Trong lịch sử
dân tộc, truyền thống trọng lão có rất nhiều sự kiện, nhưng điển hình nhất đó là
cuộc tụ hội các cụ phụ lão tại Điện Diên Hồng do Thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông
cùng Vua Trần Nhân Tông tổ chức năm 1284 để hỏi ý kiến các cụ nên đánh hay nên
hoà khi quân Nguyên sang xâm lược nước ta lần 2. Quyết tâm chiến đấu của các cụ
giúp cho triều đình nhà Trần vững tâm lãnh đạo, tổ chức nhân dân kháng chiến chống
quân xâm lược giành thắng lợi.
Truyền thống
"Kính lão trọng thọ", được Bác Hồ, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm xây
dựng và ngày càng phát triển
Sau 30 năm bôn
ba tìm đường cứu nước, tháng 02 năm 1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã trở về nước
để trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam; tháng 6 năm 1941, Người viết thư gửi
tất cả các bậc phụ lão trong cả nước: “Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng
ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão
gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu. Nước
suy sụp phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách
nhiệm rất nặng nề …Nước nhà lo, các cụ cùng phải lo. Nước nhà vui, các cụ đều
cùng được vui ”
Bác
Hồ thăm hỏi người cao tuổi (hình tư liệu tại Trang tin Ban quản lý lăng Chủ
tịch Hồ Chí Minh)
Trong thư gửi các vị phụ lão ngày 21-9-1945
(sau 19 ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam
dân chủ cộng hoà), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đây tôi lấy danh nghĩa là một
người già mà nói chuyện với các cụ. Tục ngữ có câu: “Lão lai tài tận",
nghĩa là tuổi già thì tài hết, không làm được gì nữa. Mà thường các cụ phụ lão
ta cũng tin như vậy. Gặp việc gì các cụ đều nói: “Lão giả an chi” (người già
nên ở yên). Thôi mình tuổi hạc ngày càng cao, không bay nhảy gì được nữa. Việc
đời để cho con cháu bày trẻ làm. Chúng ta gần đất xa trời rồi, không cần hoạt
động nữa. Tôi không tán thành ý kiến đó. Xưa nay những người yêu nước không vì
tuổi già mà ngồi không. Nước ta có những người như Lý Thường Kiệt, càng già
càng quắc thước, càng già càng anh hùng”.
Người lại
nói: “Chúng ta là bậc phụ lão, cần phải tinh thành đoàn kết trước để làm
gương cho con cháu ta. Vậy tôi mong các vị phụ lão ở Hà thành ra xung phong tổ
chức “Phụ lão cứu quốc Hội” để cho các
phụ lão cả nước bắt chước và để hùn sức
giữ gìn
nền độc lập của nước nhà”.
Như vậy, ngay
những ngày đầu về nước chỉ đạo trực tiếp cách mạng Việt Nam, lúc mới thành lập
nước, cách mạng còn đang trong trứng nước, thù trong giặc ngoài đe doạ, Bác Hồ
đã đánh giá cao tiềm năng và vai trò của người cao tuổi, đồng thời để khai thác
tiềm năng phát huy vai trò người cao tuổi thì việc đầu tiên là phải đưa người
cao tuổi vào sinh hoạt trong một tổ chức nhất định, lúc đó là “Phụ lão cứu
quốc Hội”.
Sau khi nhận
được thông báo của Liên Hợp Quốc, ngày 1-10-1991, Chủ tịch Hội đồng Nhà
nước (nay là Chủ tịch nước) Võ Chí Công đã ra lời kêu gọi đồng bào cả nước
nhiệt liệt hưởng ứng quyết định của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và khẳng định“Chăm
sóc người cao tuổi là một chính sách rất quan trọng của Đảng, Nhà nước ta”.
Ngày
17-9-1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ra
Chỉ thị số 332 về việc tổ chức Ngày Quốc tế người cao tuổi, đã chỉ ra những
việc các ngành, các cấp, các cơ quan đoàn thể phải làm trong dịp Ngày Quốc tế người
cao tuổi 1-10 hàng năm, trong đó đã xác định “Ngày Quốc tế người cao tuổi cần được tổ chức tốt,
có sự chỉ đạo của các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, dưới sự chỉ đạo
của các cấp ủy Đảng”.
Ngày nay,
Đảng, Nhà nước coi người cao tuổi là lớp người có công sinh thành, nuôi dạy con
cháu, là lớp người đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý về nhiều mặt, có uy
tín, có vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội, "thật sự là một bộ phận hợp thành nguồn lực nội sinh quý giá của cả dân
tộc".
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung
ương Đảng khóa IX (11/2002) đã chỉ rõ: “Xây
dựng chính sách chăm sóc sức khoẻ, quan tâm hơn đến người cao tuổi về y tế, văn hoá, nhu cầu thông tin, phát huy khả
năng tham gia đời sống chính trị của đất nước và hoạt động Hội, nêu gương tốt,
giáo dục lý tưởng và truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Thực hiện tốt chính
sách đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công với nước, xây dựng chương trình
hành động quốc gia về người cao tuổi,
phát huy vai trò Hội Người cao tuổi
Việt Nam”.
Báo cáo chính trị tại Đại hội X của Đảng (4/2006)
đã xác định 2 nội dung chăm sóc và phát huy người cao tuổi: “Đối với người cao tuổi, chăm sóc sức khoẻ, tạo điều kiện để hưởng thụ văn hoá, được thông tin,
sống vui, sống khoẻ, sống hạnh phúc; phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao
động chiến đấu của người cao tuổi
trong xã hội và gia đình, xây dựng gia đình ông, bà, cha, mẹ mẫu mực, con, cháu
hiếu thảo”.
Báo cáo Chính trị tại Đại hội XI của Đảng tiếp tục
xác định: "Quan tâm chăm sóc sức
khoẻ, tạo điều kiện để người
cao tuổi sống vui, sống khoẻ, sống hạnh phúc; phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống
trong xã hội và gia đình".
Về vị trí, vai trò và chính sách đối với
người cao tuổi, khoản 3, Điều 37 Hiến pháp 2013 nêu rõ: "Người
cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai
trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" và khoản 2, điều
59 quy định: " Nhà nước tạo bình
đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an
sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người
nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác".
Hội Người cao
tuổi Việt Nam
do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, Nhà nước quản lý, hoạt động theo Điều lệ
phù hợp với Hiến pháp và pháp luật, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam. Luật Người cao tuổi Việt Nam đã xác định
rõ Hội Người
cao tuổi Việt Nam có nhiệm vụ làm
nòng cốt trong phong trào "Toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai
trò người cao tuổi".
Phan Văn Thạo – UBMTTQVN
huyện Cẩm Mỹ