ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
73 NĂM CUỘC TỔNG TUYỂN CỬ BẦU QUỐC HỘI ĐẦU TIÊN CỦA NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ (06/01/1946-06/01/2019)
Đăng ngày: 02-01-2019 03:42
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
.

Chỉ hơn 4 tháng sau ngày Độc lập, toàn thể nhân dân ta đón chào ngày hội lớn - Ngày Tổng tuyển cử (06/01/1946) đã diễn ra trên cả nước, với khoảng 90% tổng số cử tri đi bỏ phiếu, cả nước bầu được 333 đại biểu đại diện cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân, trong đó, Bắc Bộ có 152 người, Trung Bộ 108 và Nam Bộ 73.

Cuộc bầu cử diễn ra trong một hoàn cảnh lịch sử rất phức tạp, thù trong giặc ngoài và tình hình kinh tế, xã hội hết sức khó khăn. Ở phía Bắc, 18 vạn quân Tưởng lấy danh nghĩa đồng minh tràn vào tước vũ khí quân Nhật, cùng với bè lũ tay sai Việt Quốc, Việt Cách ra sức chống phá, phá hoại tổng tuyển cử và gây ra nhiều vụ cướp của, giết người, gây rối. Tuy nhiên, nhân dân vẫn bày tỏ niềm tin tưởng vào những đại biểu Việt Minh và những người yêu nước chân chính. Nhân dân Hà Nội rất phấn khởi khi được tin Hồ Chủ tịch ứng cử ở Thủ đô; 118 vị đại biểu đã gửi thư "đề nghị cụ Hồ Chí Minh không phải ứng cử trong cuộc tổng tuyển cử này và suy tôn cụ là Chủ tịch vĩnh viễn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa".

Ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, thực dân Pháp đã mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược. Chúng âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, dựng lên chế độ "Nam Kỳ tự trị" với một chính phủ bù nhìn tay sai, nhân dân Miền Nam đi bầu cử dưới bom đạn rất ác liệt của kẻ thù. Tại Sài Gòn – Chợ Lớn, quân Pháp đã chiếm toàn bộ thành phố và các vùng xung quanh, do đó cuộc tổng tuyển cử ở đây đã diễn ra dưới sự lùng ráp khủng bố gay gắt của kẻ thù. Không có nơi bỏ phiếu cố định, mỗi hộ gia đình, kể cả những hộ ở trung tâm thành phố được bố trí từ 3 – 4 hòm phiếu lưu động được chuyển tới từng ngõ, từng nhà cho đồng bào bỏ phiếu. Cả Sài Gòn – Chợ Lớn có hàng trăm hòm phiếu như vậy. Trong lúc làm nhiệm vụ bảo vệ cuộc tổng tuyển cử đã có 42 cán bộ, chiến sĩ tại Sài Gòn – Chợ Lớn, đã hi sinh. Trong số 333 đại biểu Quốc hội được nhân dân bầu ra thì Sài Gòn – Chợ Lớn khi đó có 16 đại biểu được nhân dân bầu ra và đại diện cho ý chí của nhân dân thành phố, tiêu biểu có các ĐBQH như Lý Chính Thắng, Tôn Đức Thắng, Thái Văn Lung, Huỳnh Văn Tiểng …

11.jpgBác Hồ chụp ảnh cùng các đại biểu Quốc hội khóa I (nguồn http://phunuvietnam.vn​)

Lá phiếu trong cuộc bầu cử này được gọi là "lá phiếu máu" vì nó thấm máu của những chiến sĩ đã quên mình cho nền độc lập của Tổ quốc, vì sự nghiệp kháng chiến cứu nước, vì công cuộc xây dựng chính quyền cách mạng. Với lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quyết tâm xây dựng và bảo vệ Nhà nước dân chủ cộng hòa, toàn thể nhân dân từ Nam chí Bắc đã tham gia bỏ phiếu. Tại cuộc bầu cử này Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với tỷ lệ cao nhất 98,4% số phiếu bầu.

Đây là Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đa phần đại biểu là những người xuất thân từ công nhân, nông dân, viên chức và quân nhân cách mạng. Lần đầu tiên ở nước ta, và ở cả vùng Đông Nam Á, xuất hiện một Quốc hội thật sự dân chủ, được bầu theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử là dấu mốc phát triển đầu tiên trong quá trình xây dựng thể chế dân chủ của nước Việt Nam, mở ra triển vọng của một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại.

Đến nay, đã hơn 73 năm trôi qua, Quốc hội luôn hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng là người đại biểu đáng tin cậy của nhân dân, là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, là nơi tập trung trí tuệ của giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động. Quốc hội đã thể hiện tinh thần đại đoàn kết, ý chí thống nhất đất nước và lòng quyết tâm xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những thành tựu rực rỡ, những trang sử vẻ vang của Quốc hội nước ta gắn liền với từng bước đi của dân tộc được bắt đầu từ ngày 6 tháng 1 năm 1946, ngày tổng tuyển cử đầu tiên của nhân dân Việt Nam. ​

Phan ​Văn Thạo

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu