quan đến nội dung phản biện xã hội, dự kiến thành phần tham dự hội nghị theo Điều 14 Nghị quyết liên tịch số 403. Mời các chuyên gia am hiểu lĩnh vực nội dung phản biện xã hội tham dự, có thể đặt từ 5 đến 10 bài viết của chuyên gia tham gia phản biện xã hội

     Bước 2: Hội nghị phản biện xã hội được tiến hành theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 15 của Nghị quyết liên tịch số 403.

     Bước 3: Xây dựng văn bản phản biện xã hội. Trên cơ sở các ý kiến phản biện và kết luận tại hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ hoặc lãnh đạo tổ chức CT-XH xây dựng văn bản phản biện xã hội gửi đến cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành văn bản (chậm nhất 7 ngày kể từ ngày tổ chức hội nghị). Tùy theo nội dung phản biện mà văn bản phản biện xã hội có thể gồm các nội dung được quy định tại Khoản 2 Điều 33 của Luật MTTQ Việt Nam. Văn bản cần ấn định thời hạn đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản trả lời bằng văn bản với thời gian tối thiểu là 10 ngày; trường hợp đặc biệt có thể dài hơn nhưng không quá 30 ngày.

     Bước 4: Theo dõi, đôn đốc, phản hồi văn bản phản biện xã hội. Ban Thường trực  Ủy ban MTTQ hoặc lãnh đạo các tổ chức CT-XH cấp chủ trì phản biện xã hội có trách nhiệm theo dõi việc tiếp thu, giải trình đối với những ý kiến phản biện xã hội. Hết thời hạn trả lời được ấn định trong văn bản phản biện, cơ quan chủ trì phản biện có văn bản đôn đốc cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản được phản biện trả lời. Trường hợp cơ quan, tổ chức chủ trì dự thảo văn bản không trả lời hoặc không tiếp thu ý kiến phản biện xã hội thì Ban Thường trực Ủy ban MTTQ, lãnh đạo tổ chức CT-XH có văn bản yêu cầu trả lời, đề nghị giải trình. Trường hợp giữa cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản và cơ quan chủ trì phản biện xã hội chưa có sự thống nhất, thì có văn bản gửi đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành văn bản.

 Gửi dự thảo văn bản được phản biện xã hội đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến phản biện xã hội được thực hiện theo 4 bước

Bước 1: Công tác chuẩn bị. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ hoặc lãnh đạo tổ chức CT-XH cấp chủ trì phản biện xây dựng kế hoạch, dự kiến danh sách, cá nhân, tổ chức tham gia phản biện xã hội; lựa chọn gửi dự thảo văn bản cần phản biện đến cơ quan, tổ chức, nhà khoa học, các chức sắc, tôn giáo, người tiêu biểu trong hệ thống Mặt trận hoặc đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản để lấy ý kiến cho phù hợp.

 Bước 2: Tổ chức nghiên cứu văn bản. Cơ quan tổ chức phản biện xã hội nghiên cứu xây dựng định hướng nội dung cần phản biện xã hội; gửi văn bản xin ý kiến phản biện và dự thảo văn bản cần phản biện xã hội đến cơ quan, tổ chức cá nhân được lựa chọn tham gia phản biện xã hội (Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo văn bản cần phản biện), văn bản cần định hướng nội dung trọng tâm  phản biện và thời hạn gửi văn bản phản biện, đề nghị các cơ quan, tổ chức phản ánh, ý kiến kiến nghị của đoàn viên, hội viên và nhân dân về vấn đề cần phản biện.

Bước 3: Xây dựng văn bản phản biện xã hội. Cơ quan chủ trì phản biện xã hội tập hợp, tổng hợp xây dựng văn bản phản biện xã hội sau khi nhận được ý kiến tham gia phản biện của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nội dung văn bản phản biện xã hội được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 33 của Luật MTTQ Việt Nam.

Bước 4: Theo dõi, đôn đốc, phản hồi văn bản phản biện xã hội, được thực hiện như tại Bước 4 của hình thức tổ chức hội nghị phản biện xã hội.


Quy trình Tổ chức đối thoại trực tiếp giữa MTTQ  với cơ quan, tổ chức có dự thảo văn bản được phản biện (Ban Thường trực Ủy ban MTTQ hoặc lãnh đạo tổ chức CT-XH quyết định tổ chức đối thoại trực tiếp khi: Xét  thấy mức độ quan trọng của nội dung cần phản biện xã hội; dự thảo văn bản có phạm vi ảnh hưởng rộng, liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân; cơ quan có dự thảo văn bản được phản biện vẫn còn có nhiều ý kiến khác, sau khi đã tổ chức Hội nghị phản biện, gửi văn bản phản biện đến cơ quan, tổ chức có dự thảo văn bản được phản biện hoặc do cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản đề nghị tổ chức). Việc tổ chức đối thoại trực tiếp được thực hiện gồm 4 bước

     Bước 1: Chuẩn bị tổ chức hội nghị đối thoại. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ hoặc lãnh đạo tổ chức CT-XH cấp tổ chức phản biện trao đổi với cơ quan chủ trì soạn thảo về thời gian, địa điểm, cách thức tiến hành tổ chức hội nghị đối thoại; xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị đối thoại; xây dựng định hướng, nội dung phản biện xã hội; đặt bài viết phản biện của chuyên gia, người có kinh nghiệm về nội dung được phản biện xã hội, trường hợp cần thiết gửi nội dung phản biện xã hội đến cơ quan chủ trì soạn thảo để có sự trao đổi qua lại trong quá trình phản biện. Ít nhất 07 ngày trước ngày tổ chức hội nghị phản biện, dự thảo văn bản được phản biện và các tài liệu có liên quan  phải được gửi các đại biểu tham dự hội nghị. Thành phần tham dự hội nghị thực hiện theo quy định tại Điều 18 của Nghị quyết liên tịch số 403.

     Bước 2: Hội nghị đối thoại, được tiến hành theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 19 của Nghị quyết liên tịch số 403.

     Bước 3: Xây dựng văn bản phản biện xã hội. Trên cơ sở các ý kiến phản biện tại hội nghị đối thoại, Ban Thường trực Ủy ban  MTTQ hoặc lãnh đạo tổ chức CT-XH tổng hợp những nội dung đối thoại tại hội nghị và kết luận của chủ trì hội nghị, dựng văn bản phản biện xã hội gửi đến cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản (chậm nhất 10 ngày, kể từ ngày kết thúc hội nghị đối thoại). Nội dung văn bản kiến nghị được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 33 của Luật MTTQ Việt Nam.

     Bước 4: Theo dõi, đôn đốc, phản hồi văn bản phản biện xã hội, được thực hiện như tại Bước 4 của hình thức tổ chức hội nghị phản biện.

 

 (Xuân Tuấn)

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu