Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề này, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn - bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Đồng Nai Phạm Gia Hải cho biết thông tin về vụ Khaisilk lừa dối người tiêu dùng khiến dư luận không khỏi bất bình.
Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn - bảo vệ người tiêu dùng
tỉnh Đồng Nai Phạm Gia Hải
Từ vụ Khaisilk, ông đánh giá thế nào về tình hình gian lận thương mại nói chung trên cả nước và ở Đồng Nai nói riêng?
- Vụ Khaisilk sai phạm như thế nào hiện cơ quan điều tra đã vào cuộc để làm rõ mức độ làm ăn gian dối ở cửa hàng này. Nhưng rõ ràng, trong vụ việc trên người tiêu dùng đã bị lừa dối. Nói chung, tình trạng gian lận thương mại trên cả nước lâu nay rất phức tạp.
Ở Đồng Nai, với vị trí địa lý và giao thông thuận lợi nên hàng hóa được sản xuất cũng như lưu hành trên địa bàn hết sức sôi động. Tuy nhiên, cũng giống các địa phương khác, tình trạng gian lận thương mại và xâm hại sở hữu trí tuệ ở Đồng Nai cũng diễn ra khá phổ biến với mức độ ngày càng tinh vi. Thời gian qua, các lực lượng chức năng, như: quản lý thị trường, công an kinh tế đã phát hiện và xử lý khá nhiều vụ việc liên quan đến sản xuất, vận chuyển, mua bán hàng hóa có những dấu hiệu sai phạm; tình trạng làm hàng giả, hàng nhái các loại, đặc biệt là thuốc chữa bệnh, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, trái cây và nhiều loại hàng hóa khác... Song, dù lực lượng chức năng rất nỗ lực nhưng vẫn có những vụ chưa được phát hiện và xử lý kịp thời.
Ông có nghĩ rằng, gian lận thương mại sẽ làm trì trệ đến những nỗ lực phát triển kinh tế nói chung, doanh nghiệp nói riêng?
- Gian lận thương mại trước tiên ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. Chẳng hạn khi sử dụng hàng kém chất lượng, hoặc không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì chắc chắn sẽ liên quan, thậm chí gây thiệt hại đến vật chất, sức khỏe người dùng. Điều này làm giảm sút lòng tin của người dân đối với hàng trong nước mà chúng ta đang khuyến khích “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Mặt khác, gian lận thương mại và xâm hại sở hữu trí tuệ còn ảnh hưởng rất lớn đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Bởi hành vi làm hàng giả, hàng nhái sẽ làm mất đi môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh; đồng thời tạo thị trường cạnh tranh không công bằng, minh bạch mà bất cứ xã hội nào muốn phát triển bền vững cũng cần phải bảo vệ lẽ phải trên cơ sở pháp luật. Để đối phó với tình trạng gian lận thương mại, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc giữ vững thương hiệu trên thương trường.
Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh kiểm tra nhãn mác hàng hóa đối với sản phẩm bánh trong dịp Trung thu vừa qua. (ảnh minh họa do Hội Tiêu chuẩn - bảo vệ người tiêu dùng cung cấp).
Lâu nay, người tiêu dùng mua phải những sản phẩm kém chất lượng, khi phát hiện lại khó đòi lại được quyền lợi. Vậy vai trò của Hội Tiêu chuẩn - bảo vệ người tiêu dùng trong những trường hợp này như thế nào ?
- Hội Tiêu chuẩn - bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Đồng Nai được thành lập với sự phối hợp của những cơ quan chức năng nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng. Hội ngày càng có tiếng nói mạnh mẽ, tác động tích cực trong các vụ việc khi phát hiện có dấu hiệu sai phạm về kinh doanh hàng hóa. Thời gian qua, nhiều trường hợp mua phải sản phẩm kém chất lượng, khi phát hiện ra đã đến yêu cầu Hội can thiệp và được giải quyết. Trên thực tế, lâu nay vẫn còn tình trạng khi quyền lợi bị xâm phạm nhưng người tiêu dùng thường cam chịu, hoặc nhắm mắt cho qua bởi tâm lý ngại va chạm. Hiện nay Hội mới chỉ có văn phòng ở TP.Biên Hòa. Còn tại các huyện, TX.Long Khánh chúng tôi đang xúc tiến thành lập Tổ bảo vệ người tiêu dùng. Qua đó, các trường hợp khi mua hàng bị “qua mặt” có thể tìm đến địa chỉ này để được hướng dẫn, giải quyết.
Xin cảm ơn ông!
(Theo báo Đồng Nai)