Trong năm qua, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh
đã có nhiều nỗ lực trong công tác giám sát và phản biện xã hội. Đối tượng giám
sát của MTTQ bao gồm hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước
và đại biểu dân cử. Như vậy, hoạt động giám sát của Mặt trận và các đoàn thể
nhân dân không mang tính quyền lực mà mang tính nhân dân, vận động nhân dân
giám sát với cơ chế “theo dõi, phát hiện, kiến nghị” với cơ quan nhà nước có
thẩm quyền xem xét, giải quyết. Mục đích hoạt động giám sát của Mặt trận là hỗ
trợ cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của nhà nước nhằm góp phần xây
dựng và củng cố chính quyền nhân dân, làm cho bộ máy nhà nước trong sạch, vững
mạnh, hoạt động ngày càng có hiệu lực, hiệu quả để quản lý tốt mọi mặt đời sống
xã hội theo pháp luật của Nhà nước, thể hiện được quyền lực của nhân dân; bảo
vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức phản biện xã hội 02 dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh
Về hoạt động giám sát: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức 04 cuộc giám sát việc
công khai, minh bạch và trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công
tác phòng, chống tham nhũng tại một số dự án kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ban Thường trực đã thành lập Đoàn giám sát tại UBND xã An Phước, huyện Long
Thành, UBND huyện Long Thành, UBND xã Quảng Tiến huyện Trảng Bom và UBND huyện
Trảng Bom; giám sát bảo hiểm xã hội, bảo
hiểm y tế tại UBND xã Gia Canh, huyện Định Quán và UBND huyện Định Quán, Bảo hiểm
xã hội huyện Định Quán. Qua
giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã có những kiến nghị, đề xuất nhằm
chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại hạn chế của các đơn vị, địa phương chịu sự
giám sát; đồng thời có kiến nghị các giải pháp thực hiện trong thời
gian tới đối với các cơ quan
chuyên môn trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đối với hoạt động giám sát của
Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn: Đã
xây dựng kế hoạch giám sát và chủ trì tổ chức được 120 cuộc với các nội dung
như: Quy trình xét duyệt đối tượng, việc sử dụng nguồn vốn và tình hình thu hồi
vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội; việc triển khai chương trình phối hợp vận
động và giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm ở khu dân cư; vận động tham gia Bảo
hiểm y tế trên địa bàn xã; quy trình rà soát hộ nghèo, quy trình xây dựng nhà
tình thương và các chính sách đối với hộ mới thoát nghèo; việc thu chi của Hội
cha mẹ học sinh theo Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; việc huy động xã hội
hóa trong nhân dân để đầu tư xây dựng cơ bản; việc thực hiện chế độ chính sách
cho các Tổ nhân dân trên địa bàn... Qua giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã có 673 kiến nghị đối với
các cơ quan chuyên môn trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Ban Thanh tra nhân dân đã giám sát 715 cuộc, nội
dung giám sát chủ yếu là giám sát việc giải quyết
khiếu nại, tố cáo của công dân;
giám sát việc bình xét hộ nghèo; các nguồn đóng góp của nhân dân và các tổ chức; công tác
chăm lo hỗ trợ hộ nghèo, đối tượng chính sách, cấp phát quà tết cho hộ nghèo;
pháp luật về Bảo hiểm y tế, cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách,
bảo trợ xã hội, hộ nghèo và trẻ
em dưới 6 tuổi... Qua
giám sát, Ban Thanh tra nhân dân đã phát hiện một số sai phạm và có 78 kiến nghị các cơ quan có thẩm
quyền xử lý và có biện pháp khắc phục.
Ban Giám sát đầu tư của
cộng đồng đã tổ chức giám sát được 815 cuộc đối với 315 dự án triển khai
trên địa bàn. Nhìn chung, các dự án triển khai đúng trình tự thủ tục quy định,
phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa bàn,
hoàn thành đúng tiến độ được đưa vào sử dụng kịp thời, phục vụ được yêu cầu
chung. Qua giám sát, đã
phát hiện một số sai phạm nhỏ trong thi công xây dựng và có 178 kiến nghị
xem xét, xử lý; các kiến nghị đã được các cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu
tư, nhà thầu, chủ đầu tư xử lý, giải quyết và khắc phục.
Công tác phản biện xã hội: Năm 2018, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam
tỉnh đã tổ chức 02 Hội nghị phản biện xã hội đối với 04 dự thảo Nghị quyết của Hội đồng
nhân dân tỉnh gồm: Dự thảo Nghị
quyết quy định mức hỗ trợ đối với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc
gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và dự
thảo Nghị quyết về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều tỉnh Đồng Nai,
giai đoạn 2018 - 2020; dự thảo Nghị quyết quy định về chính sách hỗ trợ, số lượng
và chế độ thù lao đối với cán bộ của Trung tâm Văn hóa thể thao - Học tập cộng
đồng cấp xã; Nhà Văn hóa/khu thể thao ấp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và dự thảo
Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm
nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã đã tổ
chức 23 Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành
Đảng bộ huyện, xã, thị trấn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giám
sát và phản biện xã hội vẫn còn không ít khó khăn, nhất là về kinh nghiệm, lực
lượng, kiến thức của cán bộ Mặt trận; nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính
quyền về nhiệm vụ này vẫn còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức. Công tác phối
hợp giữa các cơ quan chức năng với Mặt trận để phát huy tốt vai trò giám sát và
phản biện xã hội có lúc, có nơi còn chưa được quan tâm đúng mức.
Xuân Tuấn