Ông Trần A Sách (xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom) bên những gốc tiêu bị chặt bỏ do nhiễm nấm, bệnh.
Với giá bán tại vườn còn khoảng 75 ngàn đồng/kg, giá tiêu hiện đang đứng
ở mức thấp kỷ lục trong vòng cả chục năm trở lại đây. Mất mùa, mất giá
khiến không ít nông dân quyết định chặt bỏ vườn tiêu bị bệnh chuyển sang
cây trồng khác. Cây tiêu đang “rớt hạng không phanh” trong danh sách
những cây trồng được ưu tiên đầu tư.
Ông Vòng Sùi Hội có vườn tiêu trồng được 4 năm tại xã Sông Thao
(huyện Trảng Bom). Sau đợt mưa dầm, những bụi tiêu đang xanh tốt, đậu
trái xum xuê cứ từ từ ngả vàng rồi tàn lụi. Ông Vòng Sùi Hội ngậm ngùi
nói: “Tôi đã đổ hàng trăm triệu đồng và biết bao công sức đầu tư vườn
tiêu rộng hơn 1 hécta này. Mưa dầm khiến dịch chết nhanh, chết chậm lan
nhanh khắp vườn. Tôi lại tiếp tục đổ tiền mua đủ loại phân, thuốc cứu
vườn tiêu, nhưng đến nay buộc phải chặt bỏ hơn một nửa diện tích tiêu
và tiêu vẫn tiếp tục chết. Tôi hiện đối mặt với nguy cơ trắng tay, đổ
nợ vì cây tiêu”.
Cùng nỗi lo, ông Trần A Sách, nông dân trồng tiêu tại xã Bàu Hàm
(huyện Trảng Bom), lo lắng: “Nông dân đang đổ nợ vì cây tiêu bị bệnh
chết nhanh, chết chậm đang lan khắp các vườn tiêu tại vùng này. Không ít
nhà vườn đã chặt bỏ những vườn tiêu bị dịch bệnh nhiều chuyển sang
cây trồng cây khác vì càng cứu càng lỗ”.
Trái đắng khi chạy theo phong trào
Dịch bệnh, mất mùa, mất giá là những nguyên nhân khiến cơn sốt ồ ạt
trồng tiêu nhanh chóng hạ nhiệt. Hiện còn rất ít nông dân nghĩ đến
chuyện bỏ vốn trồng tiêu, những vườn tiêu bệnh bị chặt bỏ hầu như đều
chuyển sang trồng cây khác.
Nông dân xã Sông Thao (huyện Trảng Bom) thu hoạch tiêu non từ những gốc tiêu bệnh bị chặt bỏ
Theo ông Võ Văn Thành, lão nông trồng tiêu giỏi tại xã Hưng Lộc
(huyện Thống Nhất), mất mùa, giá thấp trong khi chi phí phân thuốc phòng
chống dịch bệnh trên cây tiêu quá tốn kém khiến một số nông dân bỏ mặc
vườn tiêu không chăm sóc. “Đây là nguyên nhân khiến dịch bệnh càng lan
nhanh ở các vườn tiêu. Và trái đắng của việc đầu tư chạy theo phong trào
với vòng luẩn quẩn chặt trồng, trồng chặt vẫn đang tiếp diễn khi nhiều
nông dân lại đang tính đến chuyện chặt tiêu chuyển sang cây trồng khác
cho lợi nhuận tốt hơn” - ông Thành nói.
Nhưng mặt khác, cơn khủng hoảng với cây tiêu cũng đang giúp nông dân
định hướng lại sự đầu tư cho cây trồng này. Cụ thể, nông dân ngày càng
quan tâm đến việc sản xuất sạch để có đầu ra bền vững. Ông Trần Văn
Tánh, Phó giám đốc Hợp tác xã hồ tiêu Lâm San (huyện Cẩm Mỹ), cho biết:
“Từ đầu năm đến nay, hợp tác xã đã xuất khẩu được trên 1 ngàn tấn tiêu
sạch đi các thị trường khó tính, tăng gấp 3 lần so với vụ thu hoạch
trước đó. Giá tiêu sạch hợp tác xã thu mua cho nông dân cao hơn nhiều so
với mặt bằng chung ngoài thị trường. Nông dân ngày càng quan tâm
chuyển hướng trồng tiêu sạch để được doanh nghiệp, hợp tác xã bao tiêu
với giá tốt”.
(Theo báo Đồng Nai)