Kiên trung, bất khuất trong ngục tù
Gặp bà Nguyễn Thị Thoại (Cẩm Mỹ),
nghe bà kể lại về thời kỳ gian khó, vượt qua đòn roi kẻ thù mới thấy hết bản
lĩnh kiên trung, vững vàng của những người cộng sản, vì đất nước, vì dân tộc, họ
không quản ngại hi sinh. Bà Thoại kể, dù chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã hòa
bình nhưng cảnh tượng tra tấn với các hình thức dã man của kẻ thù dành cho những
người tù như “đi tàu nhanh”, “đi tàu lặn”, “đi tàu ngầm” hoặc “đi tàu bay”...là
các loại hình tra tấn cột chặt chân, tay của người tù ra phía sau, dùng dây kéo
người tù nhấn họ ngụp lặn xuống phi nước, khi người tù giãy dụa thì áp suất nước
đẩy va đập làm phun máu miệng, máu mũi. Đến lúc kiệt sức, chúng mang ra hô hấp
rồi tiếp tục tra tấn...Bà Thoại nhấn mạnh: “Đòn, roi tra tấn của kẻ thù không
làm nao núng tinh thần các chiến sĩ cách mạng. Họ vẫn kiên cường đấu tranh,
không quản ngại gian nan thử thách để chờ ngày thắng lợi cuối cùng”.
Nhớ lại thời gian khó phải vượt
qua sự tra tấn dã man, tàn độc của kẻ thù, ông Nguyễn Văn Thông, nguyên Bí thư
Tỉnh ủy Biên Hòa bùi ngùi kể lại, kẻ thù với đủ các thủ đoạn tra tấn, đàn áp dã
man, nhưng chúng không thể chiến thắng nổi khí phách những người tù vì họ đại
diện tinh thần bất khuất, kiên trung của cả một dân tộc không chịu khuất phục
hiểm nguy. Ông Thông vẫn nhớ như in cảnh nhà báo Dương Tử Giang, ngã xuống
trong nhà lao Tân Hiệp. “Lúc đó vào 17 giờ 30 phút ngày 2-12-1956, anh Giang
cùng hàng trăm tù nhân chính trị nổi dậy phá khám Tân Hiệp. Trong trận chiến giằng
co ác liệt, anh Giang đã vượt qua cổng ngục khi tới suối Đồng Tràm thì trúng đạn,
nằm sấp bên bờ suối hy sinh”, ông Thông nói.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp trao tặng lẵng hoa cho Đại hội bất thường 2016
Dù đã sống trong thời kỳ hòa
bình, hưởng hạnh phúc bên con cháu, nhưng với cựu tù Côn Đảo Lê Thị Kiếm (Xuân
Thọ, Xuân Lộc) không bao giờ quên những ngày bị đòn roi quân thù và nhiều đồng
đội của bà đã phải nằm lại trong lao tù. Bà kể, bà tham gia du kích địa phương
vào năm 1969, hỗ trợ cho bộ đội chủ lực đánh vào Chi khu Long Khánh. Bà bị địch
bắt giam, điều tra, hỏi cung nhiều lần, kể cả dùng thủ đoạn cho người bảo lãnh
nhưng chúng chỉ nhận được câu trả lời duy nhất “Tôi không biết gì”. Không thể
mua chuộc được người cách mạng kiên trung, chúng đã bà giam tại Nhà lao Tân Hiệp,
rồi đưa đi Côn Đảo 2 lần. Những ngày giam cầm khắc nghiệt tại Côn Đảo, bà được
sống cùng phòng với các đồng chí Trương Mỹ Hoa, Võ Thị Thắng...được các đồng
chí bồi đắp thêm tinh thần yêu nước, niềm tin vào ngày thắng lợi để tiếp tục đấu
tranh cho đến ngày đất nước hòa bình. Trở về cuộc sống đời thường, bà tiếp tục
là tấm gương thủy chung son sắc đối với đồng đội, tình nghĩa với xóm làng, hoàn
thành tốt những công việc được giao.
Sắc son nghĩa tình ngoài cuộc sống
Chủ tịch Hội CSCMBĐBTĐ tỉnh Trần
Thị Hòa cho biết, trong các cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược, tỉnh Đồng
Nai có 1.175 cựu tù. Trong đó, có 168 tù chính trị Côn Đảo, 155 cựu tù binh Phú
Quốc, còn lại là cựu tù bị giam giữ tại các nhà tù Tân Hiệp, Thủ Đức, Chí Hòa,
Hố Nai, Phú Tài, Phú Lợi, Khám đường Biên Hòa, Khám đường Long Khánh...Hiện
nay, còn khoảng 975 người còn sống và tự nguyện tham gia vào Ban Liên lạc Chiến
sĩ CMBĐBTĐ trước đây (Hội ngày nay). “Dù bị đọa đày trong lao ngục, bị đế quốc
gây ra nhiều tổn thương về thể xác, tinh thần nhưng tất cả cựu tù đều kiên
trung, bất khuất, vượt qua gian khó và những nỗi đau riêng, hòa cùng nhịp sống
dân tộc, quê hương, góp công sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một
lòng theo Đảng, xứng là những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ, cộng đồng và con
cháu noi theo”, Bà Hòa nói.
Ra mắt BCH Hội trong Đại hội đổi tên 2016
Đất nước hòa bình, các cựu tù trở
lại cuộc sống đời thường vẫn giữ vững và phát huy bản chất kiên trung của người
cộng sản, sống nghĩa tình, thủy chung son sắc với đồng chí, đồng đội. Nhiều hoạt
động nghĩa tình được tổ chức. Trong nhiệm kỳ II, những CSCMBĐBTĐ đã tổ chức các
hoạt động thăm hỏi, động viên và tặng nhiều phần quà tình nghĩa, thăm hỏi các
gia đình chính sách, mẹ Việt Nam anh hùng; tổ chức về nguồn, thăm lại di tích lịch
sử như Côn Đảo, Phú Lợi và nhiều nơi đã từng giam giữ họ trong kháng chiến. Đặc
biệt, năm 2016, được sự quan tâm tạo điều kiện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hội đã
phối hợp tổ chức thành công kỷ niệm 60 năm phá Khám Tân Hiệp, gặp gỡ nhiều cựu
tù chiến sĩ cách mạng, nắm thêm và tìm hiểu được những hoàn cảnh khó khăn để
cùng động viên nhau vươn lên trong cuộc sống...
Bà Trần Thị Hòa cho biết thêm, thể
theo nguyện vọng của nhiều CSCMBĐBTĐ trên địa bàn, tháng 8-2016, Ban Liên lạc
đã tổ chức Đại hội bất thường đổi tên thành Hội CSCMBĐBTĐ nhằm thực hiện tốt
phương châm “Sống trong tù kiên trung bất khuất, trong hòa bình tình nghĩa thủy
chung” để thường xuyên quan tâm, chăm sóc sức khỏe, đời sống cho hội viên như
xây dựng, sửa chữa nhà ở cho cựu tù chính trị, phối hợp với các cơ quan chức
năng giải quyết chế độ chính sách cho cựu tù chính trị theo quy định của Nhà nước;
hỗ trợ vay vốn sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt tăng thu nhập, cải thiện đời sống
cho hội viên; thường xuyên tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
và con, cháu các cựu tù chính trị.
Box: Nhiệm kỳ 2012-2017, Hội CSCMBĐBTĐ đã tổ chức nhiều hoạt động thiết
thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên. Trong đó, đã vận động,
xây dựng và trao tặng 22 căn nhà Nghĩa tình đồng đội, sửa chữa 76 căn với kinh
phí trên gần 3 tỷ đồng; hỗ trợ các cựu tù chính trị vay vốn từ ngân hàng trên
500 triệu để phát triển kinh tế gia đình; các hội viên giúp vốn cho trên 930
triệu đồng; vận động trao tặng 578 suất học bổng giúp con, cháu của hội viên học
giỏi, sống tốt; khen thưởng 224 lượt con, cháu cựu tù học khá, giỏi...
Vĩnh Hà