Ðáng lên án, vì lợi nhuận do các hành vi làm ăn gian dối mang lại, mà các tổ chức, cá nhân sẵn sàng thách thức các cơ quan quản lý nhà nước, coi rẻ sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng. Tại không ít địa phương tình trạng vi phạm về ATTP còn khá phổ biến; nhiều cơ sở vẫn sản xuất, kinh doanh thức ăn, đồ uống không bảo đảm chất lượng, không theo đúng thành phần nguyên liệu, quy trình sản xuất đã đăng ký với các cơ quan quản lý… Tình trạng quảng cáo các sản phẩm thực phẩm không đúng sự thật, hay quảng cáo quá mức vẫn xảy ra khá thường xuyên…
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên được chỉ rõ là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn yếu. Ðặc biệt, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận, cố tình bỏ qua các quy định về bảo đảm ATTP trong quy trình sản xuất để giảm chi phí đầu tư và nguồn nhân lực. Mặt khác, chính quyền tại nhiều nơi còn buông lỏng công tác quản lý nhà nước về ATTP, nhất là chưa gắn trách nhiệm đối với những người đứng đầu chính quyền các địa phương. Khi làm tốt thì "thành tích" chung, còn khi xảy ra những vi phạm về ATTP trên địa bàn mình phụ trách, thì đùn đẩy, phó mặc cho các cơ quan chuyên môn. Vẫn còn tình trạng cả nể, xử phạt không nghiêm minh dẫn đến hiện tượng nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh "nhờn" luật, chấp nhận chịu phạt để tiếp tục được tồn tại…
Cơ quan chức năng đã phát hiện một cơ sở sản xuất cà phê ở tỉnh Đắk Nông có trộn bột pin con ó vào hạt cà phê
Không phải ngẫu nhiên mà Tháng hành động vì ATTP năm 2018 (từ ngày 15-4 đến 15-5) được Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP T.Ư chọn chủ đề là "Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm". Ðể nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thì một trong những yếu tố quan trọng cần làm lúc này là các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần tập trung tuyên truyền, vận động người sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về ATTP. Yêu cầu người sản xuất, kinh doanh phải ký cam kết và thực hiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch, an toàn, nhất là các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất thực phẩm an toàn.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để công tác này đạt hiệu quả cao, nhất là tránh sự chồng chéo, các Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương cần xây dựng cụ thể, chi tiết các nhóm, ngành hàng thực phẩm do đơn vị mình quản lý để tiến hành thanh tra, kiểm tra; thường xuyên tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành và cần chọn các nhóm đối tượng, các mặt hàng thực phẩm cụ thể để thanh tra, kiểm tra, nhất là các nhóm mặt hàng thiết yếu hằng ngày.
Ðáng chú ý, theo Nghị định số 15/2018/NÐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điểm của Luật ATTP, Nhà nước đã tạo nhiều động lực thuận lợi, thông thoáng cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tuy nhiên, để tránh tình trạng người sản xuất, kinh doanh lợi dụng sự thông thoáng này để làm ăn phi pháp, gian dối, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác hậu kiểm về ATTP. Ði liền với việc tạo điều kiện thông thoáng, thì cũng cần tăng hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về ATTP…
Nguồn: Báo Nhân Dân