Gọi điện là có người phục vụ
Chị Tống Ngọc Cẩm Linh, Trưởng
Bưu cục hành chính công (Bưu điện tỉnh) cho biết, không phải ngay từ đầu là người
dân tin tưởng nhân viên của bưu điện. Vì vậy, vừa triển khai tổng đài 1022 của
tỉnh, bưu điện vừa triển khai việc tuyên truyền, chủ động gọi điện tư vấn, xin
làm dịch vụ hỗ trợ người dân. Đến nay, sau gần 6 tháng thử nghiệm, tổng đài
1022 của tỉnh đã nhận được hàng ngàn cuộc gọi, trong đó có 479 trường hợp chủ động
đề nghị thực hiện các TTHC tại nhà; tiến hành phát, trả kết quả cho 196.670 trường
hợp. Vì vậy, khi có nhu cầu, người dân chỉ cần nhắc điện thoại gọi vào tổng đài
1022 là được nhân viên đến tận nơi hỗ trợ làm thủ tục hành chính.
Chị Nìm Cún Cứu, khu dân cư số 4,
xã Phú Túc (Định Quán) vẫn còn bất ngờ sau khi đã hành nghề bán thuốc được gần
2 tháng. “Khi thấy truyền thông giới thiệu về tổng đài 1022 của tỉnh, tôi liền
nhắc điện thoại gọi thử. Rất nhanh chóng, nhân viên tổng đài đã gọi lại, tư vấn
cặn kẽ và tới tận nhà giúp tôi làm hồ sơ, đúng thời hạn tôi đã nhận được giấy
phép hành nghề dược trong khi tôi chỉ phải trả mức phí bằng với mức phí mà khi
tôi đến tận nơi để làm hoặc gửi qua đường bưu điện. Thật là tiện lợi cho người
dân!”, chị Cứu nói.
Nhân viên tổng đài 1022 trực cuộc gọi của người dân
Dù ngay tại phường Long Bình (TP.
Biên Hòa), nhưng anh Mai Văn Duy cũng chọn hình thức gọi điện thoại cho nhân
viên tổng đài 1022 đến phục vụ làm thủ tục đổi Giấy an ninh trật tự cho cơ sở
kinh doanh ga và khí hóa lỏng của gia đình. Anh Duy chia sẻ: “Dịch vụ này rất
nhanh chóng, tiện ích, giúp người dân không phải tốn thời gian, công sức đi lại
mà vẫn được thực hiện thủ tục hành chính như ý muốn”.
Cũng không muốn trực tiếp tại
Trung tâm hành chính công tỉnh, anh Võ Thành Phi, ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh
(Trảng Bom) đã điện thoại đến tổng đài 1022 để nhờ làm TTHC. Được nhân viên đến
tận nhà tư vấn, hướng dẫn cách ghi hồ sơ, cách viết và mang đi thực hiện và trả
kết quả cho anh đúng hẹn. Anh Phi nói: “Những dịch vụ này thực sự tiện ích cho
người dân, hoàn thành xong TTHC của mình, tôi đã giới thiệu để nhiều người dân
địa phương không phải đi lại xa mà vẫn được làm thủ tục đáp ứng yêu cầu”....
Nâng chất phục vụ
Phó giám đốc Bưu điện tỉnh Dương
Thị Việt Hương cho biết, lúc đầu khi triển khai thí điểm tại Biên Hòa, nhân
viên bưu điện mới chỉ thực hiện được thao tác nhận, trả kết quả nên có ít nhiều
bất tiện. Để khắc phục tình trạng này, Bưu điện tỉnh đã phối hợp với các sở,
ngành tổ chức tập huấn cho nhân viên về quy trình tiếp nhận hồ sơ, kiến thức và
kỹ năng để có thể trực tiếp tư vấn, hướng dẫn người dân và cung cấp các biểu mẫu
khi người dân có nhu cầu.
Bên cạnh phối hợp đào tạo, Bưu điện
còn tổ chức đào tạo chuyên sâu 4 lần giúp nhân viên nắm vững pháp luật, kỹ năng
và phương pháp thực hiện các TTHC tại nhà cho người dân. Viết riêng một phần mềm
chương trình tư vấn khách hàng để thuận lợi khi nhân viên làm việc. Đến nay, dịch
vụ này đã được triển khai đến 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, tạo thuận
lợi cho người dân. Anh Dương Minh Châu, nhân viên 1022 cho biết, lúc đầu người
dân gọi vào tổng đài còn e ngại và chưa thực sự tin tưởng. Nhưng sau khi được
nhân viên hướng dẫn tận tình, số lượng cuộc gọi vào tổng đài ngày càng tăng.
Lãnh đạo bưu điện kiểm tra hồ sơ quan trọng trước khi nhân viên phát, trả người dân
Cùng đó, Bưu điện tỉnh đã phối hợp
với Sở Giao thông vận tải tổ chức 6 điểm cấp, đổi Giấy phép lái xe tại bộ phận
một cửa các huyện Long Thành, Long Khánh, Định Quán, Tân Phú, Xuân Lộc và Nhơn
Trạch. Thay vì phải lên tận Sở GTVT như trước, người dân chỉ việc đến tại bộ phận
một cửa của huyện, thị xã hoặc gọi điện thoại để nhân viên đến tận nhà hỗ trợ
thực hiện. Mới đây, Bưu điện phối hợp với Công an tỉnh thực hiện thí điểm tại
Công an huyện Long Thành về việc tiếp nhận biên lai xử phạt vi phạm giao thông.
Nhân viên bưu điện sẽ căn cứ vào số điện thoại của người vi phạm giao thông gọi
và đến thu tiền, giao biên lai cho người vi phạm, thay vì họ phải ra bưu điện
hoặc kho bạc nộp phạt và tiếp tục nhận, trả kết quả về Giấy phép kinh doanh đủ
điều kiện về An ninh trật tự cho người dân kể từ 1-1-2018...
Để thực hiện những dịch vụ phục vụ
dân, ngoài đầu tư, đào tạo nhân lực, Bưu điện đã trang bị các xe ô tô, xe máy
chuyên dụng, cấp đồng phục, mũ, áo cho nhân viên khi thực hiện các dịch vụ hành
chính cho dân. Nói như chị Việt Hương là phải từng bước chuẩn hóa đội ngũ có
tác phong chuyên nghiệp, làm việc hiệu quả, tạo lòng tin để người dân tin tưởng
vào các dịch vụ mà Nhà nước mang lại.
Phó giám đốc Sở Nội vụ Tạ Quang
Trường cho rằng, những dịch vụ tiện ích đang tiếp tục được đổi mới, nâng cấp và
thực hiện trong công tác cải cách hành chính ở Đồng Nai đã được người dân,
doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đồng tình ủng hộ. “Ngày 25/11/2017, Báo Sài
Gòn giải phóng có đăng bài viết: “Cử tri đề nghị TP. Hồ Chí Minh tham khảo mô
hình cải cách hành chính tỉnh Đồng Nai” khi tiếp xúc cử tri với các đại biểu Quốc
hội, HĐND. Điều đó cho thấy, những nỗ lực về CCHC của tỉnh đã tác động tích cực
đến việc từng bước chuyển mô hình chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ”,
ông Trường nói.
Cũng theo Phó giám đốc Sở Nội vụ
Tạ Quang Trường, khi tiếp nhận hồ sơ hành chính tại nhà qua đường bưu điện
thành công sẽ giải quyết được bài toán “Phi địa giới hành chính” trong giải quyết
TTHC mà tỉnh đang triển khai hướng tới. Nên trong giai đoạn đầu thực hiện, các
địa phương phải rà soát, tính toán lại những TTHC được thực hiện nhiều để làm
trước, giúp người dân quen dần và có niềm tin để triển khai có hiệu quả về sau.
Box: Nhờ thực hiện những dịch vụ tích cực, công tác CCHC của tỉnh đã và
đang tiếp tục được nâng chất. Đến ngày 3-12-2017, bộ phận một cửa tự động của tỉnh
đã cập nhật cho thấy, toàn tỉnh có 95% hồ sơ năm 2017 được giải quyết đúng và
trước hạn. Trong đó, các sở, ngành phải xử lý 127.823 hồ sơ đã giải quyết trước
và đúng hạn đạt 95,5%; cấp huyện và tương đương số hồ sơ phải xử lý 288.530 đã
xử lý gần 90% và cấp xã là 659.441 hồ sơ, đã xử lý 97,9%...
Nguyệt Hà