Đội Quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai) kiểm tra một hộ kinh doanh trên địa bàn TP Plây Cu. Ảnh: Quang Tấn
Vẫn còn nhiều phức tạp
Ngay từ những ngày đầu năm,
các bộ, ngành, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch công tác đấu tranh
chống BL, GLTM, HG năm 2018 với các giải pháp phù hợp thực tiễn. Trong đó, tập
trung chỉ đạo các lực lượng chức năng như hải quan, thuế, quản lý thị trường,
công an, bộ đội biên phòng đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến,
địa bàn trọng điểm. Đồng thời, tăng cường các đoàn kiểm tra công khai, bí mật
để giám sát hoạt động thực thi pháp luật của các lực lượng chức năng. Nhờ đó,
đã chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các hoạt động buôn lậu,
vận chuyển trái phép hàng hóa ngay từ khu vực biên giới cũng như đề xuất xử lý
những hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm, bao che, tiếp tay cho BL, GLTM, HG.
Sáu tháng qua, các lực
lượng chức năng trên cả nước đã phát hiện và bắt giữ, xử lý hơn 88 nghìn vụ vi
phạm, giảm 2%; khởi tố hình sự 887 vụ, tăng 25%; 889 đối tượng, tăng 30% so
cùng kỳ; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 7.400 tỷ đồng. Trong đó, xử lý hơn
5.000 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, tăng 117% so cùng kỳ.
Theo Chánh Văn phòng Ban
Chỉ đạo quốc gia chống BL, GLTM, HG (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) Đàm Thanh Thế,
dù đạt được những kết quả bước đầu nhưng công tác chống BL, GLTM, HG vẫn diễn
ra hết sức phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, quy mô ngày càng lớn, làm
ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng
(NTD), chủ yếu diễn ra trên tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ với trọng điểm
là các khu vực đường mòn, lối mở, kênh, rạch, sông suối,… Cụ thể, ở biên giới
phía bắc như: Lạng Sơn, Quảng Ninh nổi lên hoạt động vận chuyển, buôn bán ma
túy, pháo nổ, quần áo, hoa quả, gia cầm..., nhất là xuất hiện tình trạng vận
chuyển, buôn bán tiền giả tại Cao Bằng.
Các tỉnh biên giới miền
trung như: Hà Tĩnh, Quảng Trị, tình trạng buôn lậu gỗ, ma túy, pháo nổ, rượu
ngoại, đường cát diễn ra rất phức tạp. Còn ở biên giới các tỉnh miền Tây Nam
Bộ, hoạt động vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá ngoại, đường cát vẫn đang
là vấn đề nhức nhối. Phương thức, thủ đoạn của đối tượng buôn lậu ngày càng
tinh vi hơn, manh động hơn. Chúng sẵn sàng chống trả các lực lượng chức năng
bằng vũ khí nóng hoặc tông xe vào lực lượng đang làm nhiệm vụ. Điển hình như
ngày 29-6 vừa qua, trong vụ bắt giữ vận chuyển 20 bánh hê-rô-in tại Nghệ An,
các đối tượng đã bắn trả làm hai chiến sĩ bộ đội biên phòng bị thương nặng.
Cần sự phối hợp chặt chẽ
Đáng lưu ý, số vụ vi phạm
về hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ có chiều hướng tăng mạnh (117%); số vụ bị
xử lý hình sự cũng tăng 25%. Do đó, nếu không tích cực và có những biện pháp
mạnh mẽ, quyết liệt hơn, thị trường sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tạo cơ hội
cho tội phạm BL, GLTM, HG lộng hành. Tổng cục trưởng Hải Quan (Bộ Tài chính) Nguyễn
Văn Cẩn cho biết, thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục chỉ đạo lực
lượng kiểm soát hải quan và các đơn vị chức năng bám sát diễn biến tình hình
tội phạm để nắm bắt, phân tích thông tin, kịp thời ngăn chặn, đấu tranh có hiệu
quả.
Trong đó, tập trung tiến
công vào các đường dây, ổ, nhóm để phòng ngừa, ngăn chặn, triệt phá các vụ buôn
lậu, vận chuyển hàng cấm qua biên giới. Đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý
hoặc chuyển cơ quan chức năng khởi tố những vụ việc buôn lậu, gian lận, trốn
thuế, nhất là buôn lậu hàng cấm, gian lận về hàng có giá trị, thuế suất lớn,…
Bên cạnh đó, sẽ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng khác trong tuần
tra, kiểm soát, điều tra, bắt giữ và xử lý nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời
hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa ngay tại các điểm nóng, khu vực
cửa khẩu.
Theo đánh giá của Phó Thủ
tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia,
một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm, chưa quyết liệt
trong đấu tranh chống BL, GLTM, HG; quy chế phối hợp chưa tốt. Còn một bộ phận
cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ yếu kém về năng lực, phẩm chất, có biểu
hiện bao che, “chống lưng” cho BL, GLTM, HG lộng hành. Bên cạnh đó, không ít
doanh nghiệp trong nước còn thờ ơ, không quan tâm đến vấn đề bảo vệ thương
hiệu, sản phẩm, thiếu quan tâm lợi ích, sức khỏe NTD cũng như chưa chủ động hợp
tác với cơ quan chức năng trong bảo vệ thương hiệu sản phẩm. Thực tế, trên thị
trường, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc với nhiều chủng
loại như: dược phẩm, thực phẩm chức năng, phân bón, thuốc lá, rượu bia,… vẫn
được bày bán công khai, thậm chí nhiều mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe
của người dân đã gây bức xúc trong dư luận.
Dự báo tình hình BL, GLTM,
HG từ nay đến cuối năm sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt trước Tết
Nguyên đán, vì vậy Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành liên
quan cần chủ động rà soát, tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chế tài xử
phạt đủ sức răn đe, nâng cao hiệu quả công tác. Các đơn vị, địa phương tiếp tục
tập trung điều tra, bóc gỡ đường dây, ổ nhóm buôn lậu có tổ chức, các đầu nậu
lớn có liên kết trong và ngoài biên giới, xác lập đối tượng, chuyên án cụ thể
để đấu tranh xử lý theo quy định của pháp luật. Kiên quyết không cho phép có
“vùng cấm” trong công tác chống BL, GLTM, HG và cần loại ra khỏi bộ máy những
cán bộ, công chức tha hóa, biến chất. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm lấy lại
niềm tin của cộng đồng DN và NTD, góp phần khôi phục môi trường kinh doanh lành
mạnh, hiệu quả.
(Nguồn Báo Nhân dân)