Các nhân công chăm sóc hoa tại một vườn hoa tết ở xã Quang Trung, huyện Thống Nhất.
* Lo dịch bệnh khi mưa nhiều
Theo Phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Thống Nhất, diện tích trồng hoa tết trên địa bàn huyện tập trung ở 2 xã Gia Tân 3 (khoảng 20 hécta) và Quang Trung (6 hécta). Các loại hoa trồng chủ yếu là: cúc, vạn thọ, mào gà, cẩm chướng... trong đó cúc pha lê được trồng nhiều nhất.
Ông Vũ Đình Chung, người có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng hoa ở xã Gia Tân 3, cho biết năm nay diện tích trồng hoa tết của gia đình ông là khoảng hơn 1 ngàn m2. Đến nay ông đã gieo trồng vụ cúc được hơn 1 tháng. Hiện tại, ông đều tiến hành thắp đèn 3,5-4 giờ vào buổi tối hàng ngày để khắc phục quy luật “ngày ngắn đêm dài” khiến hoa có thể ra nụ sớm, nhất là khi mưa nhiều trong thời gian qua.
“Mưa nhiều đòi hỏi nông dân trồng hoa phải tăng cường các biện pháp làm sạch đất trồng, phòng các bệnh, nấm cho hoa, đặc biệt là các bệnh đốm lá trên cúc, bệnh chết héo trên cây vạn thọ… Nếu xuất hiện những cơn mưa trái mùa như năm ngoái thì dịch bệnh có nguy cơ phát triển nhanh, chưa kể một số loại hoa như vạn thọ thường chịu lạnh kém” - ông Chung nói.
Ông Vũ Đình Chung chăm sóc vườn hoa cúc mới gieo trồng của gia đình tại xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất.
Theo ông Phạm Quốc Khánh, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất), năm nay địa phương đã chủ động hỗ trợ người trồng hoa về mặt kỹ thuật, chọn cây giống và tư vấn cho nông dân cách phòng chống dịch bệnh...
Tương tự, nhiều hộ trồng hoa tết ở huyện Long Thành cũng đang tích cực có các biện pháp để hoa phát triển ổn định, phòng trừ dịch hại, sâu bệnh và nở đúng thời điểm tết trước những ảnh hưởng của thời tiết.
Trong khi đó, nhiều người trồng mai cũng đang lo ngại tình hình thời tiết bất thường kèm theo những đợt không khí lạnh có thể khiến mai già lá và bung nụ sớm.
“Tôi thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết để có biện pháp phòng trừ các bệnh như cháy lá, thán thư cho cây mai… Lo nhất là những đợt không khí lạnh tràn về có thể ảnh hưởng đến thời gian ra hoa cũng như chất lượng mai” - ông Phạm Văn Vường, một chủ vườn mai gần 300 gốc ở xã Phú Thanh (huyện Tân Phú) cho biết.
Ông Vũ Thanh Tụng (xã Phú Bình, huyện Tân Phú), người có trên 20 năm kinh nghiệm trồng mai tết, chia sẻ: “Theo kinh nghiệm của tôi, những năm nhuận thường có khả năng mai nở đẹp khá cao. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào khâu chăm sóc và tình hình thời tiết, nhất là vào thời điểm làm bông cho cây mai thường được tính trước tết khoảng 15 ngày”.
* Chi phí đầu vào tăng
Ông Chung cho hay năm nay ông chủ động nguồn cây giống từ sớm, chủ yếu nhập cây giống từ Đà Lạt và TP.Hồ Chí Minh. Nhìn chung, giá cây giống vụ hoa tết năm nay tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Hơn thế nữa, năm nay ông Chung còn trồng thêm một số loại hoa mới có hiệu quả kinh tế cao hơn như: cúc nhám, cát tường... nhưng thường các loại hoa này khả năng chống chịu dịch bệnh lại không cao.
Một vườn hoa tết tại xã Quang Trung, huyện Thống Nhất.
Còn ông Nguyễn Văn Phúc (ngụ ấp Phúc Nhạc 2, xã Gia Tân 3) nói: “Thời tiết mưa nhiều sẽ khiến cây bị sâu bệnh nhiều hơn, chi phí phun xịt thuốc phòng trừ bệnh và công chăm sóc cũng cao hơn. Ngoài ra, tôi còn phải tìm mua thêm đất sạch để hạn chế dịch bệnh cho cây non. Thị trường hoa tết những năm gần đây đã thu hẹp so với trước, nhất là khi phải cạnh tranh chủ vườn ở những khu vực khác”.
Tương tự, ông Phạm Văn Vường bày tỏ chi phí chăm sóc mai có thể tăng khi không khí lạnh thường xuyên xuất hiện, đặc biệt là vào thời điểm cận tết. Bên cạnh đó, theo nhiều người trồng mai, người chơi mai những năm gần đây có xu hướng giảm, thay vào đó họ tìm kiếm các loại cây cảnh độc lạ. Điều này cũng ảnh hưởng tới ít nhiều tới thị trường và tâm lý của người trồng mai.