ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Tham gia sân chơi toàn cầu: Doanh nghiệp Việt vẫn gặp khó
Đăng ngày: 23-10-2018 11:03
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Mặc dù có nhiều nỗ lực, cố gắng, song thực tế, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn đang gặp rất nhiều rào cản khi muốn bước chân vào chuỗi cung ứng của các DN nước ngoài. Có nhiều nguyên nhân đã được giới chuyên gia chỉ ra, một trong số đó là nội lực của chính DN.

Tham gia sân chơi toàn cầu: Doanh nghiệp Việt vẫn gặp khó

Doanh nghiệp Việt vẫn rất khó khăn khi tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN FDI.
Tỷ lệ tham gia thấp
Thời gian qua, cộng đồng DN trong nước đã đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ sản xuất, mở rộng nhà xưởng, nâng cao chất lượng máy móc thiết bị cũng như nguồn nhân lực. Song, theo nhận định của giới chuyên gia, DN của Việt Nam vẫn chưa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng nguyên vật liệu cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Dường như các DN Việt Nam vẫn đang nằm ngoài cuộc chơi của các DN FDI.
Một số liệu khảo sát cho thấy, tỷ lệ cung ứng nội địa ở Việt Nam hiện mới  chỉ “nhích” được đến con số 33,2%, tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan… Đáng chú ý, tỷ trọng của DN Việt Nam đóng góp vào con số 33,2% nói trên lại chỉ đạt 13%, trong khi Trung Quốc là 40%, Thái Lan gần 24%... Rõ ràng đây là những con số “biết nói” minh chứng về sự ì ạch của các DN Việt Nam trong mục tiêu gia tăng tỷ lệ cung ứng cho các Tập đoàn đa quốc gia cũng như mong muốn đặt chân vào chuỗi giá trị của toàn cầu của các DN này.
Lý giải về thực tế trên, một chuyên gia nước ngoài cho hay, đó là bởi những thứ mà các DN Việt đang sở hữu; từ công nghệ, năng lực quản trị, cho đến toàn bộ chuỗi hoạt động sản xuất kinh doanh đều chưa phù hợp với “sân chơi” toàn cầu.
“Các nhà cung ứng của Việt Nam thiếu hụt kiến thức về tiêu chuẩn quốc tế, do đó, khi tham gia sân chơi này, thực sự là một khó khăn đối với họ” - ông Mike Dickinson, Cố vấn cấp cao của Chương trình thí điểm phát triển nhà cung cấp (SDP) của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) nêu quan điểm. Mặc dù chỉ ra rằng DN Việt đã có sự đầu tư vào máy móc, thiết bị sản xuất, mở rộng quy mô để đáp ứng nhu cầu hội nhập hiện nay, song vị chuyên gia cho rằng việc thiếu hụt hẳn kiến thức về các quy chuẩn quốc tế cũng là một rào cản lớn.
Nhiều rào cản
Ông Lê Dương Quang - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng, các DN FDI thường có yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa, dịch vụ cung cấp và tiến độ giao hàng, trong khi nhiều DN Việt Nam chưa đáp ứng được. Về bản chất, theo ông Quang, khó khăn này thuộc loại chủ quan.
“Ở đây tồn tại một mâu thuẫn thuộc loại “con gà, quả trứng”, khi DN FDI muốn đặt hàng, họ sẽ yêu cầu DN Việt Nam phải chứng minh được năng lực của mình, phải có công nghệ hiện đại có hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, thậm chí phải có các chứng chỉ về quản lý môi trường, về trách nhiệm xã hội… Trong khi đó, DN Việt Nam hầu hết là DN nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ lại muốn có đơn hàng chắc chắn, có đầu ra được đảm bảo thì mới dám vay vốn, mới dám đầu tư rộng nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị hiện đại, tuyển dụng nhân lực trình độ cao…Như vậy, rõ ràng đây là mâu thuẫn khiến cho các DN Việt khó có thể tham gia chuỗi cung ứng như kỳ vọng” – ông Quang cho hay.  
Theo vị chuyên gia, khi đối mặt với chuỗi cung ứng, DN Việt Nam còn phải đối diện với một khó khăn nữa đó là một số ngành sản xuất có sự thay đổi thường xuyên, liên tục về mẫu mã sản phẩm. Điều này buộc DN Việt Nam nếu muốn tham gia chuỗi cung ứng phải có sự tính toán, cân nhắc rất kỹ và phải có năng lực quản trị thật tốt mới đáp ứng được yêu cầu.
Còn một yếu tố mà theo ông Quang là không thể không nhắc đến, đó là quá trình cải cách hành chính nói chung ở Việt Nam, trước hết là cải cách thủ tục hành chính vẫn chưa đạt được những kết quả mang tính đột phá, vì thế vẫn còn là rào cản cho hoạt động của DN nói chung và tiến trình tham gia, mở rộng chuỗi cung ứng cho khu vực FDI nói riêng.
“Các DN công nghiệp hỗ trợ khi có nhu cầu xây cất hoặc mở rộng nhà xưởng, kho bãi, vay vốn, làm thủ tục nhập khẩu vật tư, thiết bị… vẫn gặp nhiều khó khăn. Có đến 60% số DN nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn trong việc vay vốn” – ông Quang nhấn mạnh. 
(Nguồn: Báo Đại đoàn kết)  


In nội dung
Nơm nớp hàng giả (29/06/2018)
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu