Chất lượng cán bộ nâng lên
Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ
chức Tỉnh ủy Đặng Minh Nguyệt cho biết: “Đội ngũ cán bộ của tỉnh hiện có 51.329
người, gồm: hệ đảng, đoàn thể là 1.158 người; hệ Nhà nước 3.251 người; cán bộ,
công chức cấp xã là 3.690 người và 43.230 viên chức các đơn vị sự nghiệp. So với
năm 2009, chất lượng đội ngũ cán bộ của tỉnh tăng lên, phát triển khá tốt và
ngày càng trẻ hóa. Trong đó, cán bộ chủ chốt (chức danh bí thư, phó bí thư, chủ
tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND) cấp tỉnh là 10 đồng chí, cấp huyện 88 đồng chí
và cấp xã có 947 đồng chí”.
Đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở
được xây dựng đảm bảo về số lượng, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao,
đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong từng giai đoạn; trình độ năng lực quản
lý kinh tế, quản lý xã hội ngày càng được nâng lên; ý thức trách nhiệm được đề
cao; tập thể lãnh đạo, người đứng đầu các cấp, các ngành, các đơn vị doanh nghiệp
đã thể hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có kết quả các nhiệm vụ
kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩu
sự nghiệp CNH, HĐH theo mục tiêu Đảng bộ tỉnh đề ra....Nhìn chung, công tác cán
bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh đã đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra,
góp phần vào kết quả chung luôn là tỉnh được Trung ương đánh giá có tốc độ tăng
trưởng kinh tế, giải quyết tốt an sinh xã hội, tạo môi trường thu hút đầu tư và
đảm bảo quốc phòng an ninh vững chắc....
Phó bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Tư phát biểu tại Tọa đàm
Tuy nhiên, Tỉnh ủy thẳng thắn chỉ
ra một số điểm còn tồn tại, hạn chế trong công tác này, vẫn còn một bộ phận cán
bộ chậm đổi mới tư duy, thiếu tính chủ động, chưa mạnh dạn sáng tạo trong thực
hiện nhiệm vụ; phân công, phân việc ở một số đơn vị chưa phù hợp; hiện tượng chảy
máu chất xám trong đội ngũ cán bộ còn xảy ra nhiều đơn vị; cơ cấu đội ngũ cán bộ
chưa hợp lý, thiếu cán bộ chuyên môn giỏi, cán bộ đầu ngành, có khả năng dự báo
và xử lý tốt những vấn đề phức tạp ở một số lĩnh vực như nông nghiệp, cơ khí,
môi trường, quy hoạch....
Còn “bệnh thành tích” trong đánh giá cán bộ
Trao đổi tại buổi tọa đàm, các
thành viên trong đoàn công tác của Hội đồng LLTW đặt ra nhiều vấn đề về công
tác cán bộ, trong đó đặc biệt lưu ý công tác đánh giá cán bộ hiện nay. GS, TS
Lê Hữu Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng LLTW đặt vấn đề, công tác đánh giá
cán bộ ở Đồng Nai có hay không việc nể nang, ngại va chạm trong đánh giá cán bộ?
Còn những khó khăn gì trong khi bình quân hàng năm tỷ lệ cán bộ công chức xếp
loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đều đạt trên 95%, riêng cán bộ thuộc diện
ban thường vụ quản lý trên 98% nhưng ở nhiều nơi trên cả nước mà báo chí đã nêu
có rất nhiều tình trạng cán bộ, công chức sáng cắp ô lên cơ quan, chiều lại cắp
ô về mà không đóng góp được gì nhiều cho sự phát triển?.
Nguyên UVTV, nguyên Chủ tịch MTTQ
tỉnh Vy Văn Vũ cho rằng, đúng như các thành viên hội đồng LLTW đặt ra, việc
đánh giá cán bộ hiện vẫn còn là khâu yếu nhất, còn mang “bệnh thành tích”. Điều
đó phụ thuộc vào một số yếu tố: nể nang, ngại va chạm, không kiên quyết, thấy
đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, nhiều khi còn phụ thuộc vào cá
nhân đồng chí chủ trì việc đánh giá cán bộ.... Mặt khác các văn bản hướng dẫn
còn mang tính chung chung, định tính rất nhiều. Ông Vũ cũng lấy ví dụ tiêu chí
đánh giá cán bộ 100 điểm thì riêng 40% nội dung đầu ai cũng kiểm điểm giống
nhau: “Tuyệt đối trung thành với mục tiêu lý tưởng của Đảng, có tư tưởng, đạo đức
lối sống...” đã chiếm 40 điểm, cộng các số còn lại thì một cán bộ bình thường
hoàn thành trên 80% là tốt trở lên nên cần phải có tiêu chí rõ ràng, càng chi
tiết, phù hợp từng đặc thù công việc thì đánh giá mới sát.
“Một yếu tố do “bệnh thành tích”
nữa, nếu một cơ quan, đơn vị trong cả nhiệm kỳ mà có 4 năm hoàn thành xuất sắc,
chỉ mất một năm không hoàn thành nhiệm vụ coi như xóa sạch thành tích nên các
cơ quan, đơn vị thường dấu những khuyết điểm, hạn chế hoặc dấu diếm số cán bộ
không hoàn thành nhiệm vụ (tiêu chí này trong báo cáo trung ương, Hội đồng LLTW
cần tham mưu cụ thể”, ông Vũ nói.
GS, TS Phùng Hữu Phú chủ trì tọa đàm
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa
Hiệp nhìn nhận: “Theo quy định, một cán bộ phải có quá trình 2 năm không hoàn
thành nhiệm vụ mới cho nghỉ việc hoặc buộc phải điều chuyển nên ở Đồng Mai chưa
có trường hợp nào phải tinh giản biên chế do không hoàn thành nhiệm vụ, nên Trung
ương phải có tiêu chí cụ thể, sát thực tế mới đánh giá đúng thực chất cán bộ”.
Cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh
thì trong đánh giá cán bộ, thủ trưởng cơ quan hoặc người chủ trì phải thực sự
công tâm, khách quan, nhìn nhận năng lực thực tế việc đánh giá mới có kết quả.
Bên cạnh đó, việc thi tuyển chức danh, cán bộ làm công tác thi tuyển phải liêm
khiết, công tâm, khách quan và cuối cùng chế độ cho đội ngũ cán bộ công chức phải
bảo đảm để thu hú được cán bộ giỏi, cán bộ năng lực, mới tìm kiếm được người
tài, chứ không phải người nhà, hạn chế tham nhũng....
Luân chuyển cán bộ phải đưa về làm cấp trưởng
Từ 2011 đến nay, Đồng Nai đã thực
hiện luân chuyển 265 đồng chí, trong đó tỉnh về huyện 22 đồng chí, huyện về xã
165, và 24 đồng chí từ xã lên huyện. Ngoài ra còn luân chuyển ngang giữa các sở,
ngành, các ngành trong huyện...ưu điểm lớn nhất của việc luân chuyển là tạo động
lực mới trong công tác cán bộ, nhất là kết hợp luân chuyển cán bộ với chủ
trương bố trí cán bộ không phải là người địa phương, bố trí tăng thêm chức danh
lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh, huyện đã mang lại kết quả tích cực, đáp ứng
kịp thời đòi hỏi của thực tiễn, khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong từng
ngành, từng địa phương, đơn vị... Tuy nhiên, công tác phối hợp, theo dõi, đánh
giá cán bộ luân chuyển chưa thực sự chặt chẽ, một số nơi còn nhầm lẫn giữa luân
chuyển cán bộ theo quy hoạch để rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng lâu dài với việc
điều động, bố trí cán bộ theo yêu cầu nhiệm vụ nên khó phát huy được năng lực,
trình độ của cán bộ luân chuyển.
Phó bí thư Tỉnh ủy tặng Logo biểu trưng Đồng Nai cho đoàn công tác
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa
Hiệp cho rằng, luân chuyển cán bộ từ trên xuống dưới phải đưa về làm cấp trưởng
như chủ tịch, bí thư thì ở cương vị này mới quyết định được. Còn nếu đưa về làm
phó thì còn phụ thuộc vào ban thường vụ ở dưới nên phát huy không được. Ví dụ một
người được đào tạo chuyên ngành kinh tế, khi luân chuyển về làm phó chủ tịch một
địa phương lại được phân công phụ trách văn xã thì không phát huy được.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa
Hiệp kiến nghị với các thành viên Hội đồng LLTW phải tham mưu để có chính sách
đào tạo cán bộ chuyên sâu. Đến nay, mới chỉ có lớp đào tạo ngắn hạn chức danh
bí thư Huyện ủy vài tháng tại Hà Nội, còn chủ tịch huyện, giám đốc sở, ngành,
bí thư, chủ tịch UBND xã thì chưa có, nên nhiều trường hợp cán bộ còn lúng túng.
Bên cạnh đó, cần quan tâm công tác cán bộ nữ trong khối hành chính sự nghiệp để
tránh thiệt thòi như chính sách bảo hiểm mới, vấn đề chế độ lương cho sinh viên
khi tốt nghiệp đại học ra trường...
“Việc nhất thể hóa bí thư kiêm chủ
tịch UBND một số xã thí điểm tại Đồng Nai đều được đánh giá tốt. Kinh nghiệm
qua việc này cho thấy, khi lựa chọn thí điểm phải căn cứ vào năng lực thực sự,
có khả năng tập hợp, đoàn kết cán bộ, đảng viên, nhân dân, địa bàn không quá rộng
và các đồng chí Phó chủ tịch UBND xã và Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã phải
có năng lực mới yên tâm thí điểm. Một vấn đề nữa là trách nhiệm người đứng đầu
cũng phải được xác định rõ như trách nhiệm đến đâu, cấp nào, chứ không thể nói
chung chung cứ 1 xã vi phạm mà cả nỗ lực của một huyện do ông bí thư huyện ủy
hay chủ tịch UBND huyện phải chịu thì nên xem xét lại”, bà Hiệp nói.
Về nội dung này, nguyên Phó bí
thư Tỉnh ủy, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Một đề nghị, ngoài những yếu tố
trên khi thực hiện nhất thể hóa bí thư kiêm chủ tịch thì bản thân đồng chí này
phải am hiểu và nắm vững pháp luật để tránh những sai sót đáng tiếc.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần
Văn Tư chia sẻ, thực tế công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ đã được cấp ủy,
chính quyền Đồng Nai quan tâm. Tuy nhiên, công tác cán bộ, tỉnh nhận rõ các vấn
đề: việc tuyển dụng còn dựa vào bằng cấp mà chỉ cần đại học là được còn đại học
ngành nghề gì thì thực sự chưa quan tâm. Mặt khác, học hiện nay là để lấy bằng,
chưa phải vì công việc, tức là có gì học nấy, kể cả hệ thống giáo dục đào tạo,
ngoài đại học, ngay cả các trường Đảng cũng phải tính toán, đào tạo ngành nghề
phù hợp. Phó bí thư Tỉnh ủy nêu rõ ví dụ ở Đồng Nai hiện nay thì chức danh Phó chủ
tịch phụ trách nông nghiệp đếm trên đầu ngón tay, dù Đồng Nai là tỉnh công nghiệp
nhưng vẫn còn trên 60% dân số sống chủ yếu ở vùng nông nghiệp, nông thôn...Phó
bí thư Tỉnh ủy kiến nghị, khi đào tạo phải ra đào tạo, bồi dưỡng phải ra bồi dưỡng,
cố gắng hạn chế đi đến loại bỏ hình thức vừa làm, vừa học rất không có chất lượng
hoặc công tác đánh giá cán bộ còn là khâu yếu thì hội đồng LLTW cũng nên tham
mưu để Trung ương đưa ra những tiêu chí cụ thể hơn, sát thực hơn và nên được tiếp
cận lại...
GS, TS Phùng Hữu Phú đánh giá cao
công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ ở Đồng Nai thời gian qua. “So sánh với
nhiều tỉnh thành, Đồng Nai có hẳn 5 nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ,
ngoài ra còn có các nghị quyết, chỉ đạo về vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ cụ thể;
việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Đồng Nai
cũng là bài học quý để cả nước học tập. Sau tọa đàm này, Hội đồng LLTW sẽ ghi
nhận những kiến nghị, chắt lọc những kinh nghiệm quý để tư vấn cho Trung ương
báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa VIII) về “Chiến
lược cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”. Trên cơ sở đó, ban hành
Nghị quyết mới sát thực tế về công tác quan trọng này./.
Vĩnh Hà