Nghị quyết này cụ thể hóa các Điều
27 và Điều 34 của Luật MTTQ Việt Nam. Đây là văn bản pháp luật có giá trị pháp
lý quan trọng, góp phần tiếp tục cụ thể về cơ chế đối với hình thức giám sát và
phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Theo đó,
Nghị quyết gồm 4 chương, 25 điều; phạm vi điều chỉnh Nghị quyết này quy định
chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.
Các căn cứ để thực hiện giám sát,
phản biện xã hội gồm: Căn cứ chương trình phối hợp và thống nhất hành động hằng
năm; chương trình phối hợp giám sát giữa Ủy ban MTTQ với các tổ chức thành viên
và cơ quan nhà nước cùng cấp; kiến nghị của tổ chức thành viên; đơn, thư khiếu
nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức do Ủy ban MTTQ tiếp nhận;
thông tin phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng để xây dựng kế
hoạch giám sát. Đồng thời căn cứ Chương trình phối hợp và thống nhất hành động
hằng năm của Ủy ban MTTQ; chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp
luật hằng năm; dự thảo quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ
quan nhà nước cùng cấp có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp,
chính đáng của Nhân dân, hội viên, đoàn viên của các tổ chức thành viên, quyền
và trách nhiệm của Ủy ban MTTQ; kiến nghị của tổ chức thành viên và đề nghị của
cơ quan nhà nước cùng cấp có dự thảo văn bản để xây dựng kế hoạch phản biện xã
hội.
Quý IV hằng năm, Ủy ban MTTQ chủ trì
hiệp thương với các tổ chức chính trị-xã hội cùng cấp lựa chọn những vấn đề mà
Nhân dân quan tâm, bức xúc và xác định các hình thức giám sát, phản biện xã hội
phù hợp để xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội cho năm sau. Nội dung
giám sát, phản biện xã hội có liên quan đến quyền và trách nhiệm của các tổ
chức thành viên thì Ủy ban MTTQ mời đại diện lãnh đạo các tổ chức này tham gia
xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội.
Kế hoạch giám sát, phản biện xã hội
của Ủy ban MTTQ cấp tỉnh ban hành trên cơ sở trao đổi, thống nhất với Đoàn đại
biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp; kế hoạch của cấp
huyện, cấp xã được xây dựng và ban hành trên cơ sở trao đổi, thống nhất với Hội
đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cùng cấp về nội dung, lĩnh vực, địa bàn và
thời gian thực hiện. Kế hoạch giám sát, phản biện xã hội phải xác định nội
dung, hình thức, thời gian, chủ thể tiến hành, đối tượng được giám sát, phản
biện xã hội. Kế hoạch có thể được điều chỉnh, bổ sung về nội dung, lĩnh vực,
địa bàn và thời gian thực hiện phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tế hoặc khi
có vấn đề phát sinh đột xuất và trên cơ sở trao đổi, thống nhất với các bên.
Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam được thực hiện theo các
nguyên tắc quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 3 Điều 32 của Luật MTTQ Việt
Nam số 75/2015/QH13.
Các
hình thức giám sát được quy định gồm 4 hình thức sau:
Một là, nghiên cứu , xem xét văn bản
của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng
của nhân dân. Các văn bản được nghiên cứu, xem xét gồm các các loại văn bản
thực hiện chính sách, pháp luật của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền
và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Ủy ban MTTQ, tổ chức chính trị-xã
hội các cấp chủ trì việc nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền;
trường hợp cần thiết, tổ chức hội nghị hoặc gửi văn bản lấy ý kiến tham vấn của
các chuyên gia, thành viên Hội đồng tư vấn.
Hai là, tổ chức đoàn giám sát. Ủy
ban MTTQ chủ trì xây dựng kế hoạch tổ chức đoàn giám sát của cấp mình; tổ chức
chính trị - xã hội chủ trì xây dựng kế hoạch tổ chức đoàn giám sát theo đề nghị
của Ủy ban MTTQ cùng cấp; ban hành quyết định thành lập đoàn giám sát gửi đến
cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát chậm nhất là 15 ngày trước ngày đoàn
giám sát làm việc. Chậm nhất là 07 ngày trước ngày đoàn giám sát làm việc, cơ
quan, tổ chức, cá nhân được giám sát phải gửi báo cáo, tài liệu có liên quan
đến đoàn giám sát. Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày kết thúc cuộc làm việc với
cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát, Trưởng đoàn giám sát có báo cáo kết
quả giám sát gửi Ủy ban MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội chủ trì giám sát. Căn
cứ kết quả giám sát, cơ quan chủ trì giám sát kết luận về nội dung giám sát và
có văn bản kiến nghị gửi cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát, cơ quan, tổ
chức, cá nhân có thẩm quyền, đồng thời gửi Ủy ban MTTQ, tổ chức chính trị - xã
hội cấp trên trực tiếp.
Ba là, giám sát thông qua hoạt động
của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Ủy ban MTTQ cấp
xã hướng dẫn tổ chức, trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân;
lập kế hoạch giám sát đầu tư của cộng đồng đối với chương trình, dự án hằng năm
trên địa bàn và thành lập Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cho từng chương
trình, dự án. Nội dung giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư
của cộng đồng được thực hiện theo Luật Thanh tra số 56/2010/QH12, Luật Đầu tư
công số 49/2014/QH13. Tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám
sát đầu tư của cộng đồng thực hiện theo Thông tri số 25/TTr-MTTWW-BTT, ngày
10/8/2017 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Bốn là, tham gia giám sát với cơ
quan tổ chức có thẩm quyền. Khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền mời tham gia
giám sát, Ủy ban MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội cử đại diện tham gia; quá
trình tham gia giám sát, có trách nhiệm tham gia xây dựng và thực hiện chương
trình, kế hoạch, nội dung giám sát; nghiên cứu báo cáo của cơ quan, tổ chức, cá
nhân được giám sát, nêu ý kiến về nội dung giám sát và tham gia xây dựng, hoàn
thiện báo cáo kết quả giám sát. Nếu phát hiện vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm
pháp luật thì đại diện Ủy ban MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm
đề nghị đoàn giám sát kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có biện
pháp xử lý kịp thời. Trường hợp cơ quan chủ trì giám sát không kiến nghị thì
đại diện được cử tham gia đoàn giám sát có trách nhiệm báo cáo với lãnh đạo cơ
quan, tổ chức mình để xem xét, kiến nghị theo quy định của pháp luật.
Hình thức phản biện xã hội được quy
định gồm 3 hình thức:
Một là, tổ chức Hội nghị phản biện
xã hội. Đối với hội nghị do Ủy ban MTTQ chủ trì, thành phần gồm: Đại diện Ban
Thường trực Ủy ban MTTQ chủ trì hội nghị; đại diện các tổ chức chính trị - xã
hội; thành viên Hội đồng tư vấn (cấp tỉnh), Ban tư vấn (cấp huyện), Tổ tư vấn
(cấp xã), các chuyên gia, nhà khoa học thuộc lĩnh vực hoạt động có liên quan
đến nội dung phản biện; đại diện cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản
được phản biện và đại diện cơ quan, tổ chức khác có liên quan. Đối với hội nghị
phản biện xã hội do tổ chức chính trị - xã hội tổ chức theo đề nghị của Ủy ban
MTTQ cùng cấp, thành phần mời đại diện lãnh đạo MTTQ và các chuyên gia, nhà
khoa học thuộc lĩnh vực hoạt động có liên quan đến nội dung dự thảo văn bản
được phản biện tham gia. Trên cơ sở kết quả hội nghị, Ủy ban MTTQ, tổ chức
chính trị - xã hội xây dựng văn bản phản biện xã hội gửi cơ quan, tổ chức chủ
trì soạn thảo văn bản được phản biện xã hội.
Hai là, gửi dự thảo văn bản được
phản biện xã hội đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến. Ủy
ban MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức việc nghiên cứu hoặc gửi dự thảo
văn bản được phản biện xã hội đến các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, các vị chức
sắc tôn giáo, cá nhân tiêu biểu trong hệ thống Mặt trận hoặc đối tượng chịu sự
tác động trực tiếp của văn bản được phản biện xã hội để lấy ý kiến; tập hợp,
tổng hợp ý kiến đóng góp, xây dựng văn bản phản biện xã hội, gửi đến cơ quan,
tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản được phản biện xã hội.
Ba là, tổ chức đối thoại trực tiếp
giữa MTTQ Việt Nam với cơ quan, tổ chức có văn bản được phản biện. Trên cơ sở
kết quả của hội nghị đối thoại, Ủy ban MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội xây
dựng văn bản phản biện xã hội gửi cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản
được phản biện xã hội và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành văn bản.
Nghị quyết cũng đã dành một chương
quy định về trách nhiệm của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ trong việc
phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn,
kiểm tra và tổ chức thực hiện; trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính
trị - xã hội và các cơ quan tổ chức trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết
liên tịch để Luật MTTQ Việt Nam nói chung, Nghị quyết liên tịch nói riêng được
sớm đi vào thực tiễn cuộc sống.
Nghị quyết liên tịch
403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN là văn bản hướng dẫn quan trọng, vừa
bám sát giới hạn phạm vi quy định của Luật MTTQ Việt Nam về hình thức giám sát,
phản biện xã hội, vừa quy định cụ thể, chi tiết về trình tự, quy trình triển
khai, tổ chức thực hiện từng hình thức giám sát, phản biện xã hội, bảo đảm tính
khả thi trong quá trình thực hiện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần tháo gỡ
về cơ chế, nâng cao về chất công tác giám sát, phản biện xã hội trong thời gian
tới.
Xuân Tuấn