Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trong cộng đồng.
Hướng đến cuộc sống thực tại
Khái quát về bước đi của đạo Mẫu Việt Nam trong lịch sử Việt,
theo góc nhìn của GS Trần Lâm Biền: Đã có một thời gian dài, tín ngưỡng thờ Mẫu
bị xem nhẹ, thậm chí còn bị khoác cho cái áo mê tín dị đoan. Nhưng từ những năm
70 của thế kỷ XX, một đôi nhà nghiên cứu mỹ thuật trẻ, với sự dẫn dắt của cố GS
Từ Chi, đã chợt nhận thấy rằng: Hầu như mọi tôn giáo lớn đều được du nhập từ
bên ngoài vào, chỉ riêng tục thờ Mẫu, được coi là một trục chính của tín ngưỡng
dân gian, đã tồn tại suốt cả mấy nghìn năm như một đối trọng về mặt tâm linh
với các tôn giáo bên ngoài, để ta vẫn là ta, góp phần bảo vệ một bản sắc văn
hóa dân tộc muôn đời, muôn thuở. Vượt qua giai đoạn nguyên thủy (lúc người Việt
còn thờ các lực lượng tự nhiên) đến giai đoạn thờ thần linh nhân dạng, thì ngay
từ đầu đã ra đời một đối tượng thờ đáng quan tâm nhất là bà mẹ quyền
năng.
Tuy nhiên cũng theo phân tích của GS Trần Lâm Biền: Điều đáng
quan tâm là, tín ngưỡng này tuy phát triển có phần rộng khắp, nhưng chưa bao
giờ trong các chế độ cũ có có đủ điều kiện để trở thành một hệ tôn giáo chính
thống. Vì: Nó không hề được sáng lập bởi một vị giáo chủ cụ thể nào; Không hề
có hệ thống giáo lý gắn với nhân sinh quan và vũ trụ quan một cách mạnh mẽ. Nó
vì nhu cầu thiếu hụt tâm linh của quần chúng ở các thời kỳ khác nhau, rồi tự
điều chỉnh để tồn tại.
Vì thế, nó thâm nhập vào mọi nơi, mọi chốn, thậm chí vào cả các
tôn giáo lớn, để cho tôn giáo ngoại lai thích hợp có thể phổ cập và tồn tại
trong quần chúng (khi tôn giáo đó biết dung hội với tín ngưỡng này, các tượng
Phật giáo phần nhiều mang dạng nữ, nhất là Quan Âm Bồ Tát).
Tới nay, tín ngưỡng thờ Mẫu đã được nhiều nhà nghiên cứu quan
tâm, để mong tìm về một khía cạnh thuộc cốt lõi khởi nguyên mang vẻ đẹp tâm
linh của nông dân Việt, đậm yếu tố thuộc bản sắc văn hóa dân tộc. Điều đó không
có nghĩa là chúng ta ủng hộ sự phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu theo một chiều
hướng mới.
Còn GS Ngô Đức Thịnh- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Bảo tồn
Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam phân tích: Đạo Mẫu đã vượt trên những tín ngưỡng
dân gian riêng lẻ trong thuyết vạn vật hữu linh của con người thời cổ, mà đã
hình thành nên một tôn giáo dân gian với một hệ thống các vị thần linh từ thấp
đến cao được tập hợp trong tam phủ, tứ phủ.
Từ thế kỷ 16, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh
hoạt văn hóa có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân
Việt Nam. Theo đó, tín ngưỡng thờ Mẫu coi tự nhiên là một người Mẹ và tôn thờ.
Trong quá trình phát triển, tín ngưỡng này có những biến chuyển thích ứng với
sự thay đổi của xã hội.
Tuy nhiên, dù ở giai đoạn nào, tín ngưỡng này vẫn luôn hướng đến
cuộc sống thực tại của con người với ước vọng về sức khỏe, tài lộc, may mắn -
những ước muốn vĩnh hằng của con người.
Theo ông, chính điều này tạo nên sự khác biệt của đạo Mẫu. Trong
khi nhiều tôn giáo khác hướng đến việc cầu mong cuộc sống an nhàn ở hiện tại,
sự siêu thoát sau khi chết hoặc sự phù hộ của linh hồn người đã khuất với người
còn sống thì đạo Mẫu hướng đến cuộc sống hiện tại với nhu cầu thực tế, đời
thường: phúc-lộc-thọ.
Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt cũng
thể hiện rất rõ truyền thống uống nước nhớ nguồn, chủ nghĩa yêu nước được tâm
linh hóa, ý thức về sự giao lưu văn hóa và mối quan hệ bình đẳng, gắn bó giữa
các dân tộc.
Điều này được biểu hiện cụ thể qua hệ thống các vị thần trong
điện thần Tam phủ (trong khoảng 50 vị thần mà đạo Mẫu tôn thờ, có nhiều vị vốn
là những nhân vật lịch sử, được thần linh hóa như Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão…)
và các Thánh Mẫu có nguồn gốc không chỉ là người Kinh mà còn thuộc các dân tộc
thiểu số như người Tày, Nùng, Dao…
Quan trọng nhất vẫn là nhận thức
Sau khi Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được vinh
danh, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn rằng việc bảo tồn tín ngưỡng, trong đó có
nghi lễ hầu đồng sẽ ra sao? GS Ngô Đức Thịnh khẳng định: Nghi lễ chầu văn (hay
còn gọi là hầu đồng) là nghi lễ chính, điển hình nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu.
Thông qua nghi lễ này, con người gửi gắm, biểu đạt những mong muốn, khát vọng
của mình.
Hầu đồng thực chất là một hình thức diễn xướng dân gian dựa trên
việc kết hợp âm nhạc mang tính tâm linh (lời ca trau chuốt) với những điệu múa
uyển chuyển và các nghi lễ trang nghiêm; từ đó, đưa con người vào trạng thái
ngây ngất. Những người thực hành tín ngưỡng tin rằng, hình thức này có thể giúp
con người giao tiếp được với các đấng thần linh. Lúc này, các thanh đồng đóng
vai trò trung gian giữa con người và thần linh.
Tuy nhiên trên thực tế, tín ngưỡng thờ Mẫu chưa thực sự
thoát khỏi tình trạng lệch chuẩn, trên 50% số thanh đồng thiếu những hiểu biết
chuẩn về hệ thống giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu. Do đó họ chỉ mải miết
lên đồng với những sáng tạo lệch lạc như tự ý thay đổi trang phục, cách thức
hát chầu văn...
Theo TS Lê Thị Minh Lý- Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc
gia, việc UNESCO vinh danh Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt nhằm mục
tiêu nhận diện giá trị văn hóa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu cùng với các cộng
đồng là chủ thể, có tính đại diện. Họ đã thực hành di sản lâu đời, được trao
truyền qua nhiều thế hệ. Trước năm 1990 khi chưa có sự đổi mới toàn diện về các
mặt thì có những quan niệm cho rằng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là lạc hậu,
thậm chí bị quy chụp là mê tín, dị đoan.
Sau này với nhận thức đổi mới về văn hóa, khi hội nhập đời sống
văn hóa thế giới, chúng ta thấy thực hành tín ngưỡng này có những giá trị văn
hóa rõ rệt, được nhiều cộng đồng duy trì, trao truyền vì thế chúng ta đã thực
sự nghiêm túc đánh giá để có một thái độ ứng xử bình đẳng như đối với các thực
hành tín ngưỡng khác. Do đó, để nghi lễ hầu đồng trong Tín ngưỡng thờ Mẫu
không bị biến tướng, quan trọng nhất vẫn là ở khâu nhận thức.
Phải chính cộng đồng chỉ ra cho nhau, uốn nắn cho nhau. Những
thanh đồng sẽ phải tự trao truyền cho nhau để thực hành cho đúng phép tắc và
phản ánh đúng giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu. Sẽ không có nhà quản lý nào
đứng ra chỉ được người nào thực hành đúng, người nào không thực hành đúng. Bà
mong rằng, với việc đạo Mẫu trở thành di sản văn hóa thế giới, các nhà nghiên
cứu văn hóa, các nhà quản lý văn hóa sẽ chú ý hơn nữa đến khía cạnh bảo vệ văn
hóa.
Đồng tình với quan điểm này, GS Ngô Đức Thịnh cho rằng, nguyên
lý quan trọng của việc bảo tồn di sản là phải dựa vào cộng đồng - chủ thể sáng
tạo di sản. Các cơ quan quản lý văn hóa, nhà chuyên môn cần xây dựng chương
trình phổ biến kiến thức về đạo Mẫu nói chung và hầu đồng nói riêng để cộng
đồng có những tri thức, hiểu biết khoa học về di sản.
Từ đó, người dân sẽ chủ động tham gia vào quá trình bảo tồn và
phát huy, kế thừa và phát triển di sản một cách đúng đắn. Đây cũng là cách để
hạn chế những biến tướng xấu nở rộ theo sự phổ biến ngày càng sâu rộng của việc
thực hành di sản này sau khi được UNESCO vinh danh ở tầm thế giới.
Khánh Huyền