
Một đoàn khách của tỉnh tham quan di tích cấp quốc gia Mộ Cự
thạch Hàng Gòn. Ảnh: V.TRUYÊN
Trong 53 di tích được xếp hạng của tỉnh thì Mộ Cự thạch Hàng Gòn
là một trong những di tích được xếp hạng cấp quốc gia sớm nhất vào năm 1982.
Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có quyết định công nhận đây là di tích
cấp quốc gia đặc biệt.
* Công trình đồ sộ còn nhiều bí ẩn
Có được vinh dự này là bởi mặc dù trên địa bàn tỉnh phát hiện
nhiều dấu tích khảo cổ của cư dân xưa, song chỉ có di tích Mộ Cự thạch Hàng Gòn
(xã Hàng Gòn, TX.Long Khánh) là thuộc loại hình độc đáo nhất khi vừa là di tích
khảo cổ đồng thời cũng là di tích kiến trúc cổ.
Từ khi được phát hiện lần đầu tiên bởi một kiến trúc sư người Pháp
có tên là J.Bouchot vào năm 1927, ngay lập tức di tích Mộ Cự thạch Hàng Gòn đã
thu hút sự quan tâm của những người mê khảo cổ trên khắp thế giới.
Song phải đợi đến sau khi đất nước thống nhất, giới khảo cổ học
Việt Nam mới chính thức tổ chức được nhiều đợt điều tra kiểm chứng Mộ Cự thạch
Hàng Gòn. Trong đó đáng chú ý nhất là các đợt điều tra khảo sát phối hợp giữa
Viện khoa học TP.Hồ Chí Minh với Bảo tàng Đồng Nai vào các năm 1982, 1991 và
1996. Đặc biệt là sự phối hợp điều tra của Trung tâm Khảo cổ học vùng Nam bộ
với Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh để phục vụ cho việc lập hồ sơ thiết
kế trùng tu, khôi phục, tôn tạo di tích này vào năm 2006.
Theo ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý di tích và danh thắng
tỉnh, trên cơ sở các nguồn tư liệu có được thì Mộ Cự thạch Hàng Gòn là một dạng
hầm mộ, được cấu tạo bởi nhiều tấm đá hoa cương lớn và những trụ đá dài, nặng
khoảng 30-40 tấn. Ngôi mộ có hình chữ nhật dài 4,2m, ngang 2,7m, cao 1,6m được
ghép bởi 6 tấm đá hoa cương đã bào khá nhẵn ở mặt ngoài, 4 tấm đá thẳng đứng
dùng làm vách, 2 tấm nằm ngang dùng làm mặt đáy và nắp đậy, liên kết giữa tấm
đá hoa cương nhờ vào hệ thống rãnh dọc chắc chắn. Xung quanh mộ có nhiều trụ đá
hoa cương cao 7,5m, tiết diện mặt cắt ngang hình chữ nhật 1,1m x 0,3m, phần lớn
các đầu trụ được khoét lõm hình yên ngựa.
Tuy đã tìm hiểu được những điều về kiến trúc, kết cấu, chất liệu,
niên đại hình thành nên Mộ Cự thạch Hàng Gòn song giới chuyên môn vẫn không thể
lý giải nổi và đưa ra câu trả lời chắc chắn cho những câu hỏi đã tồn tại suốt
89 năm qua từ khi di tích này được phát hiện, như: cư dân nào đã xây dựng kiến
trúc này? Bằng cách nào mà người cổ đã vận chuyển được những tấm đá, trụ đá hoa
cương nặng hàng chục tấn từ các địa điểm khác đến Hàng Gòn vốn là vùng rừng núi
bạt ngàn, địa hình tự nhiên đầy khó khăn, đường thủy không có?
Hay cư dân cổ đã sử dụng kỹ thuật gì để trồng các trụ đá, nâng hạ
các tấm đan to lớn, ghép thành một dạng hầm mộ độc đáo? Tại sao cư dân cổ xây
dựng hầm mộ tại Hàng Gòn là hình khối chữ nhật mà không là các dạng thức khác?
Chủ nhân của khu di tích Mộ Cự thạch Hàng Gòn có quan hệ như thế nào với chủ
nhân của bộ vũ khí bằng đá hay tượng tê tê bằng đồng được phát hiện ở địa
điểm cách đó không xa là xã Long Giao (huyện Cẩm Mỹ)? Hậu duệ của cư dân cổ đã
xây dựng công trình mộ cổ Hàng Gòn là dân tộc nào trên vùng đất Nam bộ ngày
nay?...
“Sự bí ẩn liên quan đến di tích Mộ Cự thạch Hàng Gòn vẫn còn đó.
Đó là sự thách thức của con người cổ cách đây khoảng 2 ngàn năm dành cho con
người hiện nay. Chính những bí ẩn chưa có lời giải đáp làm cho di tích trở nên
hấp dẫn hơn với sự tồn tại của chính nó từ xa xưa cho đến nay” - ông Lê Trí
Dũng nói.
* Bảo tồn cho thế hệ mai sau
Ông Lưu Văn Du, Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai, người trực tiếp tham
gia thực hiện bảo tồn di tích này, cho hay trước tình trạng mộ đá có nguy cơ
sụp đổ do thường xuyên ngập nước trong mùa mưa lớn, đầu năm 1992 các cơ quan
chuyên môn của tỉnh đã tiến hành khai quật tôn tạo di tích. Công việc này tiếp
tục được thực hiện vào các năm 1997-1999, song cũng chỉ dừng lại ở việc giải
quyết tạm thời là chính.
Phải đến đầu năm 2011, dự án trùng tu, tôn tạo di tích Mộ Cự thạch
Hàng Gòn mới được khởi công thực hiện trên diện tích 37.120m2 với
tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: khu hầm mộ, khu chế tác,
miếu Ông Đá, miếu Thổ thần, các công trình phụ trợ khác (cổng, hàng rào, sân
đường nội bộ, nhà trực ban - bán vé, nhà bao che, nhà đón tiếp - trưng bày, nhà
điều hành).
Trong đó, công trình nhà bao che là hạng mục lớn nhất trong di
tích mộ Cự thạch Hàng Gòn. Nhà bao che Mộ Cự thạch Hàng Gòn có diện tích 46,8m
x 30m bao trùm lên toàn bộ ngôi mộ. Bên trong nhà bao che có một hành lang dẫn
đến khu hầm mộ bằng con đường dốc từ trên xuống dần. Nhờ vậy mà mối lo về việc
các phiến đá bị xê dịch do nước mưa làm xói mòn đất đã được giải quyết. Thêm
vào đó việc di chuyển xuống dưới hầm mộ cũng dễ dàng và thuận tiện hơn rất
nhiều với những người làm công tác chuyên môn và khách tham quan.
Ngoài việc thực hiện trùng tu, bảo tồn, theo ông Lê Trí Dũng, hiện
Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh đang lập đề án để khai thác di tích Mộ
Cự thạch Hàng Gòn có hiệu quả trong hiện tại và tương lai.
Sông Thao