Đồng Nai xác định kinh tế tư
nhân có vai trò chủ đạo trong việc phát triển nền kinh tế, tạo dựng giá trị
thương hiệu Việt. Theo kế hoạch, đến năm 2020, Đồng Nai sẽ có 32.000 doanh
nghiệp, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự chuyển đổi của nền kinh tế theo hướng
hiện đại.
Chủ động tìm cơ hội phát
triển
Năm 2015, anh Nguyễn Đức Tuấn
Hải, Giám đốc Công ty TNHH Chiếc Lá Xanh (KCN Hố Nai, huyện Trảng Bom) thành
lập doanh nghiệp riêng với sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Chỉ sau
hơn 3 năm đi vào hoạt động, doanh nghiệp của anh Hải đã xuất khẩu sản phẩm sang
những thị trường khó tính nhất như: Mỹ, châu Âu, các nước Trung Đông… Từ một
xưởng sản xuất nhỏ, với sự năng động, nhạy bén của người giám đốc trẻ, doanh
thu từ hàng xuất khẩu của Công ty Chiếc Lá Xanh mỗi năm đạt hơn 1 triệu USD.
Theo anh Hải, một doanh nghiệp nhỏ muốn thành công, người chủ doanh nghiệp
ngoài những kiến thức, kỹ năng quản trị tốt thì cần phải hết sức nhạy bén với
thị trường. “Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam rất phong phú nhưng giá trị
gia tăng còn thấp. Ngay từ khi hình thành, chúng tôi xác định phải nâng tiêu
chuẩn hàng xuất khẩu của mình ngang tầm quốc tế. Giải pháp của chúng tôi là hợp
tác với các đối tác ở Mỹ nhằm chủ động tìm kiếm thị trường, thiết kế sản phẩm
và thay đổi mẫu mã theo nhu cầu của mỗi quốc gia nhập hàng. Nhờ kiên trì đi
theo những tiêu chuẩn khắt khe nên hàng của Chiếc Lá Xanh vào được các thị
trường khó tính”, anh Nguyễn Đức Tuấn Hải chia sẻ.
Doanh
nghiệp Việt được Đồng Nai xác định là động lực phát triển chính trong tương
lai. Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty may Đồng Nai
Khác với anh Hải, anh Lê Bạch
Long, Giám đốc Công ty Nam Long (huyện Long Thành) tiếp quản xưởng sản xuất các
sản phẩm cao su nhỏ của gia đình và phát triển thành doanh nghiệp chuyên sản
xuất găng tay cao su hiện có doanh thu hằng năm trên 200 tỷ đồng. Anh Long cho
hay, “bí quyết” của doanh nghiệp là luôn “đứng” trên 2 chân: xuất khẩu và thị
trường trong nước. Tuy nhiên, đột phá của Nam Long là chinh phục người tiêu
dùng trong nước. “Tôi thường xuyên đưa sản phẩm găng tay cao su Nam Long đi
tham gia các hội chợ để người tiêu dùng nhận diện thương hiệu. Từ đó nâng chất
lượng đạt được tiêu chí Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình
chọn. Các đối tác quốc tế có nhu cầu cũng vì vậy mà biết đến sản phẩm Nam Long
nhiều hơn. Nhờ đó, hiện chúng tôi đã xuất khẩu được sang các thị trường như Hàn
Quốc, Nhật Bản...”.
Trong khi đó, ở Tổng công ty
may Đồng Nai (Donagamex), doanh nghiệp chủ lực ngành may mặc xuất khẩu của
tỉnh, để giải quyết khó khăn về nguồn lao động ngày càng khan hiếm, Donagamex
không ngừng cải tiến công nghệ sản xuất. Cũng nhờ vậy, dù số lượng lao động
giảm hằng năm 10% song năng suất và sản lượng vẫn tăng. “Chúng tôi xem việc cải
tiến công nghệ sản xuất là cơ hội vượt qua khó khăn. Đến nay, việc đầu tư tự
động hóa dây chuyền sản xuất cho phép giảm số công nhân vận hành, đồng thời
chất lượng sản phẩm và năng suất ngày càng cao hơn. Năm 2018 này, Donagamex dự
kiến đạt doanh thu khoảng 1.100 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2017 và hiện đã
chủ động được đơn hàng đến hết quý I-2019”, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc
Donagamex Bùi Thế Kích phấn khởi cho biết.
Doanh nghiệp Việt phải đóng
vai trò trụ cột
Đội ngũ doanh nhân, doanh
nghiệp đã và đang có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của
tỉnh. Bên cạnh đó, thông qua các hiệp hội, hội ngành nghề, nhiều kiến nghị, đề
xuất tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của giới doanh nhân
Đồng Nai đã được lãnh đạo tỉnh và các cấp ghi nhận, từng bước giải quyết.
Nhằm đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, tháng 8-2016, UBND tỉnh đã cùng
Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam (VCCI) ký kết quy chế phối hợp về việc
tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Theo đó, xem
doanh nghiệp tư nhân là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền
kinh tế, thực hiện chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ doanh
nghiệp vượt qua khó khăn.
UBND tỉnh cũng đã ban hành kế
hoạch về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm
2020, xây dựng kế hoạch phát động phong trào khởi nghiệp nhằm kích thích nguồn
lực tài chính, ý tưởng trong cộng đồng, phát triển doanh nghiệp đạt mục tiêu đề
ra.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh
Trần Văn Vĩnh, Đồng Nai hiện có trên 20.000 doanh nghiệp nhưng về quy mô hầu
hết vẫn còn nhỏ, năng lực quản trị chưa cao. Trong khi đó, các cơ chế, chính
sách pháp luật thu hút đầu tư, nhất là mức độ ưu đãi đối với khối doanh nghiệp
tư nhân vẫn còn rất hạn chế so với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước
ngoài (FDI).
Lãnh đạo UBND tỉnh cho rằng
trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và mang tính toàn cầu, lực lượng
doanh nghiệp Việt, doanh nghiệp nội phải là động lực của sự phát triển; doanh
nghiệp cần chủ động đẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ; phát triển nguồn
nhân lực; nâng cao khả năng quản trị và có tầm nhìn chiến lược. “Tỉnh cam kết tạo
điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp phát triển và sẵn sàng lắng nghe những chia
sẻ của doanh nghiệp. Ở chiều ngược lại, chúng tôi cũng mong muốn cộng đồng
doanh nghiệp, các hiệp hội, hội ngành nghề chủ động tham mưu để tỉnh giải quyết
những vấn đề khó khăn. Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ,
chính quyền và doanh nghiệp không năng động thì rất khó phát triển và sẽ dẫn
đến tụt hậu”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh chia sẻ cùng cộng đồng doanh
nghiệp tại Đại hội lần thứ V Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai ngày 5-10 vừa
qua.
(Nguồn: Báo Lao động Đồng Nai)