Bỏ
quên nhiều sản phẩm
Nhắc
đến Nhật Bản hầu hết mọi người nghĩ đến các dòng sản phẩm điện tử chất lượng
cao, món sushi; Thụy Sỹ gắn liền với đồng hồ, chocolate và ngành tài chính ngân
hàng; Pháp với pho mát, rượu vang và nước hoa; Na Uy với cá hồi... Trong khu
vực, Thái Lan trở thành quốc gia du lịch giàu tiềm năng; Hàn Quốc với điện tử,
giải phẫu thẩm mỹ, công nghiệp giải trí K - Pop…Còn ở Việt Nam, nhiều sản phẩm
được doanh nghiệp (DN) xây dựng thương hiệu rất tốt. Đơn cử, hàng may mặc có
Việt Tiến, An Phước; ba lô, giỏ xách Minh Tiến; gốm sứ Minh Long; gia vị có
nước mắm Phú Quốc; phở 24; kẹo dừa Bến Tre… Theo nhận định của các chuyên gia
kinh tế, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thương hiệu như:
Thị trường lớn, dân số trẻ. Bên cạnh đó, yếu tố đổi mới quản lý và phát triển
công nghệ hiện đại đang tạo điều kiện tốt để DN xây dựng thương hiệu cho sản
phẩm.
Mặc
dù đánh giá khá cao điều kiện thuận lợi để xây dựng thương hiệu Việt, song
không ít ý kiến quan ngại về tình trạng DN chậm chạp xây dựng và phát triển thương
hiệu. Kết quả là, còn không ít sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam phải
thông qua các thương hiệu nước ngoài với sản phẩm đã được Nhà nước bảo hộ, tên
gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý nhưng vẫn chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có
logo, nhãn mác; dẫn đến bất lợi lớn trong cạnh tranh. Chưa hết, nhiều sản phẩm
nước ngoài được sản xuất tương tự sản phẩm Việt hoặc gắn nhãn mác những sản
phẩm nổi tiếng Việt Nam rồi “trình làng” trên thị trường. Đơn cử, nước dừa Châu
Đốc của Thái Lan được đông đảo khách hàng lựa chọn tại chợ Việt lớn nhất ở
Chicago (Mỹ). Tương tự, phở Việt Nam đang là một trong những sản phẩm ăn liền
bán chạy nhất của nhà máy CPF tại Thái Lan. Hiện sản phẩm này bán rất chạy ở
thị trường châu Mỹ.
Xây
dựng thương hiệu của sản phẩm là chất xúc tác tốt cho việc xúc tiến thương mại,
phát triển thị trường trong và ngoài nước, tối ưu hóa lợi nhuận,… Thế nhưng
việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm không đơn giản. Bà Nguyễn Hồng Lý - Phó
Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, Việt Nam có nhiều mặt hàng
nông sản có giá trị xuất khẩu đứng top đầu thế giới trong thời gian qua. Thế
nhưng, việc xây dựng thương hiệu lại có nhiều bất cập.
Lơ
là bảo vệ thương hiệu
Thực
tế cho thấy, xây dựng thương hiệu không phải là việc dễ làm. Đối với DN nhỏ và
vừa, việc xây dựng thương hiệu khó khăn hơn do kinh doanh yếu, năng lực tài
chính có hạn. Ngoài ra, điều kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các DN nhỏ
trên thị trường chưa được chú trọng. Thậm chí, nhiều DN xây dựng thành công
thương hiệu sản phẩm rồi nhưng lại thờ ơ bảo vệ và phát triển. Điển hình với
mặt hàng nông – lâm – thủy sản. Theo kết quả điều tra của các cơ quan chức
năng, trên toàn quốc có hơn 800 sản phẩm nông – lâm – thủy sản có uy tín, tuy
nhiên, hiện chỉ có 50 chỉ dẫn địa lý và 140 nhãn hiệu chứng nhận nhãn hiệu tập
thể được đăng ký xác lập bảo hộ quyền sở hữu, một số ít đăng ký bảo hộ ở
nước ngoài.
Nổi
tiếng xuất khẩu ngạch cà phê, tiêu với kim ngạch 250 - 300 triệu USD/năm, song
Công ty cổ phần Phúc Sinh phải chạy đôn, chạy đáo đấu tranh đòi vì bị đơn vị
khác ăn cắp thương hiệu. Ông Phan Minh Thông – Tổng Giám đốc công ty này cho
hay, công ty khi thành lập cũng đã đăng ký thương hiệu, thế nhưng vẫn có công
ty khác cũng có tên và ngành nghề đăng ký giống công ty Phúc Sinh. Ông Thông đã
làm việc và yêu cầu công ty trùng tên chấm dứt ngay việc gây nhầm lẫn nhưng
không được chấp nhận. Đơn vị này phải làm công văn gửi tới tất cả các đối tác
thông báo rõ tình hình. Ông Thông nhận định: “Ở Việt Nam rất khó để làm thuơng
hiệu. Làm được đã khó, giữ được thương hiệu lại càng khó khăn hơn. Ý thức được
việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu là vô cùng quan trọng, cho nên khi có sản
phẩm mới ra đời là chúng tôi đăng ký ngay lập tức”.
Các
chuyên gia kinh tế cho rằng, do hạn chế về nhân lực tài chính dẫn đến việc xây
dựng thương hiệu trong cộng đồng DN chưa đạt kết quả khả quan. Cũng vì khó khăn
về tài chính mà nhiều DN chấp nhận bán thương hiệu hoặc không duy trì được “đứa
con tinh thần”. Yêu cầu đặt ra hiện nay, muốn có thương hiệu phải có chất lượng
tốt, mẫu mã đẹp, chi phí thấp,… tạo điều kiện cho khách hàng tiêu thụ sản phẩm.
Bàn về điều kiện xây dựng và phát triển thương hiệu, ông Nguyễn Quốc Khanh –
Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM khẳng định, Nhà nước, các cơ quan ban
ngành cần khuyến khích, giúp DN gỗ nói riêng, các ngành khác nói chung để xây
dựng thương hiệu theo các chương trình của Bộ Công thương.
(Nguồn Báo Đại
Đoàn kết)