ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Xuất khẩu: Doanh nghiệp Việt vẫn mờ nhạt
Đăng ngày: 21-08-2017 07:51
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Mặc dù có những con số khá khả quan, song xuất khẩu hàng hóa trong 6 tháng đầu năm vẫn chủ yếu dựa vào khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong tất cả các ngành hàng, kể cả nhóm hàng xuất khẩu đứng trong “top tỷ đô” chủ yếu thấy sự hiện diện của DN FDI, bóng dáng của DN trong nước rất mờ nhạt.


xuat khẩu mờ nhạt.jpg

Chưa thấy rõ vai trò của doanh nghiệp Việt trong xuất khẩu hàng hóa.

Dấu ấn đậm nét DN FDI

Thông tin mới nhất vừa được Tổng cục Hải quan công bố về hoạt động xuất khẩu của DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho thấy, khu vực DN này tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong việc xuất khẩu hầu hết các ngành hàng. Theo đó, hết tháng 5/2017, tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu của DN FDI đạt 56,656 tỷ USD, chiếm gần 71% tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu cả nước trong cùng thời điểm. Đặc biệt, trong khi mức tăng chung của xuất khẩu cả nước đạt 18,4% thì tốc độ tăng của DN FDI là 20%.

Đáng chú ý, DN FDI có mặt ở hầu khắp các lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của nước ta và gần như chiếm tỉ trọng tuyệt đối ở những ngành hàng công nghệ cao như điện thoại, máy tính… Cụ thể, ở mặt hàng điện thoại và linh kiện, hết tháng 5, cả nước đạt kim ngạch xuất khẩu 16,28 tỷ USD, thì giới DN FDI đóng góp tới 16,22 tỷ USD, tương đương tỉ trọng 99,6%. Một nhóm hàng quan trọng khác là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giới DN FDI cũng chiếm tỉ trọng đến 97% trong tổng trị giá kim ngạch 9,383 tỷ USD của ngành hàng này. Bên cạnh đó, trong 18 nhóm hàng xuất khẩu đạt trị giá từ 1 tỷ USD trở lên, tính hết tháng 5, các DN nước ngoài góp mặt ở 11 nhóm hàng. Các nhóm hàng mà DN FDI còn “bỏ ngỏ” chủ yếu liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp như thủy sản, cà phê, hạt điều, gạo, rau quả…

Những diễn biến nói trên cho thấy, các DN FDI vẫn luôn giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, trong mỗi ngành hàng xuất khẩu, dấu ấn của khối DN này vẫn đậm nét hơn cả. Ngược lại, DN trong nước tiếp tục  bộc lộ những yếu kém, bất cập, bằng chứng là bóng dáng của DN Việt rất mờ nhạt ở hầu hết các lĩnh vực xuất khẩu. Điều này cũng được chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu ra rất thẳng thắn: “Khu vực FDI xuất khẩu có mức giá trị gia tăng cao hơn nhiều so với khu vực DN trong nước (giá trị gia tăng của khu vực DN trong nước chỉ 12,7% ). Điều này cũng có nghĩa, đa số sản phẩm xuất khẩu của DN nội là hàng gia công và nguyên liệu thô chứ không có chế biến”.

Kỳ vọng kết nối

Xuất khẩu nếu tiếp tục phụ thuộc vào khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài chắc chắn không thể bền vững. Nguyên nhân sâu xa của thực tế này nằm chính ở sự yếu kém của ngành cơ khí chế tạo trong nước dẫn đến Việt Nam đang phải bỏ ra hàng chục tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu máy móc thiết bị. Trong khi đó, dù thu hút được một số lượng không nhỏ DN FDI vào đầu tư trong nước nhưng giá trị lan tỏa của khu vực này về quản trị, về công nghệ hiện đại, tiên tiến vào khu vực DN trong nước lại chưa cao, nếu không muốn nói là thiếu hiệu quả. 

Bản thân Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) – ông Trần Thanh Hải cũng thừa nhận, mặc dù hiện nay, về mặt gia tăng quy mô xuất khẩu, các DN Việt Nam đang làm tốt. Song cần nhớ rằng, nếu chỉ dựa vào quy mô thì không thể bền vững, chúng ta cần phải đi sâu vào giá trị xuất khẩu hơn. “Tôi lấy ví dụ trong những ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn từ điện thoại đến dệt may, da, giày, đồ gỗ… khối lượng mà chúng ta phải nhập khẩu nguyên liệu vẫn rất lớn và tỷ trọng gia tăng giá trị xuất khẩu vẫn chưa được coi là cao” – ông Hải nhận định. Do đó, phải thúc đẩy nâng cao nội lực bằng cách phải đổi mới khoa học công nghệ, đổi mới về phương pháp quản trị. Điều này là một phần rất quan trọng vì nhờ sự lan tỏa của khu vực DN FDI vào khu vực DN trong nước.

Giới chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, làm sao để sự kết nối, lan tỏa giữa hai khu vực DN trong nước và DN ngoài nước có hiệu quả rõ rệt hơn, từ đó năng lực xuất khẩu của các DN trong nước mới gia tăng, tạo dấu ấn lớn. Và tất nhiên, vấn đề quan trọng ở đây là Nhà nước cần tạo lực đẩy đồng bộ, làm cho khu vực DN trong nước mạnh lên để kết nối được với DN FDI.

“Đặc biệt, tự bản thân các DN nội phải đổi mới, tìm hướng đi, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh để đáp ứng những yêu cầu khắt khe của các đối tác nước ngoài cũng như đáp ứng những yêu cầu trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay. Nếu khai thác tốt, FDI sẽ trở thành một trong những trụ cột, nền tảng để các DN Việt Nam nương theo, bám vào, phát triển tốt hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu” – chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh.   

 (Theo Báo Đại Đoàn kết)

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu