
Chân dung bà Lê Thị Trừ
Bà Lê Thị Trừ sinh năm 1927
tại xã Tân Triều (cũ), huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Bà tham gia hoạt động cách mạng từ khá sớm với
nhiệm vụ cảnh giới và phụ in tài liệu; mới 18
tuổi bà đã là Phó Ban trinh sát
của Ty Công an Biên Hòa
và nổi tiếng là một người có óc quan sát, năng nổ, gan dạ, mưu trí. Tư Trừ sống rất hồn nhiên và dành toàn
bộ nhiệt tình cho nhiệm vụ kháng chiến. Cứ chiều xuống là Tư Trừ dẫn theo hai nữ trinh sát cắt
đường từ Bình Ý qua rừng Tân Phong, sát vành đai sân bay để về thị xã Biên Hòa
nắm tình hình hoạt động, sinh hoạt của địch. Những tin tức do Ban trinh sát thu
thập và phối kiểm được góp phần quan trọng giúp cho Tỉnh ủy, Ty Công an Biên Hòa kịp thời chỉ đạo cho Đội thiếu niên xung
phong cảm tử ra tay trừng trị những tên Việt gian làm
rúng động bọn tề nguỵ tay sai lẫn quân xâm lược Pháp và phát hiện kịp thời âm mưu của bọn tình báo Pháp. Hoạt động của Ban trinh sát càng mạnh, các
lực lượng vũ trang cách mạng tiến công nhiều nơi thì giặc Pháp càng tăng cường những cuộc hành quân càng quét. Nhưng nguy hiểm hơn cả
là việc bọn phòng nhì khu Biên Hòa lập ra những toán biệt kích ăn mặc như du kích,
chuyên phục kích bắn giết cán bộ, bộ đội, du kích... đi công tác riêng lẻ. Gan dạ, năng nổ, Tư Trừ có thể cắt rừng đi
thâu đêm hoặc đột nhập vào thị xã Biên Hòa hay tiếp cận với những mục tiêu mà
giặc bảo vệ nghiêm ngặt.
Xúc động trước sự
chăm sóc tận tình và cảm trước cái tình sâu sắc, thâm trầm của người anh, người đồng
chí đã cùng nhau hoạt
động cách mạng với nhiều gắn bó, Lê Thị Trừ đã nhận lời kết hôn cùng Hai Ký (tức đồng chí
Nguyễn Văn Ký, được cử làm Bí thư Tỉnh ủy
Biên Hòa vào tháng 7/1947 tại hội nghị cán bộ Đảng toàn tỉnh lần thứ II). Cuối đông năm 1946, lễ “công bố” cho Nguyễn Văn Ký và Lê Thị Trừ được kết thúc bằng mâm cơm thịnh soạn với cả một con gà.
Ngày 08/3/1947, Phó Ban trinh sát Tư Trừ của
Ty Công an Biên Hòa được kết nạp vào Đảng Cộng sản và sau đó được điều động sang Hội phụ nữ làm công
tác Đảng Đoàn. Với danh nghĩa làm công tác phụ nữ, Tư Trừ lại bước vào một cuộc chiến mới khó khăn muôn vàn - đó là về vùng Bến Gỗ (nay là xã An Hòa và xã Long Hưng, thành phố Biên Hoà), một địa bàn mang vị trí “yết hầu” nơi bọn
Pháp đang gầy dựng cho bọn phản động đội lốt giáo phái Cao Đài lập pháo đài, lực
lượng quân sự chống phá cách mạng.
Trong tình cảnh
đạn bom ác liệt, đời sống thiếu thốn khó khăn đó, đứa con trai đầu lòng của đôi
bạn chiến đấu Ký - Trừ cất tiếng khóc chào
đời ngay trong vùng kháng chiến Mỹ Lộc vào mùa lúa đang trổ đòng năm 1949. Bị bọn Pháp ném ép văng xuống hố dập cả phổi trào máu ra rất trầm trọng, Hai Ký bị sốt vùi phải
nằm liệt giường. Vừa đỡ đau, Bí thư Tỉnh ủy Hai Ký đã lồm cồm ngồi dậy để chỉ đạo công tác. Vừa
nuôi con nhỏ, vừa chăm sóc chồng bệnh nặng do phải làm việc quá sức trong hoàn cảnh thiếu thốn ở chiến khu, Tư Trừ
vẫn không thể buông lơi nhiệm vụ
đang trong thời điểm cực kỳ khó khăn. Ngày 14/4/1952, đồng chí Nguyễn Văn Ký hy sinh giữa thành
phố bị tạm chiếm, sau này được mang tên Hồ Chí
Minh.
Quay trở về
Chiến khu Đ - vùng căn cứ kháng chiến đang trong thời kỳ bị bao vây đánh phá ác
liệt, Tư Trừ phải gửi đứa con trai của mình về Cao Lãnh nhờ người em gái Hai Ký nuôi giùm, còn bà cùng với các cán bộ phụ nữ lao
ngay vào việc cứu đói. Cuộc chiến đấu để giành giật miếng ăn trong thời kỳ này diễn ra hết sức
khốc liệt. Địch càng lúc càng siết chặt gọng kềm. Từng nhóm nhỏ 3-5 cán bộ phụ
nữ len lỏi đi thu mua lúa về cung cấp cho bộ đội cứ lần lượt bị thương vong. Và
rồi trong một chuyến đi thu mua sau cái Tết năm 1953, Tư Trừ bị
sa vào tay giặc. Dù bị bọn địch tra tấn, đánh đập hết sức dã man,
Tư Trừ vẫn giữ vững khí tiết không chịu khai báo. Năm 1954, ta phải đấu tranh rất quyết liệt, địch mới chịu đem trao trả Tư
Trừ.
Vừa chữa bệnh
xong, Lê Thị Trừ được chọn vào học lớp chính trị đặc biệt dành cho cán bộ được bố trí ở lại. Sau khóa học, Tư Trừ được bố trí làm
liên lạc cho Khu ủy miền Đông với Xứ ủy Nam kỳ. Một nhiệm vụ cực kỳ bí mật
nhưng lại phải thường xuyên sống công khai hợp pháp tại đô thành Sài Gòn. Mưu
trí và sáng tạo, Tư Trừ nhanh chóng xây dựng được một mạng lưới xe đưa
rước cán bộ đi lại một cách công khai khi thì xe du lịch, lúc thì xe Jeep có tài xế mặc
trang phục cảnh sát ngụy lái hẳn hoi... Để tạo ra tài chính cho hoạt động cách
mạng, Tư Trừ mở sạp báo ngay tại ngã tư đường Lê Văn Duyệt - Tú Xương. Cùng với đồng chí, đồng đội đường dây giao liên hoạt động nằm ngay giữa lòng Sài Gòn, Tư Trừ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp
phần giải phóng đất nước.
Thời bình, bà lại
tiếp tục tích cực đóng góp cho
phong trào xây dựng địa phương và là
gương điển hình “người tốt, việc tốt” trong nhiều năm liền, được
đảng bộ, nhân dân và chính quyền địa phương thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng
Nai ghi ơn, tôn vinh. Đến cuối
đời, ngay cả trên giường bệnh, bà Lê Thị Trừ vẫn luôn dặn dò con cháu:
"Phải góp phần mình chăm lo cho sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ để thể hiện
lòng biết ơn Đảng, ơn mọi người đã cưu mang mình. Đó mới là đạo lý của người Cộng
sản". Ngày 23 tháng 02 năm 2016, bà Lê Thị Trừ đã vĩnh biệt ra đi.

Lễ tưởng niệm bà Lê Thị Trừ - người sáng lập quỹ học bổng Nguyễn Văn Ký
Theo di nguyện của chồng, đồng chí Nguyễn Văn
Ký, bà Lê Thị Trừ đã sáng lập và tài
trợ Quỹ “Học bổng Nguyễn Văn Ký”. Quỹ được thành lập theo Quyết
định số 272/QĐ-MT ngày 06 tháng 11 năm 2012 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt
Nam tỉnh Đồng Nai, với mục đích trao tặng học bổng giúp đỡ các em học sinh, sinh viên các hộ nghèo, ở vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh có điều kiện đến trường. Nguồn kinh phí do gia đình bà
Lê Thị Trừ tài trợ (bước đầu để thành lập Quỹ là 01 tỷ đồng và hằng
năm gia đình bổ sung 400 triệu đồng để phát triển Quỹ).
Quỹ học bổng không chỉ mang ý nghĩa hỗ trợ
một phần kinh phí cho các em sinh viên, học sinh trong học tập, sinh
hoạt mà còn thể hiện tình cảm, niềm tin của các bậc lão thành
cách mạng, thế hệ ông cha đi trước vào thế hệ trẻ, là tương lai của
đất nước. Qua 05 năm thành lập và triển khai thực hiện, Quỹ đã tặng 1.191 suất
học bổng, có tổng trị giá
3.066.000.000 đồng với 07 đợt trao tặng, tạo điều kiện giúp các sinh
viên, học sinh vượt khó, tiếp tục phấn đấu học tập, tốt nghiệp và có việc làm ổn định. Quỹ “Học
bổng Nguyễn Văn Ký” thực sự là động lực tiếp sức cho sinh viên, học sinh vượt
khó đến với môi trường học tập, rèn luyện để trở thành công dân hữu ích, tạo
nguồn nhân lực góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Đồng chí Huỳnh Văn Tới trao học bổng cho các em học sinh, sinh viên
Nghĩa cử của bà Lê Thị Trừ rất đáng
trân trọng và hiếm thấy, bà đã dành số tiền tiết kiệm cả đời mình cùng với sự
ủng hộ của gia đình để dốc lòng, dốc sức chăm lo cho thế hệ trẻ, gieo mầm
xanh hy vọng cho con cháu đời sau. Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai tưởng niệm
và tri ân bà Lê Thị Trừ - một người con của đất Đồng Nai, một tấm gương sáng của
người cộng sản về lòng yêu nước, tinh thần hy sinh, sự cống hiến, trách nhiệm, nghĩa tình với nhân dân và tâm huyết với thế hệ trẻ.
Nhật
Quang