|
Rau, quả của Đồng Nai đang chiếm tỉ trọng áp đảo tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (huyện Thống Nhất). |
Qua thực tế khảo sát của phóng viên Báo Đồng Nai cho thấy, số lượng nông sản Trung Quốc về chợ đầu mối Dầu Giây là có, song chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
* Rất ít vựa bán hàng nhập
Ông Trương Minh Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Thống Nhất - đơn vị đầu tư và quản lý chợ đầu mối Dầu Giây, cho biết: “Thời gian qua có hàng chục chương trình kết nối nhằm đưa nông sản của Đồng Nai vào chợ đầu mối. Theo đó, nông sản của Đồng Nai đang chiếm tỷ lệ áp đảo từ 50-55% tổng sản lượng, còn lại là nông sản từ các tỉnh, thành khác; hàng nhập khẩu chỉ chiếm từ 10-15%”.
Hơn 1 năm đi vào hoạt động, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây hiện có 150/260 ô vựa mở cửa hoạt động, trung bình tiêu thụ 250 tấn/ngày thường, 300 tấn/ngày cuối tuần, vào mùa cao điểm thu hoạch trái cây, lượng tiêu thụ có thể đạt khoảng 400 tấn/ngày. |
Qua khảo sát thực tế, hiện có 3 chủ vựa nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc về kinh doanh tại chợ đầu mối Dầu Giây với sản lượng trung bình từ 10-15 tấn/ngày đêm. Nông sản Trung Quốc chủ yếu là các mặt hàng như: bắp cải, súp lơ, cà rốt, hành tây, hành tím, tỏi...
Ông Nguyễn Văn Lâm, chủ vựa rau củ Lâm - Tươi nhập khẩu rau củ Trung Quốc lớn nhất tại chợ đầu mối Dầu Giây so sánh: “Mỗi ngày chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh) nhập năm ba chục container rau quả Trung Quốc. Tại chợ này, tôi chỉ nhập 1 container về bán nhưng 2-3 ngày mới hết. Khách mua lẻ tại chợ không nhiều, chủ yếu chúng tôi cung cấp cho các chợ huyện lân cận”.
Cũng theo ông Lâm, đây là hàng nhập khẩu chính ngạch, luôn minh bạch thông tin khi cung cấp ra thị trường. Thời điểm này, nhiều mặt hàng như: bắp cải, súp lơ... có giá cao hơn rau Đà Lạt. Riêng cà rốt do nhập hàng loại 2, loại 3 nên giá rẻ hơn cà rốt trong nước.
Ngoài rau củ, trong chợ đầu mối Dầu Giây cũng có 1 vựa kinh doanh trái cây nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc như: măng cụt, nho, lựu, táo, lê... Theo chủ vựa trái cây ở đây được lấy lại từ vựa ở chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức chứ không nhập hàng trực tiếp từ Trung Quốc vì nhu cầu tiêu thụ trái cây nhập ngoại tại chợ đầu mối Dầu Giây khá chậm. Trong đó, trái cây Thái Lan được ưa chuộng hơn hàng Trung Quốc.
Theo ông Hồ Đức Tân, đại diện Ban quản lý Chợ đầu mối Dầu Giây: “Nông sản Trung Quốc đưa về chợ luôn có chứng từ, nguồn gốc rõ ràng. Thông tin về sản phẩm cũng luôn minh bạch với khách mua chứ không có chuyện mập mờ về xuất xứ. Các đoàn kiểm tra của huyện, tỉnh cũng thường xuyên đến chợ lấy mẫu rau, quả xét nghiệm và cho đến nay chưa phát hiện vấn đề về chất lượng”.
* Ưu tiên nông sản địa phương
Hợp tác xã nông nghiệp Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) là một trong những đơn vị tiên phong cung cấp rau vào chợ đầu mối Dầu Giây và đang hoạt động rất tốt. Bà An Tú Anh, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Gia Tân 3 chia sẻ: “Lúc mới đưa hàng vào chợ, mỗi ngày hợp tác xã bán được 1 tấn rau đã không dễ dàng. Nhưng hiện nay lượng rau bán ra của chúng tôi đã tăng gấp 3 lần và ngày càng có nhiều khách hàng mới tìm đến. Một thuận lợi không nhỏ là chúng tôi chủ yếu bỏ mối cho khách sỉ với sản lượng ổn định”.
Ông Đào Văn Cương, chủ vựa trái cây Hoàng Phúc tại chợ đầu mối Dầu Giây cũng cho biết: “Chợ đầu mối hoạt động ngay tại địa phương, gần các vùng nông sản giúp thương lái tiết kiệm đáng kể chi phí vận chuyển. Mặt khác, chợ đầu mối chính là cầu nối mở ra cơ hội để các hợp tác xã, thương lái tìm được bạn hàng lớn tiêu thụ trái cây cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu”.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Kim Anh, chủ một vựa trái cây tại chợ đầu mối Dầu Giây chia sẻ: “Ngày mới về chợ, các ô vựa hoạt động rất thưa thớt thì nay bắt đầu sôi động. Trước đây, mỗi ngày tôi chỉ tiêu thụ được vài trăm ký trái cây các loại thì nay tăng lên gấp nhiều lần. So với giai đoạn đầu của những chợ đầu mối khác tại TP.Hồ Chí Minh, chợ này đã thu hút khá tốt cả người mua và người bán”.
(Nguồn Báo Đồng Nai)