Nhớ đồng đội
Thắp hương tưởng nhớ các phần mộ
liệt sĩ của Sư đoàn hy sinh đang nằm lại Nghĩa trang liệt sĩ TX. Long Khánh, Đại
tá Lê Văn Cúc, nguyên Sư đoàn trưởng, Sư đoàn 341, nguyên Phó tham mưu trưởng
Quân đoàn 4 lau dòng nước mắt xúc động nói: “Đồng đội ơi, hôm nay chúng tôi lại
về bên các anh, thắp nén hương thơm lên mộ phần, tôi càng nhớ hơn thời kỳ chúng
ta cùng nhau vượt gian khó, chiến đấu, chiến thắng và hy sinh. Đồng đội ơi, các
anh đã nằm lại, chúng tôi nguyện sẽ sống xứng đáng với sự hy sinh cao cả này”.
Được biết, trong suốt những ngày diễn ra chiến dịch giải phóng Xuân Lộc- cánh cửa
thép phía Đông tiến vào Sài Gòn, đã có trên 1.200 cán bộ chiến sĩ của Sư đoàn
hy sinh và nằm lại nơi này.
Các đại biểu viếng Đền thờ LS TX Long Khánh
Đại tá Lê Văn Cúc cùng nhiều CCB
Sư đoàn 341 không bao giờ quên được hình ảnh của nhiều đồng chí đồng đội đã hy
sinh vào thời điểm đó. Điển hình nhất là tấm gương anh dũng của đồng chí đại đội
phó, Đại đội 5 Hồ Viết Sửu đã lấy thân mình làm cầu cho cán bộ, chiến sĩ vượt
qua nhiều lớp kẽm gai, tiến vào giải phóng TX. Xuân Lộc (tỉnh Long Khánh ngày ấy-
TX. Long Khánh hiện nay). Ông Cúc chia sẻ, còn rất nhiều đồng đội đã nằm lại
các nghĩa trang ở nhiều tỉnh Đông Nam bộ, trong đó có Nghĩa trang liệt sĩ TX.
Long Khánh, Trảng Bom và tỉnh Đồng Nai và còn nhiều liệt sỹ hy sinh vẫn chưa
tìm thấy mộ...
Đoàn dâng hương tại NTLS TX Long Khánh
Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Liễu,
Trưởng ban liên lạc CCB Sư đoàn 341 trên địa bàn Đồng Nai xúc động kể lại, giải
phóng TX. Xuân Lộc, CBCS Sư đoàn được lệnh rút về đánh trận mở màn giải phóng
chi khu Trảng Bom, cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt giữa ta và địch để
dành từng tấc đất, từng ngôi nhà và giải phóng được Trảng Bom, CBCS Sư 341 được
lệnh chia hai hướng một tiến về giải phóng khu vực Hố Nai, một đánh thẳng vào
sân bay Biên Hòa và cùng nhiều đơn vị bạn giải phóng Biên Hòa, Sư đoàn có mặt tại
Sài Gòn vào lúc 12 giờ 10 phút ngày 30-4-1975. “Trong khúc khải hoàn ca chiến
thắng, có rất nhiều CBCS của Sư 341 đã hy sinh hiện đang nằm lại các Nghĩa
trang liệt sĩ: TX. Long Khánh, Trảng Bom và Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Nai.
Thắp nén hương tưởng niệm đồng đội, chúng tôi luôn tâm nguyện phải tiếp tục sống
xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các anh”, ông Liễu chia sẻ.
Nhiều hoạt động tri ân
Đại tá Hoàng Văn Sinh, Sư đoàn
trưởng, Sư đoàn 341 cho biết, ngày 23-11-1972, do yêu cầu nhiệm vụ cách mạng,
Sư đoàn 341 (Đoàn Sông Lam) được thành lập tại Nghệ An, nhanh chóng rèn luyện,
trưởng thành, dành 3 đỉnh cao quyết thắng toàn quân. Đầu năm 1975, do yêu cầu
nhiệm vụ cách mạng, Sư đoàn được được Bộ quốc phòng tin tưởng giao nhiệm
vụ hành quân vào Nam chiến đấu. Mặc dù chiến trường mới lạ và vô cùng ác liệt,
nhưng, với khẩu hiệu “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, Sư đoàn đã phối
hợp chặt chẽ với các đơn vị bạn trong Quân đoàn 4 và LLVT địa phương chiến đấu
dũng cảm, ngoan cường, đánh liên tiếp 46 trận (có 3 trận cấp Sư đoàn, 9 trận cấp
Trung đoàn), liên tục giành thắng lợi giòn giã, giải phóng thị xã Chơn thành, Dầu Tiếng,
Định Quán, La ngà, Túc Trưng, Xuân Lộc, Chi khu Trảng Bom, Biên Hòa, cùng
đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh giải
phóng dân tộc, thu giang sơn về một mối.

Đại tá Hoàng Văn Sinh, Sư trưởng 341 thắp hương mộ liệt sĩ của Sư đoàn tại NTLS Trảng Bom
Trở về thăm lại chiến trường xưa, các CCB và CBCS của
Sư đoàn 341 đều xúc động trước sự đón tiếp nồng hậu của lãnh đạo tỉnh,
quân và dân Đồng Nai. Đại tá Hoàng Văn Sinh chia sẻ, Đồng Nai để lại dấu ấn đẹp
bằng những hoạt động tri ân của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân toàn tỉnh đối
với những người đã hy sinh cho độc lập của Tổ quốc, trong đó có cán bộ chiến sĩ
Sư đoàn 341 anh hùng. “Những hoạt động như: tổ chức tu sửa nghĩa trang liệt sĩ,
chăm sóc mộ phần CBCS đã hy sinh, đặc biệt tỉnh đã xây dựng và chuẩn bị khánh
thành Nhà bia tưởng niệm cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 341 đã hy sinh trong các cuộc
kháng chiến giải phóng Xuân Lộc, Long Khánh, Trảng Bom và tỉnh Đồng Nai tại
Nghĩa trang TX. Long Khánh. Chúng tôi còn thực sự xúc động khi được biết, thể
theo nguyện vọng của rất nhiều CCB Sư đoàn 341 khắp cả nước, tỉnh Đồng Nai sẽ phối
hợp với các đơn vị Quân đoàn 4, Quân khu 7 xây dựng Tượng đài chiến thắng của
Sư đoàn 341 anh hùng nên chuyến đi này với chúng tôi giống như được trở về nhà
mình”, Đại tá Sinh nói.
Lãnh đạo Sư đoàn và các CCB trao đổi về kỷ niệm tại chiến trường xưa
Box: Với truyền thống 45 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cán bộ
chiến sĩ Sư đoàn 341 đã vinh dự 2 lần được Đảng Nhà nước phong tặng danh hiệu
“Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; được Nhà nước Campuchia tặng thưởng
Huân chương It xa ra hạng nhất; 4 Trung đoàn, 2 Tiểu đoàn, 2 Đại đội được phong
tặng danh hiệu “Anh hùng LLVT Nhân dân”; hàng nghìn tập thể, cá nhân được nhận
nhiều phần thưởng cao quý; nhiều năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng,
Nhà nước, Bộ Quốc phòng trao tặng nhiều phần thưởng xứng đáng. Lễ kỷ niệm 45
năm ngày thành lập Sư đoàn sẽ được kỷ niệm trọng thể vào sáng ngày 23-11.
Phát huy truyền thống “Trung
thành vô hạn, kỷ luật nghiêm minh, quyết chiến quyết thắng”, kỷ niệm 45 năm
ngày thành lập, CBCS Sư đoàn cùng ôn lại truyền thống của một đơn vị 2 lần được
phong anh hùng LLVT nhân dân, trong đó lần thứ nhất năm 1976 khi Sư đoàn vừa
tròn 4 tuổi- đơn vị trẻ nhất toàn quân được vinh dự cao quý và lần 2 vào năm
1979. Đại tá Hoàng Văn Sinh cho biết, kế thừa truyền thống anh hùng và tưởng nhớ
công ơn hy sinh to lớn của các thế hệ cán bộ chiến sĩ, Sư đoàn tiếp tục đoàn kết,
ổn định tư tưởng của cán bộ chiến sĩ, tập trung hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn
luyện quân dự bị động viên với kết quả cao nhất; xây dựng và hoàn thiện doanh
trại mới theo đầu tư của Bộ Quốc phòng giai đoạn 2015-2018 một cách chính quy,
khang trang, sạch đẹp, có môi trường văn hóa tốt. Đồng thời, tập trung công tác
kỹ thuật, bảo dưỡng bảo trì vũ khí trang bị, phục vụ công tác huấn luyện đảm bảo
nâng chất lượng và an toàn. Đặc biệt trong dịp này, Sư đoàn tổng kết dịp thi
đua cao điểm “45 ngày đêm hành động kiểu mẫu” xây dựng Sư đoàn vững mạnh, toàn
diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới./.
Nguyệt Hà